Tổ chức các dịch vụ bổ trợ bảo tàng từ lâu đã trở nên phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, chủ trương tổ chức dịch vụ bổ trợ cho bảo tàng đã có, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được thực hiện bài bản.
Cho đến nay, hình thức dịch vụ phổ biến nhất tại các bảo tàng ở Việt Nam hầu như dừng lại ở các quầy hàng lưu niệm, cho thuê địa điểm tổ chức hội thảo, diễn thuyết, giao lưu họp mặt, chụp ảnh lưu niệm hay tổ chức đám cưới… Trong khi thực tế, phần nhiều du khách khi đến các bảo tàng ngoài nhu cầu tham quan, tìm hiểu văn hóa dân tộc nước sở tại, họ còn có nhu cầu giải trí, mua kỷ vật đặc trưng hay thưởng thức văn hóa ẩm thực.
Tại Bảo tàng chiến thắng Trou, Normandy (Pháp), không ít du khách khi đến đây rất háo hức khám phá những món ăn có từ thời Thế chiến I được phục vụ bởi một nhà hàng lớn ngay trong bảo tàng.
Để thưởng thức được một bữa ăn ở nhà hàng này, ngoài số tiền không nhỏ, khách nhất định phải đặt chỗ trước.
Hoành tráng và tổ chức dịch vụ quy mô hơn phải kể đến Bảo tàng Mỹ thuật đương đại Đan Mạch ở thủ đô Copenhagen, thu hút hàng chục triệu lượt khách mỗi năm. Nơi đây tổ chức 2 nhà hàng quy mô ngay trong khuôn viên bảo tàng: nhà hàng phương Tây và nhà hàng phương Đông.
Tại nhiều bảo tàng ở nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ, từ lâu đã thực hiện dịch vụ thiết kế hộp tư liệu giáo dục của bảo tàng. Trong các hộp tư liệu này thường là tư liệu, hiện vật nguyên bản hoặc bản sao, phim tự liệu hay một ấn phẩm nào đó liên quan đến một đề tài cụ thể để cho thuê hoặc bán.
Chẳng hạn, Bảo tàng Nghệ thuật New York đã thiết kế một hệ thống gồm 8 chương trình dành cho học sinh trung học chủ đề “Khám phá lịch sử châu Mỹ bằng nghệ thuật”.
Mỗi chương trình gồm có phim tư liệu, hiện vật gốc, sách giáo khoa, đĩa nhạc… nhằm cung cấp cho học sinh những thông tin phổ quát nhất về nghệ thuật, âm nhạc và các nghệ sĩ tiêu biểu. Từ ý tưởng của bảo tàng, những chương trình này sau đó được một công ty trả tiền bản quyền để sản xuất và phân phối trên cả nước Mỹ.
Tổ chức Bảo tàng quốc tế (ICOM) quan niệm hoạt động của bảo tàng không chỉ nhằm phục vụ công tác nghiên cứu và giáo dục mà còn là nhu cầu giải trí của công chúng. Bao giờ các dịch vụ bổ trợ bảo tàng ở Việt Nam mới thật sự khởi động? Bởi nếu không, đây sẽ là một thiếu sót và lãng phí không nhỏ.
Minh An