Ấn tượng về một cuộc thi sáng tác

Ấn tượng về một cuộc thi sáng tác

Cuộc thi sáng tác ca khúc và ca cổ với chủ đề “Bình Dương – Miền đất yêu thương” không phải chỉ đóng khung trong một địa phương mà dường như còn phục vụ phong trào sáng tác chung của cả nước. Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức cuộc thi này, kéo dài từ 1-4-2011 đến 21-6-2012. Vừa qua, tại thành phố mới Bình Dương đã tiến hành lễ tổng kết phát giải và công diễn tác phẩm xuất sắc đoạt giải.

Ấn tượng tốt đẹp đầu tiên và đáng ngạc nhiên là sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo giới sáng tác chuyên và không chuyên cả nước đối với cuộc thi. Đã có 425 tác giả từ các tỉnh thành ở phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Lai Châu, Điện Biên…, ở miền Trung, miền Đông Nam bộ và đến tận cực Nam của đất nước như Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… gửi về 1.868 tác phẩm với 1.428 ca khúc và 440 bài ca cổ.

Ca khúc Ơi Bình Dương, đi nhớ về thương do ca sĩ Anh Bằng cùng tốp nữ Nhạc viện TPHCM và nhóm múa ABC thể hiện.

Ca khúc Ơi Bình Dương, đi nhớ về thương do ca sĩ Anh Bằng cùng tốp nữ Nhạc viện TPHCM và nhóm múa ABC thể hiện.

Các thành viên Hội đồng giám khảo gần như phải “đánh vật” với số lượng bài dự thi quá lớn này để sàng lọc tìm ra những bài hay nhất. Điều này chứng tỏ cuộc thi đã có sức cuốn hút mạnh mẽ không chỉ trong giới âm nhạc mà có nhiều tác giả đang công tác, lao động, học tập ở những ngành nghề không liên quan gì tới âm nhạc cũng tham gia. Đáng khích lệ, có những tác giả ngoài tỉnh đã tổ chức thành đoàn hoặc bằng phương tiện cá nhân đến tận Bình Dương thâm nhập thực tế để từ đó viết nên những tác phẩm mang hơi thở của cuộc sống địa phương.

Cuộc thi có sức hút đáng nể như vậy, trước hết có lẽ do Bình Dương là một vùng đất khá nổi tiếng trong nước. Đây là nơi ra đời hai câu thơ từng lưu truyền rộng rãi: “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long…” và còn là vùng đất “oai hùng” trong bài hát Mỗi bước ta đi thời kháng chiến ác liệt với câu hát: “Anh đi về đâu… Vượt qua sông Bé oai hùng…”. Thật ra đây không chỉ là nơi “đánh giặc và làm thơ” mà tinh thần xây dựng cuộc sống mới sau chiến tranh cũng thật đáng nể. Không chỉ có những thắng cảnh đẹp do thiên nhiên ban tặng như Dầu Tiếng, Lái Thiêu, Thuận An… mà còn có những công trình, đô thị do bàn tay con người đất Thủ dựng lên, nổi tiếng với các tên gọi thành phố mới Bình Dương, Khu công nghiệp Mỹ Phước, thủy điện Thác Mơ…

Tất cả những gì Bình Dương hấp dẫn các tác giả đã được thể hiện khá thành công trong các tác phẩm dự thi, nhất là các bài đoạt giải. Trong đó cuộc sống chiến đấu, lao động, sinh hoạt của con người Bình Dương và vùng đất của “miền Đông gian lao mà anh dũng” được nhiều tác giả phản ánh trong tác phẩm với nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau, nhiều cách biểu hiện sáng tạo phong phú. Đó là các tác phẩm Tình quê (Lại Hồng Xứng), Ngày nắng Bình Dương (Nguyễn Khánh Hòa), Rừng khuya (Ngô Tố Quyên), Bình Dương, thành phố trong mơ (Phạm Văn Phúc)…

Cuộc thi tạm khép lại, nhưng những tác phẩm hay được tuyển chọn sẽ tiếp tục vang lên, đến với quần chúng yêu nhạc trên đất Bình Dương và cả nước qua làn sóng phát thanh, màn ảnh truyền hình và trong các tuyển tập, CD… để đến với những con người và cuộc sống hôm nay trên đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là những bông hoa nghệ thuật thắm sắc đậm hương, tô đẹp đời sống tinh thần của nhân dân, gây ấn tượng tốt trong giới âm nhạc của Bình Dương và các tỉnh thành bạn. 

Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC

Tin cùng chuyên mục