Yên tĩnh trước… bão

Hiện nay, cả nước đã khống chế được dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc; chỉ còn ở Bến Tre, dịch cúm gia cầm chưa qua thời hạn 21 ngày. Riêng 4 tỉnh (Quảng Trị, Lào Cai, Bến Tre và Trà Vinh) còn dịch tai xanh chưa qua 21 ngày, trong đó Trà Vinh là tỉnh có dịch bệnh tái phát trong tuần.

Tại TPHCM, gia cầm được giám sát tốt tại các trại nuôi kín, công nghiệp, nên không xảy ra dịch cúm; không phát hiện gia súc có dấu hiệu bệnh lở mồm long móng và heo tai xanh tại các hộ nuôi, đặc biệt là tại các cơ sở giết mổ tập trung. Đây là thông tin vui cho người chăn nuôi cả nước, trong đó có TPHCM.

Nhưng đó mới chỉ là bề nổi của tình hình dịch bệnh. Mấy năm qua, cả 3 loại dịch bệnh này thường xuyên xảy ra trên cả nước, gây thiệt hại đáng kể cho người chăn nuôi, thậm chí không ít trường hợp bị phá sản. Vì vậy, tuy đang có nhiều tín hiệu vui nhưng người chăn nuôi không thể vì thế mà chủ quan.

Lý do là các dịch bệnh này có thể sẽ xảy ra bất cứ lúc nào trong thời gian tới vì môi trường xung quanh còn đầy các mầm bệnh, trong khi việc tuân thủ các quy định về chăn nuôi an toàn không phải ai cũng tự giác thực hiện. Do vậy, chỉ một chút lơ là là dịch bệnh có thể bùng phát trở lại.

Báo cáo của Chi cục Thú y TPHCM đầu tháng 9 này cho biết, kiểm tra hàm lượng kháng thể sau khi tiêm phòng vaccine vô hoạt trên 15 mẫu máu vịt/đàn (2.850 con) có nguồn gốc từ Long An vận chuyển vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ gia cầm tập trung ở TPHCM, 15/15 mẫu đều không có kháng thể bảo vệ khi có dịch cúm! Tiêm phòng không đạt tỷ lệ quy định, ý thức chưa cao của người chăn nuôi nên dịch bệnh có thể quay trở lại là điều không ngoài dự báo. Vấn đề là “giữ được yên ổn” đến khi nào.

Đăng Lãm

Tin cùng chuyên mục