Giải thưởng Nhà nước về âm nhạc - Phải công tâm, xứng tầm

Việc đề cử xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật lĩnh vực âm nhạc vừa qua còn có những ý kiến khác nhau. 5 nhạc sĩ: Trương Tuyết Mai, Trần Viết Bính, Triều Dâng, Phan Long, Văn Thành Nho đã trực tiếp đến Báo Sài Gòn Giải Phóng bày tỏ những băn khoăn, bức xúc. Để rộng đường dư luận về vấn đề này, chúng tôi lược ghi ý kiến của các nhạc sĩ.
Giải thưởng Nhà nước về âm nhạc - Phải công tâm, xứng tầm

Việc đề cử xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật lĩnh vực âm nhạc vừa qua còn có những ý kiến khác nhau. 5 nhạc sĩ: Trương Tuyết Mai, Trần Viết Bính, Triều Dâng, Phan Long, Văn Thành Nho đã trực tiếp đến Báo Sài Gòn Giải Phóng bày tỏ những băn khoăn, bức xúc. Để rộng đường dư luận về vấn đề này, chúng tôi lược ghi ý kiến của các nhạc sĩ.

  • Nhạc sĩ Phan Long: Có không dấu hiệu “ăn chia”, “quen biết”?
Giải thưởng Nhà nước về âm nhạc - Phải công tâm, xứng tầm ảnh 1

Đối chiếu với hơn 10 nhạc sĩ trong danh sách 28 người được đề cử, chúng tôi cho rằng một số tên tuổi nhạc sĩ chưa được thuyết phục.

Trong khi đó, hồ sơ của một nhạc sĩ 83 tuổi, như Hoàng Hà (hiện ở Vũng Tàu) đã bị loại. Hoàng Hà là người từng dày công đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc trong Hội đồng duyệt nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam những năm tháng chiến tranh; ông từng có ca khúc được nhiều thế hệ yêu mến: Đất nước trọn niềm vui bên cạnh ca khúc Trên đỉnh Trường Sơn ta hát (Huy Du), Cùng hành quân  giữa mùa xuân (Cẩm La)...

PGS - nhạc sĩ Thế Bảo là người thầy có nhiều đóng góp trong sự nghiệp sáng tác, đào tạo ở Nhạc viện, thế nhưng số phận các tác phẩm lý luận và tác phẩm âm nhạc của ông qua hồ sơ gởi đến hội đồng xét duyệt đã bị loại…

Qua nhiều ý kiến của dư luận khiến chúng tôi đặt nghi vấn: Thật khó nghe khi nghĩ phải chăng có dấu hiệu “ăn chia”, hay mối quan hệ “quen biết” của Hội đồng xét duyệt cơ sở.

  • Nhạc sĩ Trần Viết Bính: Tác giả đoạt giải có bao nhiêu ca khúc hay?
Giải thưởng Nhà nước về âm nhạc - Phải công tâm, xứng tầm ảnh 2

Khi Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Đồng Nai thúc giục, động viên tôi làm hồ sơ từ những đóng góp và các giải thưởng nhiều năm qua của tôi, nghiền ngẫm lại, tôi nghĩ mình cũng có ca khúc hay trong hàng trăm sáng tác.

Tiêu biểu, bài Hạt gạo làng ta, phổ thơ Trần Đăng Khoa đã đi vào lòng nhiều thế hệ thiếu nhi; bài hát từng được đánh giá là viết về nông thôn, nông nghiệp hay nhất. Ngoài ra, tôi còn gửi ba công trình dân ca in sách.

Tuy hồ sơ không được chọn, tôi không buồn. Chỉ tiếc khi đọc kỹ danh sách 28 người được đề cử đã làm chúng tôi bất bình. Đất nước mình là đất nước có nhiều ca khúc hay, thử hỏi một nửa số các vị trong danh sách được xét duyệt ấy, có ca khúc nào đã đi cùng thời gian và năm tháng như một số ca khúc như Đất nước lời ru, Huế - tình yêu của tôi, Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ, Mẹ…

  • Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai: Còn nhiều điều bất cập
Giải thưởng Nhà nước về âm nhạc - Phải công tâm, xứng tầm ảnh 3

Tôi từng gửi hồ sơ tham dự ba lần. Khi hồ sơ bị loại, tôi nghĩ Hội đồng đã chọn những người xứng đáng hơn mình. Thế nhưng từ dư luận báo chí đưa ra bản danh sách 28 người được đề cử đã làm tôi và nhiều đồng nghiệp thất vọng, bức xúc!

Tôi nghĩ rõ ràng có bất cập lớn trong việc xét giải thưởng. Phải chăng vì quá tắc trách, nên mới chỉ nhìn thấy tên của nhạc sĩ đề bên ngoài bì, người ta đã không bóc niêm phong hồ sơ và coi như là không đạt! Điều ấy quả thật là “tiếng dội” quá sức tưởng tượng đối với mọi người.

Vì danh dự thật trong sáng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, chúng tôi đề nghị những việc làm không đúng này phải kịp thời sửa chữa; phải công tâm chọn nhạc sĩ xứng đáng, những người thực sự được nhân dân yêu mến.

  • Nhạc sĩ Triều Dâng: Giải thưởng phải có ý nghĩa thực sự
Giải thưởng Nhà nước về âm nhạc - Phải công tâm, xứng tầm ảnh 4

Từ lúc còn trẻ cho đến lúc tuổi già, đối với tôi công việc sáng tác vẫn không ngừng nghỉ. Tôi đã từng sáng tác về anh chiến sĩ giải phóng quân, rồi sáng tác về tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ. Hôm nghe bài Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ trỗi lên trong cuộc diễu binh Lễ hội 1.000 năm Thăng Long, ở Hà Nội, làm tôi hết sức xúc động.

Chính thời gian và công chúng là sự thẩm định đúng nhất tác phẩm âm nhạc của nghệ sĩ. Ý nghĩa đúng đắn của giải thưởng là sự khích lệ lớn đối với người sáng tác.

Tôi đồng tình với ý kiến của các nhạc sĩ Trương Tuyết Mai, Phan Long, Trần Viết Bính: Đừng làm giải thưởng bị mất ý nghĩa vì thiếu minh bạch, thiếu công khai.

  • Nhạc sĩ Văn Thành Nho: Mong đừng làm mất sự tin cậy của giới nhạc sĩ
Giải thưởng Nhà nước về âm nhạc - Phải công tâm, xứng tầm ảnh 5

Những điều bức xúc trong giới nhạc sĩ vừa qua đã được nêu rõ qua ý kiến của các đồng nghiệp của tôi. Tôi cũng đã đề đạt một số ý kiến qua bản đề nghị khẩn cấp gởi về Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch. Nếu điều này xảy ra không trong sáng, chắc chắn sẽ làm mất sự tin cậy của anh chị em trong giới nhạc sĩ…

Câu chuyện xét duyệt giải thưởng Nhà nước, việc phong tặng danh hiệu nghệ sĩ hàng năm luôn là vấn đề “nóng”, dễ tạo những băn khoăn, bức xúc, khiếu nại trong giới văn nghệ sĩ. Nhưng suy cho cùng, tiếng nói chung của nhiều hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam chính là chỉ mong muốn công việc xét duyệt nhất thiết phải khoa học, công khai, minh bạch, công tâm, xứng tầm.

* Từ những ý kiến bức xúc của 5 nhạc sĩ: Trương Tuyết Mai, Trần Viết Bính, Triều Dâng, Phan Long, Văn Thành Nho, phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng có đề nghị được nghe ý kiến phản hồi của Hội đồng xét duyệt cơ sở, nhưng gần như các thành viên đều quá bận rộn, chưa hẹn được lúc trả lời! Vừa qua, Bộ Văn hóa - Du lịch - Thể thao công bố ngoài danh sách 28 người trước đây đã có thêm 6 nhạc sĩ được đề cử: Đoàn Bổng, Lê Việt Hòa, Đinh Quang Hợp, Việt Khuê, Đoàn Phi Liệt, Thế Song. Nhạc sĩ Văn Chung được đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh.

Yên Ngọc (lược ghi)

Tin cùng chuyên mục