Ý kiến: Cần có tài phán hành chính

(SGGP).- Mỗi năm, các cấp chính quyền trên địa bàn TPHCM tiếp nhận gần 18.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC), trong khi đó, Tòa hành chính TAND TPHCM chỉ thụ lý vài chục vụ. Điều đó dẫn đến nghịch lý: cơ quan hành chính nhà nước ngày càng quá tải, còn Tòa hành chính lại… khỏe re.

Tuy nhiên, kết quả giải quyết khiếu kiện của cơ quan hành chính khó có thể khiến người dân tâm phục khẩu phục. Bởi, sẽ thiếu công tâm, khách quan khi người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính lại “xử” các vụ khiếu kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính do chính họ ban hành.

Thực tế ấy đòi hỏi cần có một cơ quan chuyên môn giải quyết KNTC hoạt động độc lập với hệ thống cơ quan hành chính. Đó là cơ quan tài phán hành chính (TPHC) – vị “trọng tài” phán quyết trong quá trình giải quyết các vụ việc KNTC – mô hình cần có trong tương lai.

Cơ quan TPHC được thành lập từ lâu ở các nước tiên tiến trên thế giới và hoạt động rất hiệu quả. Ở nước ta, việc thành lập cơ quan TPHC được cho là cấp thiết trước thực trạng các vụ việc khiếu kiện ngày càng gia tăng và trở nên quá tải. Vấn đề này cũng được đưa ra bàn bạc nhiều lần nhưng việc xúc tiến triển khai vẫn… chưa thấy đâu.

Trong khi, đa số ý kiến của các cơ quan chuyên môn đều nhất trí rằng việc thành lập cơ quan TPHC không chỉ đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính thời kỳ hội nhập mà còn đảm bảo tốt chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức; đồng thời hạn chế sự chồng chéo và giúp phân định rạch ròi chức năng, nhiệm vụ giữa cơ quan hành chính với cơ quan giải quyết tranh chấp hành chính.

Hơn nữa, cơ quan TPHC cũng sẽ khắc phục một số mặt tồn tại hiện nay như chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ chuyên trách giải quyết KNTC ở cấp phường, xã còn nhiều hạn chế, hoạt động của tòa hành chính trong giải quyết các vụ việc khiếu kiện chưa thực sự hiệu quả. Khi đó, cơ quan TPHC vừa tiếp nhận, giải quyết các khiếu kiện hành chính, vừa có thể đưa ra những phán quyết mà không chịu sự chi phối nào từ phía các cơ quan hành chính.

Một cán bộ giải quyết KNTC cho rằng: xã hội càng phát triển theo hướng chuyên môn hóa, nhu cầu thành lập cơ quan TPHC càng trở nên cấp thiết. Nhưng để thành lập một cơ quan TPHC thực sự trở thành vị “trọng tài” phân minh, công bằng trong giải quyết KNTC thì việc xây dựng một cơ chế đồng bộ, linh hoạt, chuyên nghiệp cả về đội ngũ cán bộ và cơ cấu hoạt động cũng phải được lưu tâm.

HOÀNG HOA

Tin cùng chuyên mục