Yếu liên kết vì thiếu đoàn kết

Nhiều khâu trung gian
Yếu liên kết vì thiếu đoàn kết

Lâu nay, ĐBSCL được mệnh danh là vùng sản xuất nông sản chủ lực của cả nước như lúa gạo, trái cây, tôm cá, mía, rau màu… nhưng đa phần nông dân khi tiêu thụ nông sản phải thông qua thương lái với giá thấp. Chính việc tiêu thụ qua nhiều tầng nấc trung gian, các sản phẩm mới đến được với người tiêu dùng và đẩy giá bán tăng lên gấp nhiều lần, chất lượng lại giảm sút dẫn đến sự cạnh tranh bị yếu thế.

Nghịch lý hiện nay là nông dân bán lúa, nhưng doanh nghiệp phải mua lại gạo từ thương lái.

Nghịch lý hiện nay là nông dân bán lúa, nhưng doanh nghiệp phải mua lại gạo từ thương lái.

Nhiều khâu trung gian

Ở hầu hết các tỉnh có diện tích trồng lúa lớn nhất ở ĐBSCL hiện nay như Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp…, việc tiêu thụ đều thông qua thương lái. Theo khảo sát của chúng tôi, qua ít nhất 5 - 7 tầng nấc trung gian thì gạo mới đến được với các doanh nghiệp xuất khẩu. Thực tế ai cũng biết nông dân bán lúa trong khi doanh nghiệp xuất khẩu chỉ mua gạo. Như vậy, từ lúa trở thành gạo và đưa tới kho doanh nghiệp hoàn toàn do thương lái đảm nhận vai trò trung gian.

Ông Tống Văn Phương, gần 10 năm mua lúa ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung (Đồng Tháp), chia sẻ “vòng đời” của lúa gạo (xuất khẩu hoặc bán ra thị trường nội địa) như sau: “Lúa được mua từ nông dân rồi phải chở đi tìm sân phơi hoặc lò sấy thủ công; đến bán (hoặc gia công) tại nhà máy bóc vỏ thành gạo lức nguyên liệu, sau đó đem đi lau bóng.

Tại đây, khi có hợp đồng xuất khẩu, các doanh nghiệp xuống xem gạo, đặt và chọn hàng. Còn nếu ra thị trường nội địa phải qua đại lý đầu mối cấp 1, cấp 2… Đường đi này được coi ngắn nhất, nhưng đã làm đội giá lúa lên từ 500 - 600 đồng/kg. Do quá nhiều tầng nấc trung gian đang hoạt động vượt khỏi vòng kiểm soát như hiện nay đã “đè” giá lúa xuống thấp và nông dân là người chịu thiệt.

"Liên kết từ việc thống nhất thời vụ sản xuất, chăm sóc theo quy trình, thu hoạch đúng thời điểm… không chỉ nâng cao được năng suất, chất lượng mà còn tránh được tình trạng được mùa - rớt giá hay lúc tăng giá - hết hàng…"

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lương Lê Phương

Mặt khác, chính quy trình thu mua chế biến lúa gạo không chuyên nghiệp như hiện nay góp phần làm giảm chất lượng, giá trị sản phẩm. Đó là việc thương lái phơi sấy lúa không đạt chuẩn, “vô tình hay cố ý” đã trộn lẫn nhiều loại lúa lại với nhau khiến cho tỷ lệ gạo 25% tấm tăng cao… Chính các doanh nghiệp lau bóng, xuất khẩu gạo cũng tham gia trộn lẫn gạo để bán. Điều này từng được các chuyên gia, nhà khoa học và cả những nông dân trồng lúa chất lượng cao phản ứng dữ dội; đồng thời không thể xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam.

Mặt hàng trái cây khi tiêu thụ cũng lắm gian truân. Tại các vùng bưởi Năm Roi như xã Mỹ Hòa (Vĩnh Long), Phú Hữu (Hậu Giang), Xuân Hòa (Sóc Trăng)… giá bán xô tại vườn cho thương lái chỉ có 4.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sau khi đưa ra các chợ, vào các cửa hàng bán trái cây, siêu thị… người tiêu dùng phải trả  8.000 - 12.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính là qua nhiều khâu trung gian”. Nguyễn Văn Minh, một trùm lái bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long, thừa nhận: “Dưới trướng mình luôn có 2 - 3 cấp thương lái nhỏ. Và trên hành trình của trái bưởi ra thị trường tùy theo quy mô, điều kiện xa gần… phải qua 1 - 2 chành vựa lớn hơn. Chính vì thế, giá bán tới tay người tiêu dùng phải cao gấp đôi, gấp ba thậm chí cả chục lần so với giá mua tại vườn của nông dân”.

ĐBSCL có vùng mía nguyên liệu khoảng 50.000ha, cung ứng cho 10 nhà máy đường trong khu vực. Thời gian qua, dù các nhà máy có đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm nhưng vẫn trên diện tích khiêm tốn và còn nặng hình thức, hiệu quả chưa cao, thường xuyên xảy ra tình trạng “bẻ kèo”. Thực tế, việc tiêu thụ mía giữa nông dân với nhà máy vẫn phụ thuộc vào hệ thống thương lái đảm nhiệm, vì thế khó tránh được tình trạng thương lái đầu cơ, ép giá nông dân, nhất là những lúc ế ẩm…

Mô hình khiêm tốn

Gần đây, tại ĐBSCL xuất hiện các mô hình liên kết sản xuất, áp dụng quy trình sản xuất sạch, hiện đại; góp phần giảm các tầng nấc trung gian, tăng lợi nhuận cho nông dân, được nhiều người quan tâm như: cánh đồng mẫu lớn; các Hợp tác xã sản xuất bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc… áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP… Tuy nhiên, quy mô của các mô hình này so với bình diện chung của cả khu vực ĐBSCL còn quá khiêm tốn và đang trong giai đoạn thí điểm nên số nông dân được hưởng lợi chưa nhiều. Nói chung, đây là vấn đề thiếu đoàn kết nên dẫn tới mối liên kết với nhau rất yếu.

Để nâng cao giá trị hàng nông sản và đảm bảo quyền lợi cho nông dân, TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho rằng đã đến lúc không nên chạy theo số lượng mà cần chú trọng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Các tỉnh nên chọn 1 - 3 loại trái cây đặc sản có thế mạnh để quy hoạch thành vùng sản xuất lớn, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Nếu nơi nào đất ít thì liên kết lại thành tổ hợp tác hoặc hợp tác xã cử người đứng ra làm đại diện. Đến khi thu hoạch sản phẩm, người đại diện bán trực tiếp cho doanh nghiệp hoặc siêu thị… Đây là cách làm nhằm giảm bớt những khâu trung gian, đồng thời nâng được giá trái cây lên cao hơn.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lương Lê Phương nhìn nhận: Phải làm sao gắn được mối quan hệ 4 nhà, trong đó nhà nông và doanh nhân cùng đồng thuận thì việc sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông thủy sản sẽ ổn định.

Bình Đại

Tin cùng chuyên mục