Ý kiến cử tri gửi gắm tới Quốc hội: Kỳ vọng các quyết sách mới

Ý kiến cử tri gửi gắm tới Quốc hội: Kỳ vọng các quyết sách mới

LTS: Qua các phương tiện truyền thông đại chúng chuyển tải về các nội dung nghị sự kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, đông đảo cử tri cả nước đã bày tỏ nhiều ý kiến xung quanh các nội dung được trình bày tại kỳ họp Quốc hội. Báo SGGP giới thiệu một số ý kiến.

Hướng dẫn người dân làm hồ sơ nhà đất tại UBND quận 2. Ảnh: Cao Thăng

Hướng dẫn người dân làm hồ sơ nhà đất tại UBND quận 2. Ảnh: Cao Thăng

  • Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM: Nhiều thuận lợi thực hiện mô hình chính quyền đô thị TPHCM

Qua tiếp thu ý kiến của nhân dân và đại biểu Quốc hội (ĐBQH), văn bản dự thảo Hiến pháp mới nhất trình Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ 6 này, với phương án 1: “Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính địa phương nước ta phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt…”. Như vậy, quy định này tạo điều kiện cho việc triển khai mô hình chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị như TPHCM, nếu được xem xét, thông qua. Đây là quy định mở, sau khi Hiến pháp được thông qua sẽ có quy định cụ thể bằng luật về chính quyền địa phương. Mặt khác, những quy định có tính nguyên tắc về phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương tạo cơ sở để phát huy tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi được phân cấp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đây là nội dung quan trọng vì nếu Hiến pháp có quy định về vấn đề này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, sẽ nâng cao năng lực phục vụ nhân dân. Về phía TPHCM cũng cần tiếp tục làm rõ đề án chính quyền đô thị với những thiết kế cụ thể hơn vì hiện đề án vẫn còn những vấn đề khá chung, nhiều người chưa hình dung được.

  • TS Võ Trí Hảo, Khoa Luật, ĐH Kinh tế TPHCM: Không làm khó đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Từ trước đến nay, cách phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ của Hiến pháp Việt Nam quá chi tiết, nên khi một địa phương nào đó thấy khuôn khổ chung quá bất cập, không phù hợp với sự phát triển của họ, thì thường phải xin Trung ương cho cơ chế đặc thù. Hiện nay Đảng và Nhà nước đã có chủ trương cho phép: Phú Quốc, Vân Đồn, Vân Phong, Đà Lạt xây dựng theo mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; TPHCM, Đà Nẵng xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Muốn các địa phương này phát huy được hiệu quả tối đa thì bộ máy vận hành của nó tương ứng cũng sẽ có nhiều điểm mâu thuẫn với nội dung Chương IX Hiến pháp. Nhưng để có được chủ trương này, các địa phương lại phải xin Trung ương cho cơ chế đặc thù. Đây là cái vòng lẩn quẩn. Điều 146 Hiến pháp hiện hành (Điều 120 Dự thảo) đã nêu rõ “Hiến pháp có hiệu lực pháp lý cao nhất”, có nghĩa mọi chủ thể, mọi trường hợp phải tuân theo Hiến pháp, không được trái Hiến pháp, chừng nào Hiến pháp chưa được sửa đổi. Trong khi đó, để có được cơ chế đặc thù thì phải “xin” và như thế sẽ tiếp tục cổ vũ cho cơ chế “xin cho” - vốn là mảnh đất phát sinh tiêu cực và sự thụ động thay vì chủ động sáng tạo trong khuôn khổ bình đẳng của Hiến pháp. Chưa kể, Trung ương sẽ bận bịu với vai trò của “bà mẹ nghèo đông con” cho từng địa phương. Trong số các địa phương cùng xin, sẽ có địa phương xin được và địa phương không xin được, như vậy có thể làm nhân dân giữa các địa phương này cũng sẽ không còn bình đẳng với nhau trước pháp luật nữa.

Tại sao tự mình làm khó mình, bằng cách nghĩ ra may 63 cái áo đồng phục cho 63 tỉnh thành? Nếu Hiến pháp chỉ quy định chi tiết đến cấp tỉnh, TP trực thuộc trung ương; còn các cấp còn lại do luật quy định, thì mình sẽ tự mình giải phóng được những rắc rối, tạo đà cho các địa phương có điều kiện phát triển mạnh.

  • Trần Kim Yến, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM: Chống tham nhũng phải hiệu quả hơn

Từ nhiều năm qua, công tác đấu tranh chống tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, đề ra nhiều biện pháp phòng chống quyết liệt… Nhưng rất tiếc cho đến nay nhiều vụ tham nhũng lớn vẫn chưa được đưa ra xử lý triệt để như mong đợi của người dân, trong đó có những vụ án lớn như Vinashin, Vinalines và các vụ được phát hiện, dư luận đã lên tiếng, nhưng vẫn chưa xử lý dứt điểm hoặc kết quả xử lý khiến dân không khỏi thắc mắc, hoài nghi. Tôi rất đồng tình với phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong dịp tiếp xúc với cử tri Hà Nội mới đây khi khẳng định: Không phải bây giờ mà từ nhiều năm trước, Đảng đã gọi tham nhũng là “quốc nạn” và là “giặc nội xâm”, do đó phải chống tham nhũng triệt để hơn nữa để củng cố lòng tin của dân đối với Đảng và chính quyền các cấp, đồng thời xây dựng chính quyền thật sự trong sạch, vững mạnh như lời Bác Hồ dạy.

Tôi đề nghị cần sớm đưa ra xét xử dứt điểm các vụ án tham nhũng lớn mà người dân đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần tại các kỳ tiếp xúc cử tri. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng hoàn chỉnh ban nội chính các cấp để nhanh chóng “vào cuộc”, góp phần đẩy lùi tham nhũng. Vẫn biết chống tham nhũng là công việc hết sức khó khăn, tinh vi và nhạy cảm, nhưng nếu không chống tham nhũng một cách kiên quyết, triệt để sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự tồn vong của chế độ, đến niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước. Đã đến lúc, công tác chống tham nhũng phải được xem là một trong công việc quan trọng hàng đầu, cần phải thực hiện khẩn trương nhất để đem lại hiệu quả cao nhất. 

  • GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường: Cần tầm nhìn dài hạn về đất đai

Theo tôi, cần thay đổi điều nói về cơ chế “Nhà nước thu hồi đất” của Hiến pháp, đề nghị gọi là cơ chế “Chuyển quyền sử dụng đất bắt buộc”. Với các nội dung cụ thể như: Thứ 1: Nhà nước thu hồi quyền sử dụng đất đối với đất đang sử dụng khi người sử dụng đất không còn quyền sử dụng đất hợp pháp hoặc tự nguyện trả lại đất. Thứ 2: Nhà nước trưng thu quyền sử dụng đất có bồi thường theo giá thị trường khi thật cần thiết để sử dụng cho các mục đích quốc phòng, an ninh; lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng không gắn với kinh doanh. Thứ 3: Nhà nước trưng mua quyền sử dụng đất theo giá thị trường đối với đất đang sử dụng để sử dụng vào các mục đích lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng gắn với kinh doanh. Thứ 4: Nhà nước trưng dụng đất có thời hạn khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc hoàn cảnh bất khả kháng khác. Việc bồi thường được tính theo các thiệt hại thực tế khi đã hoàn thành mục đích sử dụng.

Rút kinh nghiệm những bất cập về tầm nhìn ngắn hạn trong xây dựng pháp luật trước đây thường thấy, Hiến pháp cần một tầm nhìn dài hạn thỏa mãn các tiêu chí: Phù hợp quyền con người đối với đất đai đã được pháp luật quốc tế thừa nhận như một giá trị của văn minh nhân loại; phù hợp mục tiêu dài hạn xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân và một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; đạt tiêu chí của một xã hội đồng thuận và loại bỏ được nguy cơ tham nhũng lớn từ quản lý đất đai, khiếu kiện của người sử dụng đất.

  • Huỳnh Văn Tư, Chánh Thanh tra quận 10: Quy định chưa chặt

Tham nhũng còn có dấu hiệu tăng mạnh cả về mức độ, tính chất và lĩnh vực vi phạm. Nguyên nhân chính là do luật pháp chưa chặt chẽ, không sát với thực tế. Tôi lấy ví dụ như quy định về kê khai và công khai tài sản hằng năm, pháp luật chỉ yêu cầu cán bộ, công chức, người có quyền hạn… kê khai và công khai tài sản, còn tài sản đó do đâu mà có, nguồn gốc cụ thể thế nào, vì sao giá trị tài sản năm nay chênh lệch hơn năm trước quá nhiều thì không yêu cầu chứng minh. Chính kẽ hở này đã làm công tác chống tham nhũng chưa hiệu quả. Cùng với đó, quy định về bảo vệ người tố cáo, tố giác tham nhũng cũng chưa được cụ thể, không ít người tố cáo tham nhũng nhưng không được cơ quan chức năng bảo vệ, bị trù dập. Điều này làm người khác thấy vậy lo sợ và nói không với tố cáo chống tham nhũng, góp cho tệ tham nhũng ngày càng phức tạp. Một nguyên nhân khác nữa là công tác cơ cấu, đào tạo lãnh đạo, người đứng đầu tổ chức, cơ quan… lâu nay còn chưa minh bạch, khách quan, chỉ định không đúng người đủ tài đủ đức. Vị lãnh đạo nào không công khai, minh bạch và luôn có ý vụ lợi cho mình thì không thể nói cấp dưới phòng chống tham nhũng tốt được.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục