Thời gian gần đây, trên các diễn đàn, mạng xã hội đang rộ lên sự phẫn nộ về việc một học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Thủ Đức) bị thầy dạy môn Toán đánh đến bầm tím da thịt chỉ vì không thuộc bảng cửu chương. Tấm ảnh chụp phần mông của bé V. chằng chịt lằn ngang với chú thích “bé không ngồi được, học bài thì nằm, ăn cơm phải đứng vì quá đau” được một người thân đưa lên mạng đã khiến cộng đồng mạng hết sức bất bình.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, bản thân giáo viên đó cùng đại diện ban giám hiệu Trường tiểu học Lương Thế Vinh đã đến tận nhà xin lỗi ba mẹ bé V., đồng thời đưa bé đến bệnh viện khám để chữa trị vết thương. Sự việc tạm lắng xuống nhưng câu hỏi về đạo đức và lương tâm người thầy vẫn bỏ ngỏ khiến dư luận chưa thể an lòng.
Trước đó, đã từng xảy ra nhiều trường hợp giáo viên đánh học sinh gây nên hậu quả nghiêm trọng nhưng đối tượng trong vụ việc lần này chỉ là một học sinh lớp 4, lứa tuổi chưa dậy thì, chưa biết cách “nổi loạn” nhưng lại rất dễ bị tổn thương bởi lối hành xử vô tâm của người lớn.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, nguyên Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết: “Khi bị giáo viên la mắng hoặc áp dụng các biện pháp đòn roi để xử phạt, học sinh - nhất là các em ở bậc tiểu học - rất dễ tổn thương tinh thần. Hậu quả về lâu dài sẽ khiến các em mặc cảm với bạn bè, không dám đến trường, sợ học thầy/cô giáo môn đó…”. Hơn nữa, nạn nhân trong vụ việc lần này là một bé gái, phần da thịt bị đánh là một trong những phần nhạy cảm của cơ thể nên di chứng để lại về mặt tâm lý cho em sẽ hết sức to lớn.
Bản thân người viết cũng từng chứng kiến một trường hợp giáo viên ở trường tiểu học yêu cầu học sinh của mình phải làm kiểm điểm trước toàn lớp, bắt về nhà chép 20 lần bảng nội quy chỉ vì sáng sớm hôm đó, mẹ chở em đến trường muộn 20 phút. Lý do được em học sinh này ghi trong bản kiểm điểm là do bánh xe gắn máy của mẹ bị thủng lốp, hai mẹ con phải cuốc bộ hơn nửa kilômét mới tìm được chỗ vá xe. Rõ ràng, đây là lỗi của người lớn, dù với nguyên nhân khách quan hay chủ quan thì khi xảy ra vụ việc, học sinh đó cũng không có lựa chọn nào khác.
Lẽ ra, khi thấy em lưng áo đẫm mồ hôi, đầu tóc xộc xệch bước chân vào cổng trường, thay vì tức giận, bắt em làm kiểm điểm thì những người thầy, người cô đó phải hỏi em lý do vì sao lại đi trễ hoặc gặp trực tiếp phụ huynh đưa đón để hiểu rõ hơn vấn đề. Tiếc là cái “lẽ ra” đó đã không tồn tại.
Qua đó cho thấy, việc áp dụng các hình thức xử phạt thế nào cho phù hợp, vừa có tính chất răn đe, nhắc nhở học sinh vừa không để lại những di chứng nặng nề về mặt tâm lý đối với quá trình phát triển và hình thành nhân cách của các em là một bài toán khó không phải giáo viên nào cũng làm được. Giáo dục cần lắm những hình thức xử phạt.
Song trước khi quyết định lựa chọn một hình thức xử phạt nào đó, bản thân giáo viên cần đặt câu hỏi vì sao các em lại vướng vào lỗi lầm đó. Bởi suy cho cùng, mục tiêu cuối cùng của việc xử phạt là răn dạy, uốn nắn các em vào những việc làm đúng chứ không phải “phạt cho đáng tội” khiến các em tự ti, xấu hổ với bạn bè.
THANH THU