Do không kiểm soát được dịch hại trong mặt hàng rau quả xuất sang EU, nguy cơ hàng nông sản Việt Nam có thể bị “cấm cửa” tại thị trường này. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã ra lệnh dừng cấp phép xuất khẩu 5 loại mặt hàng rau quả sang EU, từ giữa tháng 5-2012 đến 1-2-2013. Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, sau thời hạn trên vẫn có thể tiếp tục lệnh dừng xuất khẩu nếu các mặt hàng rau quả chưa đảm bảo yêu cầu EU đưa ra.
- PV: Thưa ông, tại sao phải ra lệnh dừng xuất khẩu các mặt hàng này?
Ông NGUYỄN XUÂN HỒNG: Sau khi liên tục phát hiện các lô hàng rau quả Việt Nam có nhiễm dịch hại và không đảm bảo an toàn thực phẩm, EU đã ra cảnh báo sẽ cấm vĩnh viễn nhập khẩu rau quả Việt Nam nếu có thêm 5 lô hàng nữa vi phạm. Tuy nhiên, chỉ trong những tháng đầu năm, đã có tới 3 lô hàng bị “điểm tên” rồi, nên Cục Bảo vệ thực vật có văn bản gửi các chi cục yêu cầu tạm dừng cấp phép xuất khẩu đối với nhóm 5 mặt hàng rau quả có nguy cơ cao gồm: rau húng, cần tây, ớt ngọt, mướp đắng, mùi tàu sang thị trường EU.
Mục đích tạm dừng là để tổ chức lại sản xuất, xem lại chất lượng của các lô hàng cũng như quy trình kiểm dịch, sản xuất, thu mua, bao gói của nông dân và doanh nghiệp. Một mặt, để tránh những sơ sót đáng tiếc có thể xảy ra khi các lô hàng vi phạm vẫn chưa thể kiểm soát được, dẫn tới việc EU có thể đóng cửa toàn bộ thị trường nông sản Việt Nam nếu có thêm 2 lô hàng nữa bị phát hiện có dịch hại. Bởi vì các loại dịch hại EU cảnh báo hiện lại rất phổ biến trong sản xuất rau quả ở Việt Nam. Mặt khác, cũng là thời gian để các doanh nghiệp xem lại, tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu.
Rất may, kể từ tháng 5-2012 đến nay, nhờ chúng ta tăng cường kiểm soát rau quả xuất sang EU nên không có thêm lô hàng nào bị cảnh báo.
- Mặc dù chúng ta có cả hệ thống kiểm dịch, nhưng tại sao hàng sang EU vẫn bị phát hiện có chứa dịch hại?
Thực ra các loại dịch hại EU cảnh báo có trong rau quả Việt Nam không phải khó phát hiện. Từ cuối năm 2011, Cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức họp với hơn 60 doanh nghiệp để nhắc nhở việc kiểm soát dịch hại. Chúng tôi đã đưa ra các hình ảnh, các giai đoạn phát triển khác nhau của các loại dịch hại để hướng dẫn các doanh nghiệp và người sản xuất nhận biết, phòng trừ. Đồng thời cũng thông báo rõ chỉ cần có thêm 5 lô hàng nữa bị cảnh báo thì EU sẽ dừng nhập khẩu rau quả Việt Nam. Thế nhưng vẫn có thêm 3 lô hàng rau thơm xuất sang Anh có chứa dịch hại. Hiện nay, chúng tôi đang thanh tra, kiểm tra làm rõ nguyên nhân do lỗi kỹ thuật, kiểm nghiệm chưa đảm bảo, hoặc do trách nhiệm của cán bộ kiểm dịch còn lơi lỏng, hoặc do vi phạm của doanh nghiệp. Cũng không loại trừ khả năng doanh nghiệp đã trà trộn những hàng hóa khác không được kiểm dịch vào những lô hàng đã được kiểm dịch.
Cũng phải nói rằng do phía EU kiểm tra chất lượng rau quả rất nghiêm ngặt, chỉ cần một con sâu hoặc ấu trùng trong cả lô vài tấn hàng là họ đã trả về. Với sự kiểm soát nghiêm ngặt như thế, xác suất hoặc sơ suất không phát hiện được dịch hại trong quá trình kiểm dịch của chúng ta là khó tránh khỏi.
- Cục Bảo vệ thực vật chỉ thông báo dừng 5 mặt hàng xuất khẩu đến tháng 2-2013, sau đó sẽ lại cho xuất trở lại?
Sau thời hạn trên cũng còn xem xét tình hình. Nếu các doanh nghiệp đã khắc phục được thì chúng tôi cho tiếp tục xuất khẩu. Nhưng nếu thực tế vẫn chưa khắc phục được thì phải tiếp tục gia hạn để xử lý, chứ không phải hết thời hạn trên thì cho xuất khẩu trở lại.
- Những doanh nghiệp đã trót ký hợp đồng với các đối tác nhập khẩu mà bây giờ hàng không đi được thì phải làm sao?
Để gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp có lô hàng đã hợp đồng với đối tác nước nhập khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đưa ra quy định chỉ cho doanh nghiệp được xuất một lô cuối cùng, nhưng phải đảm bảo thời hạn trước ngày 31-5-2012 và đã có thông báo cho doanh nghiệp từ giữa tháng 5. Còn hiện nay thì tất cả các lô hàng thuộc nhóm 5 mặt hàng dừng cấp phép đều phải tạm dừng xuất khẩu vì có nguy cơ nhiễm dịch hại cao.
- Để mở lại thị trường xuất khẩu cho 5 mặt hàng tạm dừng cũng như củng cố chất lượng rau quả Việt Nam xuất khẩu, theo ông chúng ta cần phải làm gì?
Để đảm bảo chất lượng rau quả xuất khẩu, chúng ta phải đảm bảo điều kiện sản xuất nghiêm ngặt, cho ra những sản phẩm nông sản sạch. Song như thế vẫn chưa đủ, còn phải tăng cường kiểm tra kiểm soát trong cả quá trình thu hoạch, sơ chế, bao gói xuất sang EU để không lọt dù là một vài cá thể trong cả lô hàng lớn.
Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật đang tổ chức hướng dẫn các doanh nghiệp học tập kinh nghiệm các nước, ví dụ như Thái Lan cũng có điều kiện tương tự Việt Nam, nhưng hàng của họ vẫn xuất đều đặn sang EU và không bị cảnh báo. Do đó, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm sản xuất cũng như kiểm dịch của họ. Để cho ra sản phẩm sạch đáp ứng đủ yêu cầu của EU, các doanh nghiệp có thể áp dụng các mô hình như sản xuất rau quả trong nhà lưới, nhà kính, kiểm soát ở vùng ít có nguy cơ dịch hại. Hoặc đầu tư xây dựng các mô hình trồng rau quả bằng công nghệ cao như ở các nước đã làm và thời gian qua nhiều mô hình ở nước ta đã thành công. Rau quả phải có xuất xứ rõ ràng, đạt tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, GlobalGAP…
Văn Phúc thực hiện