Hát xoan trên đất Tổ

Hát xoan trên đất Tổ

Cùng với nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù, quan họ… thêm một di sản nữa của Việt Nam là hát xoan đã được ghi tên vào danh sách Di sản phi vật thể của nhân loại.

Hát xuân là tục hát vào mùa xuân ở các cửa đình có hội đám, tế thần nên được gọi là “Khúc đình môn”, được đọc chệch là xoan. Thoạt đầu, hát xoan là điệu hát thờ trong cửa đình để dâng lên vua Hùng trong những dịp tế lễ. Dần dà, để đáp ứng yêu cầu vui chơi, giải trí, đình đám, hội hè của người dân, xoan bắt đầu có điệu hát về chuyện thế tục: Tả về ngư, tiều, canh, mục; về bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.

Đặc biệt là những đoạn thơ tả tình cảm yêu đương trai gái rất thiết tha và đằm thắm ở các phần hát: “Bợm gái”, “Đúm”, “Bỏ bộ”, “Xin huê - Đố chữ”, “Cài huê - Mó cá”... Ngoài những bài bản chính thức của cuộc hát gọi là hát nghi lễ thì hát xoan còn có những bài gọi là giọng ngoại như hát ru, hát phú lý. Đây là những bài hát giao duyên của các đào, kép trong giờ nghỉ giải lao ngoài cuộc hát chính.

Một tiết mục hát xoan tại Phú Thọ.

Một tiết mục hát xoan tại Phú Thọ.

Theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, hát xoan xuất xứ ở 4 thôn Phù Đức, Kim Đái, làng Thét (xã Kim Đức), An Thái (xã Phượng Lâu) tỉnh Phú Thọ. Ngoài các làng xoan gốc hát xoan còn được hát ở 18 địa điểm khác nhau thuộc khu vực phụ cận đền Hùng. Trừ xã Tây Cốc lùi về Tây Bắc và Tử Du, Hoàng Thượng, Hạ Chuế (nay thuộc Vĩnh Phúc) xa về phía Đông Nam, còn lại tất cả các làng xoan nối thành một dải, vắt từ sông Lô sang sông Thao.

Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch (bà trùm phường xoan An Thái, Phú Thọ), phường xoan là một tổ chức văn nghệ nghiệp dư của những người cùng làng, phần lớn là có quan hệ họ hàng, bà con với nhau. Phường xoan chỉ nhận người làng mà không bao giờ nạp người nơi khác.

Hát xoan có đủ dạng thức nhạc hát, với hát nói, hát ngâm, ngâm thơ và ca khúc; có đồng ca nữ đồng ca nam; tốp ca, đối ca, hát đa thanh, hát đuổi, hát đan xen, hát có lĩnh xướng và hát đối đáp. Về sắc thái âm nhạc, nhạc xoan vừa có những giọng nghiêm trang, thong thả vừa có những điệu dồn đuổi khỏe mạnh, lại có những giọng duyên dáng trữ tình. Trong hát xoan cổ, nét đặc biệt là nam hát chính, nữ phần nhiều chỉ hát họa theo, hát đệm và hát những khúc ngắn.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh, người đã dày công nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật hát xoan cho rằng, khi hát có lúc người ta đứng im nhưng bàn tay cuộn ngón như bông hoa nở 5 cánh. Người đàn ông di chuyển những bước chân đi chéo, bước đi như lên ruộng, xuống đồng - biểu hiện của cuộc sống khó khăn, khúc khuỷu. Nguyên tắc cơ bản của múa xoan là người múa phải hướng vào bàn thờ, không được quay lưng lại. Ở xoan là cả một quá trình với đủ những yếu tố hỗn hợp: vũ nhạc, ca hát và ngôn từ.

Giờ đây, nghệ thuật hát xoan đang đối mặt với nguy cơ thất truyền ngay trên chính mảnh đất Tổ của người Việt. Theo thống kê của Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ, trên toàn tỉnh hiện chỉ còn 68 nghệ nhân hát xoan, trong đó chỉ có 8 nghệ nhân còn khả năng truyền dạy mà người trẻ tuổi say mê theo học cũng không có nhiều. Thầy ít - trò thưa, không gian trình diễn nguyên gốc đang bị bụi thời gian mờ phủ, khúc xuân ca dâng vua Hùng có hơn 2.000 năm tuổi đang ngấp nghé bên cánh cửa dẫn vào quên lãng.

Tiến sĩ Lê Văn Toàn, Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, cho biết điều quan trọng nhất khi nghiên cứu, xây dựng hồ sơ về một di sản không phải là được thế giới tôn vinh mà là để cộng đồng chúng ta nhận thức được giá trị của di sản để cùng nhau gìn giữ vốn quý cha ông để lại. Mong muốn là vậy, song ai cũng hiểu rằng được công nhận và tôn vinh, đó là niềm vui, sự tự hào nhưng hát xoan đồng thời phải đối mặt với những thách thức trong việc bảo tồn. Một công việc cho đến nay vẫn còn quá gian nan.

Thu Hà

Tin cùng chuyên mục