
Tại gallery số 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa vừa diễn ra cuộc triển lãm sản phẩm từ len rất độc đáo (từ ngày 24-11 đến 29-11-2008). Đó là búp bê len nghệ thuật mang hình ảnh 54 dân tộc anh em được thể hiện qua 108 mẫu búp bê của nghệ nhân Nguyễn Thị Thục.
Độc đáo búp bê len
Người phụ nữ có bàn tay khéo léo ấy chính là nghệ nhân Nguyễn Thị Thục. Không còn trẻ nữa nhưng hơn bao giờ hết sức sáng tạo trong chị đang cuộn chảy như tuổi thanh xuân. Chị Thục đến với công việc đan móc búp bê len nghệ thuật khi đã nghỉ hưu.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Thục bên những sản phẩm búp bê len hình ảnh các dân tộc VN
Chị kể: Mê búp bê từ nhỏ và đến bây giờ chị vẫn bị niềm đam mê ấy “ám ảnh”. Sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt, xứ sở của sản phẩm len, nhưng chị vẫn thấy dòng sản phẩm này chưa thật phong phú.
Nhiều năm trời, chị đã mày mò tìm kiếm, nghiên cứu để sau này cho ra đời các sản phẩm phục vụ du lịch một cách thiết thực từ len.
Vài năm trước, nhiều người có dịp biết đến sản phẩm thủ công của chị sau Cuộc thi sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch của tỉnh Lâm Đồng bởi chị đoạt liền 3 giải nhất, nhì, ba cùng lúc, bao gồm các sản phẩm búp bê cho thiếu nhi, trang trí nội thất…
Không dừng lại trước những kết quả này, chị Thục suy nghĩ: Làm sao để tạo nên “thương hiệu” len thật độc đáo ở Đà Lạt mới là điều khó. Nghĩ là làm, từ vốn kinh nghiệm lâu năm của nghề làm báo tại Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng, chị lặn lội đến những vùng sâu tận các bản làng dân tộc thiểu số để tìm ý tưởng.
Nhiều lần đi cơ sở đến với bà con các dân tộc, những nét hoa văn truyền thống của họ như ám ảnh chị. Chị Thục tự hỏi ”vì sao mình không thực hiện búp bê len khắc họa hình ảnh 54 dân tộc anh em?”.
Chính ý tưởng độc đáo ấy đã mở ra một con đường mới trong quá trình sáng tạo của chị. Miệt mài và quyết tâm, chị Thục đã cho ra đời những con búp bê len mang hình ảnh các dân tộc thiểu số đầu tiên. Phải qua cả chục lần chỉnh sửa, chị Thục mới có thể hài lòng với sản phẩm của mình.
Chị mạnh dạn gửi các mẫu này đến Bộ Văn hóa - Thông tin để đăng ký bản quyền sản phẩm. Được công nhận chính thức, chị như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục thực hiện ý tưởng của mình.
Lưu giữ truyền thống văn hóa
Để các sản phẩm đi từ ý tưởng đến hiện thực phải trải qua một giai đoạn trải nghiệm lâu dài. Ít ai biết rằng, phải gần 15 năm sau, những hoa văn trên trang phục 54 dân tộc anh em mà chị Thục nghiên cứu mới có thể được thể hiện nhuần nhuyễn trên từng sản phẩm búp bê len.
Mỗi dân tộc có một trang phục riêng với những hoa văn độc đáo, từ màu sắc, hình dáng, quần áo, khăn, vòng cổ, các họa tiết… đều phải đúng với nguyên bản trang phục mỗi dân tộc. Bởi ngay cả đối với một số dân tộc, phụ nữ có chồng cách ăn vận cũng khác các thiếu nữ.
Phải am hiểu sâu sắc nét văn hóa truyền thống của các dân tộc mới có thể làm nên những búp bê len sinh động như thế. Chị Thục bộc bạch: “Đây là bộ sưu tập được thực hiện bằng tâm huyết và niềm đam mê của tôi.
Nhiều lần đến với các dân tộc anh em, tôi chạnh lòng khi thấy nhiều chàng trai, cô gái không còn e ấp trong trang phục truyền thống, mà ngược lại họ ăn vận giống người Kinh. Chính vì vậy, tôi muốn lưu giữ lại nét văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em, để mọi người biết rằng trang phục truyền thống luôn đẹp và mang một giá trị tinh thần sâu sắc”.
Trước khi khai mạc triển lãm, chị nhìn những con búp bê bằng len và mơ ước: “Triển lãm thành công, tôi sẽ mở rộng quy mô để tạo công ăn việc làm cho các trẻ em khiếm thính”. Hy vọng chị sẽ thực hiện được tâm nguyện của mình để góp phần mang đến niềm vui cho những số phận kém may mắn.
DUY XUYÊN