Bình Định: Chào thua lâm tặc?

Bình Định: Chào thua lâm tặc?

Từ đầu năm 2008 đến nay, tại cửa rừng đầu nguồn khu vực giáp ranh 2 huyện Hoài Ân và Vĩnh Thạnh của tỉnh Bình Định, "lâm tặc" ào ạt vận chuyển gỗ về xuôi.

  •  "Định cư" trong rừng 

Chúng tôi làm một cuộc hành trình về xã Ân Nghĩa, nơi đang tọa lạc 3 cánh rừng đầu nguồn: Nghĩa Điền, Phú Trị và Nghĩa Nhơn. 

Bình Định: Chào thua lâm tặc? ảnh 1
Gỗ của lâm tặc bị lực lượng kiểm lâm huyện Hoài Ân thu giữ Ảnh: THUNG ĐÌNH

Được những người dân nhiệt tình chỉ dẫn, chúng tôi đến thôn Bình Sơn (xã Ân Nghĩa), cửa ngõ của 2 khu rừng đầu nguồn Nghĩa Điền và Phú Trị. Ông Dương Dạ Lâm, Chủ nhiệm HTXNN 2 Ân Nghĩa, cho biết: Mỗi ngày phải có đến vài ba chục người, toàn trai tráng đi vào rừng làm lâm tặc. Ngoài lương thực, họ không mang theo rựa rìu gì cả vì "đồ nghề" đã giấu cả trong rừng. Ai muốn "ăn khẳm" thì làm gỗ hương, gõ; ai không có sức thì tà tà ở bìa rừng "ăn" lim, chò...

Những đối tượng làm gỗ hương, gõ phải leo qua 2 ngọn núi Tà Lăng, núi Làng Bền rồi sang rừng Vĩnh Thạnh bởi rừng bên đó "giàu" hơn rừng Hoài Ân. Những đối tượng làm gỗ hương, gõ "định cư" trong rừng rất lâu, chúng cưa, xả gỗ ở Vĩnh Thạnh ra thành phẩm rồi "cõng" lên chóp núi. Từ chóp núi, những tấm ván được thả "tuột" về phía địa bàn huyện Hoài Ân, tập kết lại ở một nơi kín đáo. Lực lượng mua gom gỗ lậu túc trực tại cửa rừng, khi mua được gỗ, chúng sẽ thuê lực lượng "vận tải" là xe máy, xe đạp chuyển về các đại lý. Dân làm gỗ lậu rất "đoàn kết", nếu có ai đó bị kiểm lâm bắt và thu phương tiện thì những người khác "hùn nhau" cho đối tượng ấy mua phương tiện khác kèm với lương thực… đủ làm lại chuyến khác "gỡ gạc".
 
Ông H., một người dân có nhà ở gần cửa rừng góp chuyện: "Tháng 4-2008, có một nhóm hơn 20 thanh niên người miền ngoài vào "định cư" hẳn trong rừng, chuyên làm nghề vận chuyễn gỗ lậu thuê cho các đầu nậu. Khi biết nhóm người này đang cất giấu 25 tấm gỗ hương trong một ngôi nhà bỏ hoang trên núi, chúng tôi lập tức báo cáo với ngành chức năng. Thế nhưng khi lực lượng kiểm lâm tiếp cận hiện trường thì gỗ đã "biến" gần hết, chỉ thu được 2 tấm ván hương".
 
Thở dài một hơi, ông H. cho biết thêm: Nạn khai thác gỗ trái phép tồn tại từ lâu ở đây nhưng gần đây càng rộ hơn vì ở huyện Hoài Nhơn vừa có 1 cơ sở chế biến đồ gỗ mỹ nghệ. 

  •  Chở gỗ… như hành quân 

Để cho chúng tôi tận mắt chúng kiến "rừng đầu nguồn chảy máu", ông Lâm dẫn chúng tôi "mật phục" tại một địa điểm gần cửa rừng...  

Bình Định: Chào thua lâm tặc? ảnh 2
Lâm tặc ngang nhiên vận chuyển gỗ về xuôi (ảnh chụp tại thôn Bình Sơn, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Nhơn chiều ngày 12-5) Ảnh: HOÀNG TRỌNG

Bỗng ông Lâm "suỵt" một tiếng rồi chỉ tay về phía cửa rừng. Một dáng người liêu xiêu đang cắm cúi điều khiển chiếc xe đạp chầm chậm chạy ra, vắt ngang ba ga là 1 súc gỗ dài khoảng 2m, mặt rộng 16cm - 20cm. Hơn 10 phút sau, từ cửa rừng xuất hiện thêm 2 chiếc xe đạp chạy ra. Lần này không phải là những súc gỗ dày mà là những cây gỗ dài đến 4,5m, mặt rộng chừng 7cm-14cm được cột dọc theo sườn xe. 2 chiếc xe này chưa khuất hẳn thì lại xuất hiện thêm 2 chiếc nữa, rồi 3, 4 chiếc xe đạp… xuất hiện, chiếc nào cũng đèo gỗ ở đằng sau. Chỉ trong vòng 1giờ đồng hồ, chúng tôi nhìn thấy 15 chiếc xe đạp chở gỗ đi ra từ 2 cánh rừng đầu nguồn Nghĩa Điền và Phú Trị. Đến cuối giờ chiều, những chiếc xe gỗ vẫn tiếp tục xuất hiện, nhưng không phải là xe đạp nữa mà là xe máy.

 Chuyện phá rừng không chỉ nóng bỏng ở xã Ân Nghĩa mà tại xã Ân Tín, nạn phá rừng cũng diễn ra rầm rộ. Cánh rừng Nhà Mười hầu như bị "móc ruột" từng ngày. Nhưng khi nói chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Bổ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hoài Ân, vẫn rất "vô tư": "Làm gì có chuyện đó, yên ổn lắm rồi!". Khi chúng tôi đưa ra những tấm ảnh vừa ghi được tại cửa rừng, ông Bổ im lặng một lúc rồi giải thích: "Thú thật, ở các xã đều có thành lập Ban chỉ đạo phòng chống phá rừng nhưng trên thực tế, chủ đạo trong công tác giữ rừng vẫn chỉ có lực lượng kiểm lâm. Lực lượng kiểm lâm xã thì làm việc không biên chế, mỗi tháng chỉ nhận trợ cấp 300.000đ, mức thu nhập này không đủ làm cho họ "yên tâm" đối mặt với những hoạt động của lâm tặc vốn rất nhiều nguy hiểm. 

HOÀNG TRỌNG- THUNG ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục