Yêu ở phố

Chẳng biết bây giờ ở làng người ta yêu nhau như thế nào? Chuyện trên báo chí thường chỉ cho ta biết những vụ án tình éo le đẫm lệ. Đó là khi tình yêu kết thúc. Cái kết thúc bằng bạo lực và thuốc trừ sâu. Có vài người muốn chết như một con sâu?

Chẳng biết bây giờ ở làng người ta yêu nhau như thế nào? Chuyện trên báo chí thường chỉ cho ta biết những vụ án tình éo le đẫm lệ. Đó là khi tình yêu kết thúc. Cái kết thúc bằng bạo lực và thuốc trừ sâu. Có vài người muốn chết như một con sâu?

Ở thành phố không có nhiều tuyệt vọng như thế. Đơn giản bởi đông người. Có nhiều lựa chọn hơn. Và cũng bởi đông người nên nỗi buồn đủ chỗ để chia sẻ. Hận thù rồi cũng nguôi ngoai nhanh chóng. Tình địch chạm mặt nhau chan chát ngoài đường. Hồ hởi bắt tay trò chuyện như biết ơn nhau lắm lắm. Làm sao không biết ơn được khi cái mà mình chán ngắt lại có kẻ rước đi. Hoặc thứ mà mình mơ ước đột nhiên lại có người mang tặng.

Ngày trước ở Hà Nội người ta hay tìm ý trung nhân của mình loanh quanh gần nhà. Có khi là sát vách. Xe đón dâu đám cưới đi một vòng lên Hồ Tây cho bõ công thuê. Đốt hai bánh pháo cách nhau về mặt thời gian nhưng vẫn ở chỗ ấy. Yêu gần nhà có cái lợi là nắm rất rõ tình hình kinh tế và nề nếp của gia đình nhau. Cũng có mặt trái. Những gia đình bất hảo rất khó có cơ hội được hàng phố thông cảm. Nhưng đó chỉ là những mối tình dẫn đến hôn nhân. Ở thành phố những mối tình dẫn đến hôn nhân có vẻ không nhiều như ở làng. Thực ra yêu và cưới người cùng phố là một nét văn hóa làng còn đọng lại ở phố. Nếu chuyện tình không thành thì chị em chỉ còn cách sang phố khác tìm hiểu. Giống như ở làng vậy. Thế nên trai làng “Đêm ôm vợ thấy lòng giật thót/ Thương con thuyền đầu bãi đứng chơ vơ” (Đọc được ở trên giời hôm Nguyên Tiêu Nhâm Thìn 2013). Các cô gái đã qua một lần yêu người cùng phố cũng gần như khó lòng lọt vào con mắt gia giáo của gia đình những chàng trai khác gần đấy.

Thật ngạc nhiên là luật lệ ở làng luôn khe khắt hơn ở phố. Thành văn và bất thành văn thì cũng vậy thôi. Dư luận ở làng là thứ không dễ kiểm soát như ở phố. Ở làng hiếm khi có thể chuyển cả gia đình tránh xa dư luận. Cũng ngạc nhiên vì ở làng phương tiện thông tin không nhiều như phố. Ở phố chỉ cần chuyển sang quận khác là lập tức dẹp yên được dư luận rồi. Người ta có thể sống hàng chục năm sát vách mà không cần biết tên nhau. Thế nhưng lũ trẻ ở làng lại thường xuyên yêu sớm hơn trẻ ở phố. Có những bé gái 15 tuổi đã làm mẹ. Bạn trai của nó cũng tuổi ấy. Bằng tuổi ấy ở phố cũng có nhiều đứa biết yêu. Nhưng hậu quả thường không khủng khiếp như vậy.

Yêu ở phố dành cho tất cả các lứa tuổi. Trẻ con có tình yêu học trò. Người lớn có tình yêu công sở và người già có những mối tình tổ hưu. Buổi sáng ngồi cà phê thỉnh thoảng thấy những cô cậu mặc nguyên đồng phục trung học phổ thông mùi mẫn khoác tay nhau thả bộ đến trường. Cũng có vài đứa ôm eo nhau thắm thiết trên những chiếc xe máy tay ga đắt tiền. Con giai chải đầu dựng đứng như K-Pop. Con gái đeo túi hàng hiệu LV chẳng biết đựng được bao nhiêu chữ?

Tình công sở phần lớn là những mối tình ngoài luồng. Rất hiếm ai rước bạn tình công sở về cho đứng tên chung vào tấm giấy giá thú. Mỗi ngày tám tiếng nhìn nhau chỉ cần thêm một tiếng nhà nghỉ nữa là hết sức chịu đựng. Nếu như không có những ghen tuông om sòm thì có lẽ tình công sở là thứ tương đối bền chặt. Biết đâu nó lại chẳng là động lực thúc đẩy công việc hữu hiệu?

Tình tổ hưu có lẽ là một trong những tình cảm quan trọng nhất của dân phố. Sau cả một đời làm lụng công sở thì đó là lúc an nhàn thư thái được phép nghĩ đến mình. Các cụ ông không còn bị cụ bà ở nhà kì kèo như ngày còn tại chức. Các cụ bà tổ hưu rất nhiều người đã góa bụa hoặc cũng chẳng còn hứng thú gì sau vài chục năm làm vợ. Giờ là lúc có thể tìm nửa kia hạnh phúc không ràng buộc của mình. Cũng chỉ rủ nhau đi tập dưỡng sinh và khám bệnh. Khoe nhau trồng được hàm răng giả mới. Rỉ tai nhau những thực phẩm chức năng thần diệu và thuốc “An cung ngưu hoàng hoàn”. Nếu không thế, người già ở phố còn biết làm gì?

Làng quê Việt đang trên đường đô thị hóa rất nhanh. Rồi thì sẽ không còn khái niệm yêu ở làng nữa. Yêu ở phố luôn được chia đều cho mọi người.

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục