Thu tiền nhạc số - Quảng cáo một đằng, chất lượng một nẻo

Đánh lừa người mua?
Thu tiền nhạc số - Quảng cáo một đằng, chất lượng một nẻo

Trong những ngày qua, việc kinh doanh nhạc số trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn trực tuyến. Vấn đề nổi cộm nhất là nhạc đã bán nhưng chất lượng lại chưa tương xứng với quảng cáo.

Nhạc số đã trở thành một thói quen thưởng thức âm nhạc nhưng để khai thác hiệu quả còn là một chặng đường dài.

Nhạc số đã trở thành một thói quen thưởng thức âm nhạc nhưng để khai thác hiệu quả còn là một chặng đường dài.

Đánh lừa người mua?

Ngay sau khi nhạc số được bán trực tiếp trên các trang kinh doanh, nhiều người mê nhạc đã thử mua và tải các bản nhạc về thưởng thức. Theo quảng cáo, các bản nhạc được bán đều thuộc dạng có chất lượng cao với tiêu chuẩn âm thanh là 320Kbps (con số này càng cao, chất lượng âm thanh càng tốt).

Thế nhưng ngay lập tức, những người mê nhạc đã mau chóng phát hiện ra một sự thật là nhiều file nhạc 320Kbps thực tế chỉ có 128Kbps, tức là chỉ bằng 1/3 chất lượng quảng cáo.

Để minh chứng cho việc này, một bạn trẻ đã dùng phần mềm xử lý âm thanh để phân tích một file nhạc được tải về từ một số trang web bán nhạc phổ biến như Zing, Nhaccuatui, Nhac.vui… Kết quả cho thấy, file nhạc có dải tần bị cắt ở mức 16Khz, ngang với tiêu chuẩn 128Kbps, trong khi đó, nếu là nhạc 320Kbps, mức dải tần phải đạt đến 20Khz.

Điều đáng nói là các trang này đã xử lý file nhạc để hiển thị thành 320Kbps. Nhạc số hiện nay trên thực tế là sử dụng công nghệ nén mất dữ liệu. Nghĩa là chỉ giữ lại những dữ liệu cần thiết nhất, phần còn lại bị xóa bỏ nhằm giảm dung lượng và không có cách nào lấy lại phần bị mất. Chính vì thế, việc đẩy lên mức 320Kbps chỉ là giả tạo nhằm đánh lừa người mua, các thiết bị nghe nhạc điện tử cũng sẽ hiểu lầm mà hiển thị thành 320Kbps trong khi thực tế chất lượng chỉ là 128Kbps. Nếu là người không rành về âm thanh hoàn toàn không biết mình đã bị lừa mua phải sản phẩm kém chất lượng.

Mặc kệ quyền lợi người tiêu dùng

Một khách hàng mua nhạc số viết trên diễn đàn hdvietnam: “Ngày trước, tải miễn phí thì anh cho sao chúng tôi dùng vậy và chấp nhận vì là của cho. Còn bây giờ là quan hệ mua bán phải sòng phẳng, kêu gọi chúng tôi có ý thức trả tiền mua hàng thì người bán cũng phải có ý thức bán hàng đúng chất lượng như đã quảng cáo chứ”.

Tại diễn đàn vozforum, các bạn trẻ cũng đã bày tỏ sự nghi ngờ về chất lượng nhạc thu phí. Một bạn cho biết, con số 320Kbps chỉ mới là một tính chất của file nhạc số, còn rất nhiều thứ khác ảnh hưởng đến chất lượng như dữ liệu gốc, định dạng file nhạc, phần mềm nén… Lẽ ra, ngay từ trước khi thu tiền cần có quy định cụ thể về chất lượng, định dạng của file nhạc số hay nói cách khác là quy chuẩn, chuẩn mực về chất lượng sản phẩm. Thế nhưng, các đơn vị chỉ chăm chăm tập trung vào việc thu phí hơn là kiểm soát chất lượng thực tế của sản phẩm bán ra.

Biết rằng việc gì bắt đầu triển khai cũng gặp khó khăn, nhưng không thể vì thế mà đổ phần thiệt thòi lên vai khách hàng, đặc biệt là không thể làm mất uy tín đối với khách hàng, bởi lẽ “thượng đế” thời kỹ thuật số rất tinh tường và có nhiều sự lựa chọn. Thật sai lầm nếu nghĩ họ kém hiểu biết về âm nhạc và công nghệ thông tin… Tất cả điều đó dẫn đến thực trạng là không những không giải quyết được vấn đề mà còn gây cản trở đến việc thực thi bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc.

Trên thực tế, trước sự nghi ngờ với chất lượng nhạc số bán ra, rất nhiều người yêu nhạc đã chọn giải pháp là tìm các địa chỉ cho tải nhạc miễn phí để vừa có nhạc nghe vừa tránh mang “cục tức” khi mua sản phẩm kém chất lượng, không đúng như quảng cáo. Điều này đã gây cản trở không nhỏ đến việc hướng tới sự phát triển chung của thị trường kinh doanh số hóa mà âm nhạc là một trong những lĩnh vực tiên phong.

Trước và khi bắt đầu áp dụng việc thu phí tải nhạc số, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) và Công ty cổ phần Tập đoàn MV (MVCorp) cùng một số trang web lớn như Nhac.vui.vn, Zing, Nhaccuatui, Socbay.com, Nghenhac.info, Go.vn... đã gửi lời kêu gọi đến người nghe nhạc câu khẩu hiệu: “Nghe nhạc có ý thức”. Một lời nhắn nhủ có văn hóa. Sau ngày 1-11-2012, nhiều khách hàng mua nhạc số đã gửi lại một câu khẩu hiệu khác: “Kinh doanh có đạo đức”. Một câu phản hồi cũng có văn hóa không kém.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục