Y Te Ông và những bộ chiêng cổ

Y Te Ông và những bộ chiêng cổ

Buôn M’liêng, xã Đắc Liêng (huyện Lắc, tỉnh Đắc Lắc) như một ốc đảo giữa mênh mông hồ Lắc. Đêm đêm, tiếng chiêng được nghệ nhân Y Te Ông tấu lên như nốt nhạc trầm hùng, vang vọng trên mặt hồ, nhắc nhớ người nghe về thời xa xưa, khi cộng đồng người M’nông quần tụ bên hồ Lắc khai khẩn lập buôn.

Hồ Lắc, có diện tích hơn 500 ha, là một thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng ở Tây Nguyên. Và cư dân bản địa sinh sống quanh hồ Lắc như người M’nông ở buôn M’liêng hiện còn gìn giữ được những sinh hoạt văn hóa truyền thống.

Theo lời của nghệ nhân Y Te Ông thì: “Hồi còn chưa biết mặc khố, mình đã thấy buôn M’liêng đông vui rồi. Ngày đó, cá sấu ở hồ Lắc này còn nhiều và cá tôm thì vô kể. Người M’nông ở buôn mình biết làm lúa nước từ lâu rồi nên cái ăn luôn đủ đầy”.

Hơn chục năm liền, Y Te Ông làm già làng của buôn M’liêng, ông chỉ nghỉ hai năm nay do sức khỏe yếu: “Giờ mình đã qua 78 mùa rẫy rồi, cái chân đi nhiều nhanh mỏi rồi, đi không nổi nữa, phải để người khác làm già làng thôi”.

Y Te Ông và những bộ chiêng cổ ảnh 1

Nghệ nhân Y Te Ông bên bộ chiêng quý. Ảnh: THÚY HIỀN

Thế nhưng, khi nghe hỏi đến cồng chiêng, ông già lại trở nên sôi nổi, hăng hái lạ. Chỉ tay vào hai bộ chiêng quý dựng bên cạnh chiếc Kpan (phản gỗ dài), ông nói: “Gia tài mình chỉ quý nhất chừng này thôi, vì nó là của ông bà để lại mà! Hai bộ chiêng Kđơ của Y Te Ông có 12 chiếc, trong đó một nửa là chiêng lớn, có chiếc đường kính gần 1m.

Một chiếc chiêng Lào được ông cho là quý nhất, có giá bằng một con voi. Theo lời Y Te Ông, khi đánh có thể vang xa từ bờ bên này sang tới bờ bên kia hồ Lắc, và người buôn Triết, buôn Tría ở cách buôn M’liêng gần chục cây số cũng nghe rõ lời chiêng.

Trong dàn chiêng này còn có 3 chiếc chiêng Bkút cũng quý không kém, vì chiêng có pha đồng đen. Bkút tiếng M’nông có nghĩa là con trâu đực sừng ngắn hoặc không có sừng, người M’nông rất quý loại trâu này, mỗi con trâu Bkút bằng giá hai con trâu đực thường.

Một chiếc chiêng Bkút có giá trị bằng 15 con trâu Bkút. Bây giờ nhiều người không quý cồng chiêng như xưa đâu. Mấy năm trước có bà đồng nát vào hỏi mua chiêng của mình, nhưng mình quyết không bán, mà để giữ lại cho con cháu”.

Nếu là ngày xưa, với hai bộ chiêng quý nhà Y Te Ông sẽ được xếp vào hạng khá giả của buôn M’liêng. Nhưng giờ đây, nhà ông lại thuộc diện hộ nghèo nhất buôn. Y Te Ông có 9 người con: 8 gái, 1 trai nhưng đều lớn lên lập gia đình, tách hộ ở riêng cả.

Mấy năm nay, ông bà Y Te đều yếu do tuổi tác, không làm được việc đồng áng. Ông quanh quẩn ở nhà, ngày ngày lau chùi bộ chiêng quý, nâng niu từng chiếc chiêng và hồi tưởng những đêm hội rộn rã tiếng cồng chiêng của buôn M’liêng những năm còn nhiều lễ hội. Ông kể: “Ngày trước buôn có nhiều lễ hội hơn bây giờ, nhà nào có lễ cúng mình cũng tới cùng đánh chiêng. Đêm nào không có tiếng chiêng là thấy buồn buồn”.

Anh Ama Hoa, trưởng buôn M’liêng, cho biết: “Học theo Y Te, rất nhiều hộ dân buôn M’liêng đã giữ được chiêng. Mới đây buôn còn được tỉnh và huyện cấp thêm mấy bộ chiêng mới để phục vụ các hoạt động văn hóa tại Nhà văn hóa cộng đồng và biểu diễn phục vụ khách du lịch”.

Hiện cả buôn có hơn 50 bộ chiêng, trong tổng số 107 hộ gia đình. Nhiều du khách nước ngoài đi du lịch hồ Lắc vào buôn M’liêng hỏi mua chiêng với giá vài trăm đô la một chiếc để làm kỷ niệm, đều nhận những cái lắc đầu.

Lúc chia tay chúng tôi, Y Te Ông kiêu hãnh đọc lại lời người xưa mô tả lời chiêng Tây Nguyên: “Đánh nhẹ cho gió lùa xuống đất, đánh cho vang khắp vùng; rung cho tiếng lùa qua đầm, làm cho bầy ma quên hại con người, làm cho chuột sóc quên đào hang, làm cho rắn luồn ra khỏi lỗ, làm cho hươu nai đứng mà ngó, làm cho thỏ lắng tai nghe quên cả nhai cỏ non...”.

Nghệ nhân Y Te dự định: “Trước khi về với tổ tiên ông bà, được đi gặp Yàng, mình sẽ trao 2 bộ chiêng quý này cho đứa con nào mê chiêng và giỏi diễn tấu cồng chiêng nhất trong 9 đứa con của mình!”.

Thúy Hiền

Tin cùng chuyên mục