Bệnh viện xin đất công bị bỏ hoang

Bệnh viện quận Bình Thạnh mỗi ngày tiếp nhận hàng ngàn lượt người dân tới khám chữa bệnh, nhưng cơ sở vật chất hạn chế, chật hẹp dẫn đến quá tải. Trong khi đó, địa chỉ đất công mà bệnh viện xin làm cơ sở 2 lại trong tình trạng bỏ hoang.

Khó khăn trong khám chữa bệnh

Giữa tháng 4, tại Bệnh viện quận Bình Thạnh, TPHCM, chúng tôi ghi nhận hàng dài người dân đứng chôn chân, chen chúc nhau từ ngoài cổng và khu vực gửi xe vào đến bên trong, đợi tới lượt khám chữa bệnh, ai cũng mệt mỏi vì nắng nóng.

W4b.jpg
Khu nhà, đất công số 129 đường Lê Văn Duyệt, phường 3, quận Bình Thạnh bị bỏ hoang từ 2014 đến nay. Ảnh: QUANG HUY

Ông Nguyễn Hoàng Hải (75 tuổi, ngụ phường 21, quận Bình Thạnh) kể, ông mắc bệnh cao huyết áp và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, mỗi tháng đều phải tới Bệnh viện quận Bình Thạnh (nơi ông đăng ký khám BHYT ban đầu) để thăm khám và lấy thuốc theo toa. “Bệnh viện chật chội, người bệnh ken dày như thế này thì nguy cơ lây nhiễm chéo cho nhau rất dễ xảy ra”, ông Hải lo lắng nói.

Bà Lý Thị Nhung (65 tuổi, ngụ phường 2, quận Bình Thạnh) cho biết, tất cả các khoa, phòng của bệnh viện đều nhỏ hẹp, nhiều khi không có ghế để ngồi chờ, phải đứng rất mệt mỏi. Dù việc khám chữa bệnh vất vả, nhưng bà Nhung không chuyển qua bệnh viện khác do ở đây phục vụ khá tốt.

Theo bà Nhung, trong những lần được mời tham dự các buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND TPHCM, bà và nhiều cử tri khác đã kiến nghị thành phố sớm có chủ trương mở rộng bệnh viện để người dân, nhất là những người cao tuổi, được khám chữa bệnh tốt hơn, nhưng đến giờ vẫn chưa được giải quyết.

Chia sẻ với những khó khăn mà người bệnh đang gặp, BS-CKII Lê Hoàng Quí, Phó Giám đốc Bệnh viện quận Bình Thạnh, cho biết, đội ngũ thầy thuốc của bệnh viện cũng chịu nhiều áp lực không kém. Bệnh viện có diện tích 5.407m2, diện tích xây dựng 2.881m2, quy mô 100 giường nội trú, hàng ngày tiếp nhận trung bình 4.000 lượt người tới khám chữa bệnh/390.000 lượt người đăng ký BHYT ban đầu tại đơn vị. Riêng trong năm 2023 có gần 1,2 triệu lượt người dân tới thăm khám, điều trị…

Mặc dù bệnh viện đã tận dụng hết diện tích để tiến hành sửa chữa phòng ốc, cơi nới xây dựng nhà tạm, phòng dược, khu để xe nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

“Nút thắt” cần được tháo

ThS Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Bệnh viện quận Bình Thạnh (phụ trách cơ sở vật chất), thông tin, để đáp ứng chỉ tiêu 33 giường bệnh/10.000 dân, Bệnh viện quận Bình Thạnh cần phải có 1.447 giường bệnh/477.940 dân số toàn quận; đặc biệt, đơn vị mong mỏi đưa bệnh viện từ hạng II lên hạng I theo định hướng phát triển của thành phố thì mới đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.

Năm 2021, Bệnh viện quận Bình Thạnh đã có văn bản đề xuất với quận, và UBND quận Bình Thạnh có văn bản gửi sở, ban, ngành, kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận cho địa phương được điều chuyển nhà, đất tại số 129 Lê Văn Duyệt làm cơ sở 2 của bệnh viện. Nếu được thành phố chấp thuận, bệnh viện sẽ tiến hành cải tạo, sửa chữa cơ sở này để phát triển khoa Y học cổ truyền - Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng thêm 100 giường; điều chuyển một số khoa, phòng hành chính, tổng hợp và không tổ chức trung chuyển người bệnh giữa 2 cơ sở, gây ảnh hưởng đến giao thông.

Khu nhà, đất công tại địa chỉ 129 Lê Văn Duyệt thuộc phường 3, quận Bình Thạnh, có diện tích trên 7.200m2, là cơ sở cũ của Học viện Cán bộ TPHCM (trước đây là Trường Cán bộ TPHCM), cách Bệnh viện quận Bình Thạnh hiện hữu 300m về phía đối diện.

Năm 2014, sau khi Học viện Cán bộ TPHCM di dời về cơ sở mới tại địa chỉ 324 đường Chu Văn An, phường 12, quận Bình Thạnh, học viện đã hoàn trả khu đất trên cho thành phố quản lý. Đến năm 2016, thành phố giao khu nhà, đất này cho Trung tâm Phát triển quỹ nhà đất (thuộc Sở TN-MT TPHCM) tạm quản lý, đến nay khu đất vẫn chưa được sử dụng hiệu quả.

Trong năm 2021 và 2022, Trung tâm Phát triển quỹ nhà đất đã phát đi 3 công văn đề nghị Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Bác Ái giao trả mặt bằng đang thuê, nhưng đến nay họ không thực hiện theo yêu cầu. “Nút thắt” này không tháo được, khu nhà, đất 129 đường Lê Văn Duyệt tiếp tục bị bỏ hoang sẽ càng làm cho dư luận bức xúc

- một đại diện UBND quận Bình Thạnh cho biết.

Tổ chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo 167 thành phố đã phối hợp Trung tâm Phát triển quỹ nhà đất, UBND quận Bình Thạnh tiến hành kiểm tra hiện trạng khu nhà, đất 129 đường Lê Văn Duyệt, ghi nhận hiện trạng trên khu đất có 15 ngôi nhà, trong đó ngôi nhà số 10 và 11 do Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Bác Ái thuê sử dụng, số còn lại bỏ hoang từ năm 2016 đến nay.

Được sự đồng thuận của sở, ban, ngành và các cơ quan chức năng, tổ rà soát đã báo cáo Ban chỉ đạo 167 thành phố. Thường trực Ban chỉ đạo 167 đã có văn bản 6570/STC-TTBCĐ 167-CS ngày 25-9-2023, gửi Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Ban chỉ đạo 167, đề xuất chuyển khu nhà, đất 129 đường Lê Văn Duyệt cho Sở Y tế TPHCM quản lý, sử dụng làm cơ sở 2 Bệnh viện quận Bình Thạnh.

Đến ngày 29-12-2023, Văn phòng UBND TPHCM có văn bản khẩn số 1063/TB-VP thông báo kết luận của đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Ban chỉ đạo 167, với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến các khu đất công.

Trong thông báo có nêu: Trên cơ sở báo cáo đề xuất của Sở Y tế TPHCM, Thường trực Ban chỉ đạo 167 chủ trì, phối hợp các sở ngành thành viên và các đơn vị chức năng tiếp tục rà soát, đề xuất trình UBND TPHCM phương án xử lý trong tháng 2-2024. “Đến nay đã quá hạn của Thông báo 1063, việc rà soát, đề xuất trình UBND TPHCM phương án xử lý khu nhà, đất 129 đường Lê Văn Duyệt vẫn giậm chân tại chỗ”, ThS Nguyễn Trung Kiên cho hay.

Tin cùng chuyên mục