Yêu quê hương qua mỹ thuật

Yêu quê hương qua mỹ thuật

Vừa cùng nhau trong đoàn văn nghệ sĩ TPHCM đi thực tế sáng tác dọc duyên hải miền Trung trở về, tôi bất ngờ nhận món quà đầy ý nghĩa của Nhà giáo nhân dân - họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM. Đó là cuốn sách bề thế Mỹ thuật TPHCM - Một thoáng hôm nay một chút xưa với những kiến thức cơ bản, phong phú, sâu sắc về hội họa, được trình bày rất đẹp.

“Ông Tây” giỏi tiếng Việt và liên tục ký họa chân dung

Từ thời sinh viên, tôi đã nghe những bạn học trường mỹ thuật nói về họa sĩ Uyên Huy - Huỳnh Văn Mười. Tôi cũng được kiến trúc sư Nguyễn Tài My cho xem những bức tranh do họa sĩ Uyên Huy vẽ tặng và nghe nhiều điều lý thú về ông. Gần đây, tôi may mắn được bên ông trong đoàn văn nghệ sĩ TPHCM trên những hành trình đi thực tế sáng tác dài ngày ở Trường Sơn, Điện Biên Phủ, dọc duyên hải miền Trung. Càng đi với nhau tôi càng phát hiện nhiều điều thú vị ở con người hòa trộn những phẩm chất nghệ sĩ, sư phạm, lý luận và cả khả năng quản lý của ông.

Họa sĩ Uyên Huy

Dáng vóc cao lớn vạm vỡ, diện mạo đẹp như lai Tây, tính tình cởi mở, dễ gần, ứng xử tinh tế, kiến văn sâu rộng, lý luận sắc sảo, quan điểm đôi lúc hơi cực đoan, Uyên Huy là một tính cách tiêu biểu của người Sài Gòn và Nam bộ mà bất cứ ai gặp ông một lần sẽ khó quên. Vào năm 2014, khi cùng đoàn văn nghệ sĩ TPHCM bay lên Điện Biên Phủ, vào thăm buôn làng của người dân tộc thiểu số, nhiều cô gái Tày, Thái xinh đẹp nhìn và nghe họa sĩ Uyên Huy nói mà mắt họ hấp háy, miệng chúm chím cười trầm trồ: Ông Tây này đẹp trai lại nói tiếng Việt giỏi quá! Trong chương trình giao lưu đêm văn nghệ dưới nhà sàn, Uyên Huy cũng uống rượu cần, múa hát nhiệt tình. Các sơn nữ lại cười nói với nhau: Ông Tây uống được rượu mà hát cũng hay!

Đâu chỉ hát, họa sĩ Uyên Huy còn làm thơ đọc ngay trên xe cho cả đoàn nghe. Tất nhiên không thể bằng các nhà thơ chuyên nghiệp, nhưng thơ ông có nét tạo hình riêng của một người làm hội họa. Ông cũng không ngần ngại chia sẻ những quan điểm, tri thức về hội họa khi có những đồng nghiệp các ngành khác hỏi tới. Đặc biệt đi đến đâu ông cũng lấy bút mực ra ký họa. Những lúc xe dừng nghỉ xả hơi sau chặng đường dài, trong khi mọi người tranh thủ đi ngắm cảnh hoặc tìm chỗ ngả lưng, thì họa sĩ Uyên Huy lặng lẽ lấy bút giấy ra vẽ. Không chỉ phong cảnh mà hầu hết mọi thành viên trong đoàn đều được ông ký họa chân dung. Có người được ông cao hứng cùng lúc vẽ tới 2-3 chân dung, trở thành món quà kỷ niệm đặc biệt không thể quên.

Họa sĩ Uyên Huy còn vẽ ký họa những nhân vật hay bạn bè được tiếp xúc trên hành trình. Tôi nhớ một đêm đoàn dừng chân ở Phú Yên được Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phan Đình Phùng cùng một số bạn bè văn nghệ, báo chí tiếp đón nồng hậu. Vị quan chức đầu tỉnh xuất thân nhà khảo cổ học và đầy máu nghệ sĩ họ Phan đang say sưa trò chuyện thì bất ngờ nhận từ họa sĩ Uyên Huy liên tiếp 2 bức chân dung ký họa về mình: “Ồ giống quá! Cảm ơn họa sĩ người Sài Gòn! Anh vẽ lúc nào nhanh vậy?”. Với tay nghề ký hoạ của một bậc thầy như Uyên Huy thì vẽ không giống không nhanh mới là chuyện lạ!

Cống hiến cho mỹ thuật

Mỗi con người yêu quê hương bằng một cách khác nhau. Trong giới mỹ thuật, có lẽ hiếm có ai yêu quê hương mình say đắm đến kỳ lạ như Nhà giáo nhân dân - họa sĩ Uyên Huy. Ông sinh năm 1950 tại tỉnh Gia Định dưới thời thuộc Pháp, lớn lên học mỹ thuật, sáng tác, nghiên cứu, giảng dạy tại Sài Gòn - Gia Định từ năm 1974 đến nay. Tình yêu quê hương của ông không chỉ bằng tính cách, cử chỉ, lời ăn tiếng nói, mà còn thể hiện cụ thể qua những tác phẩm sáng tạo, nghiên cứu của một tài năng cống hiến hết mình cho mỹ thuật.

Ngoài tư cách nhà sư phạm và nghệ sĩ sáng tạo, có công xây dựng bộ môn mỹ thuật ứng dụng và đưa nó lên ngang tầm với các bộ môn mỹ thuật tạo hình hàn lâm cho Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, xây dựng và phát triển Hội Mỹ thuật TPHCM, Nhà giáo nhân dân - họa sĩ Uyên Huy còn là người có khả năng đúc kết thực tiễn thành lý luận và nghiên cứu mỹ thuật có hệ thống. Đặc biệt, công trình Mỹ thuật đô thị Sài Gòn - Gia Định từ 1900-1975 được nhận giải thưởng lý luận của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Rồi mới đây là công trình Mỹ thuật TPHCM - một thoáng hôm nay một chút xưa là những đóng góp quan trọng của ông về nghiên cứu, tổng kết hoạt động mỹ thuật của thành phố trong hơn một thế kỷ qua, mà đến nay ngoài ông thì chưa ai làm được điều này.

Tác phẩm Mỹ thuật TPHCM - một thoáng hôm nay một chút xưa

Là người ngoại đạo, chỉ mê xem tranh, bây giờ được đọc những công trình nghiên cứu mỹ thuật của hoạ sĩ Uyên Huy, tôi thực sự bị cuốn hút từ trang đầu đến trang cuối. Thoạt đầu tôi nghĩ đây là những trang giáo án ông tập hợp lại, nhưng càng đọc tôi càng bị hấp dẫn bởi nguồn tri thức mỹ thuật phong phú, tư duy lý luận khoa học, năng lực khái quát của ông ở từng vấn đề từ cơ bản đến nâng cao, từ cụ thể đến trừu tượng. Tiến sĩ Trương Phi Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, nhận định về tác phẩm Mỹ thuật TPHCM - một thoáng hôm nay một chút xưa: “Đây là tư liệu quý dành cho những ai quan tâm đến mỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ mở cửa, hội nhập”. Còn họa sĩ Nguyễn Háo Thoại, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, nhấn mạnh về giá trị tinh thần của cuốn sách và nhận định: “Uyên Huy không chỉ đặt viên đá mà ông còn dự định xây cả nền móng cho ngôi nhà nghệ thuật tương lai của đất nước và của riêng TPHCM trên nền tảng truyền thống vẻ vang của dân tộc. Và chắc rằng với những gì đã làm trong quá khứ, ông hy vọng sẽ là sự khích lệ để trong thời gian tới sẽ có nhiều người tiếp nối con đường mà ông đã đi qua”.

Chúng ta có nhiều văn nghệ sĩ sáng tác tài năng, nhưng lại hiếm có những người vừa sáng tạo vừa biết cách khái quát thực tiễn thành lý luận. Họa sĩ Uyên Huy là một người hiếm hoi như vậy. Bằng tình yêu và tinh thần trách nhiệm với nền mỹ thuật nước nhà, nhất là đối với thành phố quê hương, ông đã có những đóng góp quan trọng và ước mơ cao đẹp khi “dự định xây cả nền móng cho ngôi nhà nghệ thuật tương lai” như họa sĩ Nguyễn Háo Thoại chia sẻ.

PHAN PHÚ YÊN

Tin cùng chuyên mục