Gần đây, qua thông tin trên báo chí cho thấy, có rất nhiều sai sót, bất cập trong việc hành xử công vụ. Đã vậy, tình trạng một số người trong bộ máy công quyền hành dân, vòi vĩnh dân, không bảo vệ đầy đủ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân… đang trở thành một căn bệnh xã hội.
Các cán bộ công chức chắc đều biết lời dạy của Bác Hồ: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Từng cán bộ công chức liệu có bao giờ tự soi rọi lại mình đã có lần nào không làm tròn vai của người đáp ứng yêu cầu, quyền lợi chính đáng của dân, tự thấy mình không có gì phải xấu hổ với dân? Mỗi cán bộ công chức liệu có thể tự nhận xét rằng mình chưa từng bỏ qua việc có lợi cho dân, chưa từng làm việc có hại cho dân? Người dân luôn tin vào những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước và thực tế hơn 25 năm đổi mới đã chứng minh cho điều đó.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những cá nhân, những ngành, những đơn vị chưa thực hiện tốt các chủ trương đúng đắn hoặc triển khai một cách nửa vời. Thậm chí việc triển khai có thể tốt nhưng vì một vài cá nhân chủ quan, yếu kém năng lực, phẩm chất đạo đức không tốt… đã làm ảnh hưởng đến cả một quyết sách đúng đắn. Một khi lòng tin của người dân giảm sút thì không chỉ uy tín bản thân cá nhân đó mà uy tín ngành và đơn vị đó cũng bị giảm sút.
Hơn lúc nào hết, bây giờ phải “siết lại” cả hệ thống. Trong nội bộ đơn vị, ngành, phải giám sát việc thực hiện bằng các quy chế, quy định, sự thưởng phạt và đánh giá của người dân. Tức là, tinh thần tự phê bình phải được đặt lên đầu, chứ đừng đợi dân phê bình nữa. Vì nếu không khắc phục được tình trạng này, đến lúc nào đó, dân cũng không phê bình nữa, lúc đó sẽ là thảm họa.
TRỊNH MINH GIANG (TPHCM)