Ám ảnh kẹt xe trên cao tốc

Không thể phủ nhận những hiệu quả đích thực về kinh tế - xã hội do cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây mang lại cho các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ trong 5 năm qua như: rút ngắn thời gian đi lại, luân chuyển hàng hóa, thúc đẩy du lịch, tăng kết nối vùng…
Kẹt xe kéo dài trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Kẹt xe kéo dài trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: HOÀNG HÙNG

 Nhưng ít ai ngờ rằng, sự gia tăng nhanh chóng các loại phương tiện vận tải lưu thông trên đường cao tốc, đã làm tình trạng kẹt xe (đoạn TPHCM - Long Thành, dài khoảng 20km) xảy ra thường xuyên.

Kẹt xe tối ngày

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, trung tá Trần Quốc Trung, Đội trưởng Trạm Cảnh sát giao thông (CSGT) quản lý quốc lộ (QL) 51 (phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai), cho biết: Tình hình kẹt xe tại khu vực nút giao giữa QL51 với đường cao tốc xảy ra ngày càng gia tăng. Nếu trước đây, kẹt xe chỉ diễn ra vào dịp cuối tuần, hay dịp lễ, tết thì nay “kẹt xe tối ngày”. Chỉ cần có vụ va chạm, hư xe trên cầu Long Thành là lập tức xe cộ dồn ứ có khi dài 3 - 5 cây số trên QL51. Đơn vị phải cử cán bộ, chiến sĩ tham gia điều phối khá vất vả. 

Bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó Giám đốc Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E), một đơn vị của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, trực tiếp vận hành đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, thừa nhận: “Kẹt xe chỉ diễn ra trên đoạn cao tốc từ TPHCM đi Long Thành do lưu lượng xe quá đông, còn đoạn Long Thành - Dầu Giây thì khá vắng vẻ, coi như bị ế. Vào những tháng hè vừa qua, kẹt xe diễn ra mỗi ngày, nhất là vào chiều thứ sáu, kẹt nặng hướng di chuyển từ TPHCM đi Long Thành và chiều chủ nhật, hướng ngược lại, khi lượng khách du lịch từ Vũng Tàu trở về TPHCM”. Phía công ty đã chủ động có những biện pháp ứng phó, như từ chối phục vụ (đóng đường) từ trạm thu phí Long Thành, cho xe trên nhánh D (từ cao tốc ra QL51 hướng TPHCM đi Long Thành) đi vòng qua cầu vượt xuống lại QL51; thông báo ngay với chương trình VOV giao thông của Đài Tiếng nói Việt Nam để kịp thời thông tin đến các bác tài chọn hướng di chuyển khác, phát tờ rơi cho tài xế biết hướng di chuyển; công ty cũng đã phối hợp với C67 và CSGT các địa phương để xử lý nhanh các sự cố xảy ra. 

Tuy nhiên, bà Phương cũng thừa nhận, dù có chủ động thông báo cho giới lái xe biết chọn hướng di chuyển khác qua QL1 hay qua phà Cát Lái nhưng phần lớn các bác tài vẫn chọn đi vào cao tốc - sẵn sàng chấp nhận chờ khắc phục sự cố (vì vẫn đỡ hơn so với đi vòng trên QL1) nên tình trạng quá tải không được giảm bớt. Nhất là gần đây, có hiện tượng xe container hay bị chết máy ngay trên cầu Long Thành (chỉ có 2 làn xe lưu thông, không có làn chờ, tốc độ 100km/giờ) nên luôn xảy ra tình trạng xe cộ rồng rắn nối đuôi chờ qua cầu. 

Một người dân ở quận 1, TPHCM, cho biết từ tháng 8 đến nay, ông có 5 chuyến công tác ở Bà Rịa - Vũng Tàu thì có đến 4 lần bị kẹt xe khi đang lưu thông trên cao tốc đoạn từ Long Thành về thành phố (đều không rơi vào ngày chủ nhật), trong đó  ám ảnh nhất là có lần mới qua trạm thu phí một đoạn đã dính kẹt xe dài tới khỏi cầu Long Thành... 

Tìm nguyên nhân…

Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do lượng xe tăng quá nhanh, quá đông, vượt công suất thiết kế, trong đó có một lượng lớn xe container chọn tuyến đường cao tốc làm con đường chính từ các tỉnh lân cận về TPHCM và ngược lại. Số liệu của Công ty VEC E cho thấy, trong tháng 8, lưu lượng xe trên tuyến cao tốc bình quân là 40.000 lượt xe/ngày đêm (chưa quy đổi), tăng khoảng 3.000 lượt so với những tháng đầu năm và so với năm 2017, lưu lượng xe tăng khoảng 10%. Trước đó, trong dịp lễ 30-4, 1-5 cũng đã ghi nhận lượng xe tăng kỷ lục với 52.000 lượt xe/ngày đêm. Cũng vì mật độ lưu thông quá dày mà phía lãnh đạo công ty thừa nhận “hầu như ngày nào cũng xảy ra sự cố” gây kẹt xe.   

Ngoài nguyên nhân khách quan là lượng xe đông, mật độ quá dày, thì còn do vấn đề kỹ thuật là mặt cầu Long Thành hẹp và dốc, chỉ có 2 làn xe nên chỉ cần xảy ra va chạm, hoặc container chết máy trên cầu là lập tức dòng xe bị ùn ứ, thay vì chỉ 15 phút từ nút giao với QL51 về đến nút giao An Phú sẽ trung bình kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ. Một nguyên nhân khác, theo Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, vị trí đặt Trạm thu phí Long Thành quá gần với nút giao với QL51 đã góp phần gây nên tình trạng ùn ứ cho cả 2 nhánh ra vào cao tốc hướng từ TPHCM ra QL51 và ngược lại.

Tình trạng quá tải nhanh chóng của tuyến cao tốc TPHCM đi Dầu Giây (đoạn TPHCM - Long Thành) đang đặt ra bài toán giải pháp trước mắt và lâu dài cho tuyến đường. Cần phải có các biện pháp kỹ thuật như mở rộng mặt cầu, đường, di dời trạm thu phí lùi sâu vào phía trong đường cao tốc và cả việc mở thêm các cabin thu phí, đẩy nhanh việc ứng dụng thu phí tự động. Về lâu dài, cần quy hoạch, xây dựng đường giao thông (kể cả đường sắt, đường thủy) kết nối với dự án sân bay Long Thành, với đoạn cao tốc TPHCM - Long Thành ngay từ bây giờ, để tránh tình trạng tắc đường khi sân bay quốc tế Long Thành chính thức đi vào hoạt động, với dự báo lượng xe cộ sẽ còn tăng khủng khiếp hơn trên toàn tuyến cao tốc.

Tin cùng chuyên mục