Chương trình Giọng hát Việt 2012 - Khuynh đảo mọi giá trị

Ứng xử thiếu văn hóa
Chương trình Giọng hát Việt 2012 - Khuynh đảo mọi giá trị

Giọng hát Việt hẳn nhiên sẽ là một hiện tượng của năm 2012 nhưng đến thời điểm này - khi chương trình mới đi được gần nửa chặng đường - Giọng hát Việt xứng đáng nhận danh hiệu “Hiện tượng tệ hại” của truyền hình thực tế.

Những cuộc chia tay đẫm nước mắt trong vòng Đối đầu - Giọng hát Việt như thế này liệu còn đáng tin?

Những cuộc chia tay đẫm nước mắt trong vòng Đối đầu - Giọng hát Việt như thế này liệu còn đáng tin?

Ứng xử thiếu văn hóa

Bao nhiêu tình cảm, sự yêu mến có đôi chút thiên vị của khán giả lẫn giới truyền thông dành cho Giọng hát Việt, bỗng chốc sụp đổ khi đoạn clip cùng những đối thoại của giám đốc âm nhạc - nhạc sĩ Phương Uyên - nhấn mạnh việc bắt thí sinh hát tiếng Anh; giúp thí sinh cách loại bỏ nhau và đưa thí sinh mình thích vào vòng trong; lộ thí sinh vào chung kết và cả những email “đong đưa, tán tỉnh” giữa thí sinh và giám đốc âm nhạc xuất hiện trên những trang mạng.

Công chúng và giới truyền thông bàng hoàng, phẫn nộ vì cảm giác bị chương trình lừa dối, phản bội lại lòng tin yêu của mọi người. Cuộc họp báo ngay sau đó trở thành thảm họa. Lẽ ra, ban tổ chức phải thông tin, nói rõ về những nghi vấn và đưa ra quyết định rõ ràng trong việc xử lý vụ việc nhưng cuộc họp báo lại làm bùng lên một “cơn bão” khác, khi đại diện nhà sản xuất chương trình (Công ty Cát Tiên Sa) đổ thừa rằng chính báo chí là tác nhân dẫn đến vụ lùm xùm này vì thông tin một chiều và quyết định giữ lại Phương Uyên ở vị trí cũ, dù cô đã xin rút lui.

Sự việc còn trở nên tệ hại hơn, khi một số thí sinh của Giọng hát Việt ứng xử thiếu văn hóa với hành động của Quỳnh Trang nhảy xổ ra tranh micro của phóng viên để nói giọng rất trịch thượng: “Mọi người tránh ra để em nhìn thấy mặt chị ấy” và thí sinh Nguyễn Văn Thắng mạnh miệng “mắng” báo chí: “Khán giả không biết đến cuộc sống đời thường của Phương Uyên, tại sao lúc Phương Uyên tuyển các thí sinh thì báo chí không đến viết về chị ấy mà lại soi mói vào scandal này. Hãy là một con ong chứ đừng làm một con ruồi” (!). Thật là một kiểu ứng xử thiếu văn hóa hiếm thấy như đã có sự sắp đặt trước khi chĩa mũi dùi vào báo chí, trong khi chính chương trình đang có quá nhiều vấn đề khuất tất cần phải được mổ xẻ tường tận và nhà tổ chức, đơn vị phát sóng (VTV) phải đưa ra cam kết chịu trách nhiệm.

Né tránh, ỡm ờ

Râm ran những nghi ngờ dàn xếp kết quả, đổi tình - mua danh… đã có từ lâu, khi mà các cuộc thi trăm hoa đua nở nhưng trước nay vẫn chỉ là tin đồn chưa có bằng chứng. Nay qua clip hậu trường Giọng hát Việt, khán giả nhìn thấy một sự thật lồ lộ, khó chối cãi.

Dư luận đang tập trung nghi vấn vào một nhân vật thân cận nhất với nhạc sĩ Phương Uyên. Nếu không có mâu thuẫn, ghen tức mang tính cá nhân như thế, công chúng mãi không thể biết được hậu trường thật sự của Giọng hát Việt nói riêng và của truyền hình thực tế nói chung.

Lẽ ra khán giả, công chúng, giới truyền thông sẽ được an ủi, vớt vát niềm tin phần nào nếu nhà sản xuất, VTV có thái độ nghiêm túc nhìn nhận sai sót và giải quyết dứt khoát. Nhưng điều ấy đã không xảy ra. Thay vào đó là thái độ né tránh trách nhiệm, ỡm ờ nước đôi của VTV kiểu: “Những sự cố của chương trình Giọng hát Việt xảy ra trong thời gian qua không nằm ở nội dung chương trình mà lại ở việc ứng xử, phát ngôn... Ban tổ chức đến lúc này vẫn sẵn sàng mời Phương Uyên đảm nhận vai trò giám đốc âm nhạc cho đến khi kết thúc chương trình, nhưng nếu chị quyết định thôi không tham gia thì ban tổ chức cũng sẽ tôn trọng và có phương án mời nhạc sĩ thay thế”.

Nhà sản xuất sau khi bị truyền thông phản đối dữ dội về việc đổ lỗi cho báo chí và cách ứng xử thiếu văn hóa của thí sinh, cũng chỉ đưa ra nhận xét chung chung: “Về việc một số thông tin phản ánh ban tổ chức đổ lỗi báo chí chỉ đưa thông tin một chiều, đây thật sự hoàn toàn là hiểu lầm. Chúng tôi xin được nói lại quan điểm của mình: Vị trí và vai trò của các anh chị phóng viên báo chí đối với chương trình là không thể thiếu và rất quan trọng, thậm chí góp phần quyết định cho sự thành bại của chương trình. Chúng tôi luôn trân trọng và biết ơn vì điều đó… Về việc thí sinh Quỳnh Trang cướp micro phát biểu, đây là kiểu hành xử thiếu kinh nghiệm của một thí sinh trước việc ứng xử với báo giới. Quỳnh Trang bày tỏ những bức xúc khi bị nhắc đến trong video clip kèm những bằng chứng có liên quan để tạo scandal. Điều đó đã dẫn đến việc mất bình tĩnh trong hành động. Chúng tôi đã có lời nhắc nhở nghiêm túc tới thí sinh Quỳnh Trang. Thay mặt chương trình, ban tổ chức cũng gửi đến lời xin lỗi và mong nhận được sự cảm thông”.

Cách xin lỗi kiểu miễn cưỡng, chống chế, thiếu thuyết phục và cũng không tạo được niềm tin cho công chúng.

Sự cố Giọng hát Việt đã phơi bày mặt trái đầy tiêu cực của các chương trình truyền hình thực tế phiên bản Việt thời gian gần đây. Áp lực kiếm lợi nhuận đã khiến cả nhà sản xuất lẫn nhà đài không tôn trọng khán giả. Qua sự việc này để thấy, phải chăng mặt trái và những hệ lụy của việc “xã hội hóa truyền hình” bị quản lý lỏng lẻo đã khuynh đảo mọi giá trị?!

Như Hoa

  • Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ xử lý nghiêm

(SGGP).- Ngày 13-9, ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) cho biết, đã có văn bản yêu cầu Ban Thể thao Giải trí và Thông tin Kinh tế (Đài Truyền hình Việt Nam) và Công ty Truyền thông Cát Tiên Sa tổng hợp, báo cáo các sự việc bằng văn bản và gửi về cục trong thời gian sớm nhất để cục có cơ sở làm rõ các vấn đề. Sau khi kiểm tra, xác minh cụ thể, nếu thấy có dấu hiệu, hành vi sai phạm, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để xử phạt nghiêm khắc sai phạm, làm gương cho các chương trình sau.

V.Xuân

  • Khán giả cần sự tôn trọng

Cho đến hôm nay, hơn nửa tuần lễ trôi qua từ khi clip tố cáo sự dàn xếp kết quả của chương trình Giọng hát Việt được tung lên mạng, dư luận vẫn còn dậy sóng. Chỉ có điều, thay vì phản ứng về sai phạm của thành viên ê kíp thực hiện như ban đầu, sự phản ứng đã lan sang Đài truyền hình Việt Nam (VTV). Đứng trên nhiều góc độ, sự phản ứng này hoàn toàn có lý khi nhìn vào cách hành xử của VTV từ khi sự cố xảy ra cho đến giờ phút này.

Dù khoác áo xã hội hóa hay liên kết, tất cả những gì được phát trên sóng truyền hình quốc gia trách nhiệm chính vẫn thuộc về VTV. Nếu có sự cố xảy ra chính VTV phải có trách nhiệm trả lời trước hàng triệu triệu khán giả của mình. Khán giả có quyền đòi hỏi sự sòng phẳng đó như một sự tôn trọng cần thiết và tối thiểu bởi họ đang đóng thuế để nuôi guồng máy hoạt động của VTV chứ không phải bất kỳ công ty A, B nào đó. Thế nhưng, thay vì có động thái ra thông báo tạm dừng phát sóng chương trình để kiểm tra, thậm chí nếu phát hiện có khuất tất sẽ ngừng phát sóng chương trình, trả lại niềm tin cho khán giả như dư luận chờ đợi, thì VTV lại im lặng đến mức khó hiểu. Càng khó hiểu hơn khi trong cuộc họp báo 2 ngày sau đó, chỉ có nhà sản xuất đưa ra lời giải thích. Nhìn toàn bộ sự việc, có thể thấy, thay vì chủ động kiểm chứng thông tin và trả lời trước công luận, VTV đã đẩy quả bóng cho nhà sản xuất.

Dư luận không thể không đặt câu hỏi vì sao VTV quá thờ ơ, thậm chí xem thường khán giả đến như thế? Phải chăng quyền lực Cát Tiên Sa quá lớn, lớn hơn cả sự phẫn nộ của hàng triệu công chúng xem đài? Mãi đến ngày 12-9, khi dư luận vẫn tiếp tục sôi lên, VTV mới phát thông báo với những giải thích rất chung chung, không hề đả động gì đến số phận của Giọng hát Việt cũng như không hề có dòng nào xin lỗi khán giả!

Với thông điệp như trên, có thể hiểu Giọng hát Việt sẽ vẫn tiếp tục được lên sóng vào chủ nhật tuần này như chưa từng có điều gì xảy ra?!

Giọng hát Việt cũng chỉ là một sản phẩm giải trí đơn thuần. Và như bao sản phẩm khác, khi không đạt chất lượng nhất thiết nó phải được thu hồi, xử lý, nhà sản xuất phải xin lỗi công chúng và người tiêu dùng! Đó là cách hành xử đúng mức. Có thể nói dừng một chương trình như Giọng hát Việt ở thời điểm này chính là có trách nhiệm và sòng phẳng với khán giả.

Những ai tiếp tay cho sự dối trá tồn tại đều bị lên án bởi đó là sự xem thường dư luận và thách thức những giá trị, những chuẩn mực của xã hội.

Với trách nhiệm xã hội của một thương hiệu mang tầm vóc toàn cầu, có lẽ Samsung cũng cần xem lại việc tài trợ cho một chương trình như Giọng hát Việt. Bởi tiếp tay cho sự dối trá, Samsung cũng xứng đáng nhận sự phẫn nộ và tẩy chay của người tiêu dùng như công chúng đang phẫn nộ về Giọng hát Việt.

Khắc Thi

Tin cùng chuyên mục