Đờn ca tài tử Nam bộ - Đặc sắc đất phương Nam

Những ngày này, Bộ VH-TT-DL, Viện Âm nhạc, ngành VH-TT-DL các tỉnh thành phía Nam đã từng bước hoàn tất hồ sơ quốc gia về nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ trình tổ chức UNESCO để ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nằm trong chương trình tập hợp hồ sơ quốc gia nghệ thuật ĐCTT, trong 3 ngày từ ngày 9 đến 11-1, tại TPHCM sẽ diễn hội thảo quốc tế về nghệ thuật ĐCTT.
Đờn ca tài tử Nam bộ - Đặc sắc đất phương Nam

Những ngày này, Bộ VH-TT-DL, Viện Âm nhạc, ngành VH-TT-DL các tỉnh thành phía Nam đã từng bước hoàn tất hồ sơ quốc gia về nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ trình tổ chức UNESCO để ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nằm trong chương trình tập hợp hồ sơ quốc gia nghệ thuật ĐCTT, trong 3 ngày từ ngày 9 đến 11-1, tại TPHCM sẽ diễn hội thảo quốc tế về nghệ thuật ĐCTT.

  • Tinh hoa nghệ thuật của nhân dân
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo - cây đại thụ trong làng cổ nhạc miền Nam. Với ông, tiếng đàn nói thay những suy nghĩ, trăn trở, những buồn vui của người nghệ sĩ. Ảnh: An Dung

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo - cây đại thụ trong làng cổ nhạc miền Nam. Với ông, tiếng đàn nói thay những suy nghĩ, trăn trở, những buồn vui của người nghệ sĩ. Ảnh: An Dung

Theo những bước chân khẩn hoang lập nghiệp từ cuối thế kỷ 19 vào vùng đất Nam bộ, ĐCTT đã thành hình và không ngừng phát triển. Khi có phong trào Cần Vương, một số nghệ nhân, nghệ sĩ vào Nam lập nghiệp đã mang theo truyền thống đờn ca Huế vào nơi vùng đất màu mỡ này, những tinh hoa nghệ thuật của ĐCTT đã ươm mầm, bén rễ.

Những tiếng đờn kìm, đờn tranh của cụ Nguyễn Tòng Bá, ngón đờn bầu của cụ Nguyễn Liêng Phong và tiếng đờn tỳ bà của cụ Trần Quang Thọ đã mê hoặc nhiều người ở vùng đất mới. Rất nhiều người đã xin theo học. Tất cả họ học đờn ca không phải để mưu sinh mà là để thỏa thích nhu cầu của tâm hồn, đờn cho mình nghe, cho người thân thuộc bạn bè nghe, họ không lấy tiếng đờn làm kế sinh nhai, nên cách đờn này được mang danh là “đờn ca tài tử”.

Một buổi chơi ĐCTT thường là do một nhóm nhỏ nghệ sĩ biểu diễn cho một nhóm nhỏ khán giả trong một không gian ấm cúng, gần gũi (có thể là ở bến sông, tại nhà riêng, ngoài vườn cây, trên thuyền...), chứ không phải trong hội trường trang trọng, hay trên một sân khấu hoành tráng. Mà đã là chơi ĐCTT thì trên tất cả là sự ngẫu hứng, ngẫu hứng mà cùng hòa đàn, cùng ca cho nhau nghe. Chương trình biểu diễn ĐCTT cũng vì thế mà không ấn định thời gian, có lúc năm ba tiếng, cũng có khi đờn ca suốt đêm, khi nào thỏa thích thì thôi. ĐCTT không ngừng phát triển sáng tạo nên một kho tàng đồ sộ, hình thành một loại hình nghệ thuật mới là cải lương. ĐCTT và cải lương từ đó cắm rễ vào lòng nhiều thế hệ người dân Nam bộ.

Đờn ca tài tử biểu diễn trên hồ nước tại Công viên 23-9 TPHCM, một chương trình đậm chất văn hóa phương Nam. Ảnh: An Dung

Đờn ca tài tử biểu diễn trên hồ nước tại Công viên 23-9 TPHCM, một chương trình đậm chất văn hóa phương Nam. Ảnh: An Dung

  • Từ đồng ruộng ra thế giới

Không chỉ phát triển rộng khắp cả nước mà lâu nay, nghệ thuật ĐCTT của dân tộc đã khiến không ít người nước ngoài và quốc tế quan tâm tìm hiểu. Và giờ đây, rất đỗi tự hào cho người dân Nam bộ, cho nền văn hóa nghệ thuật nước nhà khi nghệ thuật truyền thống trên trăm năm của dân tộc hứa hẹn sẽ được vinh danh, được đưa vào Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo GS-TS Trần Văn Khê, hồ sơ quốc gia về nghệ thuật ĐCTT Nam bộ để trình tổ chức UNESCO hứa hẹn những tín hiệu lạc quan và nhiều khả năng thành công. Bởi thực ra từ những năm 1960, nghệ thuật ĐCTT của VN đã được giới thiệu với UNESCO. GS-TS Trần Văn Khê cho hay, khoảng năm 1962 ông đã nhờ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba thu âm một đĩa ĐCTT để giới thiệu với UNESCO.

Năm 1963, UNESCO đã mời ông và nghệ nhân dân gian Bạch Huệ thu âm một đĩa nhạc gồm 11 bài theo thể loại ĐCTT có nhan đề Viet Nam traditions of the South, được phát hành dưới thương hiệu Tuyển tập UNESCO (UNESCO Collection). Năm 1972, một đĩa tương tự đã được thực hiện với phần trình tấu của GS-TS Trần Văn Khê và nhạc sư Vĩnh Bảo. Ngoài ra, Cocora Radio France - một cơ quan truyền thông của Pháp - đã mời ông cùng ông Vĩnh Bảo (năm 1972) và nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng (năm 1994) thu âm hai đĩa ĐCTT khác và cả hai đĩa này đều nằm trong danh sách đĩa nhạc bán chạy nhất và được nhận giải Phê bình âm nhạc của Pháp ngay trong năm phát hành.

Năm 1970, thêm một “dấu ấn mới” được ghi dấu khi nhạc sư Vĩnh Bảo được Trường Đại học Illinois mời sang Mỹ tham gia giảng dạy bộ môn âm nhạc dân tộc Việt Nam, cùng với GS-TS Trần Văn Khê. Đó là chưa kể đến hàng chục chương trình giao lưu văn hóa của các nghệ nhân, CLB ĐCTT trong nước với bạn bè quốc tế, hàng ngàn buổi giảng dạy, giới thiệu và biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam và nghệ thuật ĐCTT của GS-TS Khê tại hàng chục quốc gia trên thế giới.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục