Vụ sập dầm cầu chợ Đệm thuộc công trình đường cao tốc TPHCM - Trung Lương: Tập trung khắc phục sự cố

Ưu tiên giải quyết lưu thông sông chợ Đệm
Vụ sập dầm cầu chợ Đệm thuộc công trình đường cao tốc TPHCM - Trung Lương: Tập trung khắc phục sự cố

Sáng 11-3, qua ghi nhận của phóng viên, toàn bộ khu vực xảy ra tai nạn đã được bao bọc kín bằng bạt và được công an bảo vệ nghiêm ngặt. Các đơn vị liên quan gồm lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông - Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, nhà thầu, đơn vị tư vấn cùng có mặt tại hiện trường… để đề ra giải pháp khắc phục sự cố.

Ưu tiên giải quyết lưu thông sông chợ Đệm

Vụ sập dầm cầu chợ Đệm thuộc công trình đường cao tốc TPHCM - Trung Lương: Tập trung khắc phục sự cố ảnh 1

Nơi đúc dầm cầu bị gãy. Ảnh: QUỐC HÙNG

Sau khi khảo sát sơ bộ, các cơ quan chức năng liên quan đã tổ chức cuộc họp ngay lán trại trên hiện trường vào giữa trưa.

Tại cuộc họp, các bên khẳng định trước mắt tập trung giải phóng nhanh hiện trường để tàu thuyền lưu thông an toàn, bởi sông chợ Đệm là tuyến giao thông thủy quan trọng của TPHCM, mỗi ngày có khoảng 150 lượt tàu thuyền qua lại.

Ông Đặng Trung Thành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông nhấn mạnh, việc cấp bách phải làm ngay trong chiều cùng ngày là lên phương án trục vớt dầm bị gãy, tháo luôn dầm bị cong.

Ông Hà Thanh Mẫn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bê tông 620 - Châu Thới khẳng định, công ty đang điều 2 sà lan dùng hai cẩu nổi (cẩu nặng 130 tấn) để tháo dỡ. Tuy sà lan đang ở cầu Phú Mỹ quận 2, nhưng phải đi đường vòng sang Long An, dự kiến đến trưa nay (12-3) mới đến được hiện trường.

Việc thanh thải hiện trường sẽ hoàn tất trong 2 ngày. Ghi nhận của phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng, chiều cùng ngày đơn vị thi công đã cho công nhân hàn lại những bộ phận giàn giáo bị bung mối hàn để đảm bảo an toàn trong việc tháo dỡ.

Một công việc quan trọng khác không kém, theo lãnh đạo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận là tháo dỡ đến đâu tổ chức thi công ngay đến đó để công trình kịp tiến độ. Ngoài ra, tại buổi họp đại diện Công ty bảo hiểm Bảo Việt Sài Gòn đồng ý tạm ứng tiền bảo hiểm để đơn vị thi công lo khắc phục sự cố…

Nguyên nhân chưa thuyết phục?

Chưa đầy 24 tiếng đồng hồ kể từ khi xảy ra sự cố, Bộ Giao thông Vận tải đã phát đi 2 thông cáo báo chí. Nội dung quan trọng nhất là nguyên nhân vụ tai nạn được giải thích như sau: Đây là tai nạn lao động xảy ra trong quá trình thi công, nguyên nhân của sự cố là do sơ suất trong vận hành thiết bị. Tuy nhiên, dư luận cũng như chuyên gia cầu đường không thỏa mãn với cách lý giải trên.

Là người có thâm niên hơn 50 năm trong ngành xây dựng, kỹ sư Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch Hội Xây dựng TPHCM nói: “Nguyên nhân đưa ra không thuyết phục tí nào. Chẳng lẽ một khối bê tông như thế mà lại dễ dàng gãy như thanh củi mục?”.

Phân tích sự việc, ông cho rằng có 3 cái sai. Thứ nhất, cấu kiện bê tông lớn thì không được lắp trong trường hợp xuất hiện gió lớn. Lúc đó, người lái cẩu sẽ không triển khai việc lắp đặt. Thứ hai, bê tông mác 600 trở lên, cứng như thép thì làm sao gãy hay cong được?

Ở đây có yếu tố đơn vị thi công tự đúc mới nghi ngại, bởi bản thân việc thi công tuyến đường này từng có chuyện “rút ruột” nên việc đúc dầm cần phải xem xét lại về lượng thép và chất lượng có đáp ứng không, chất lượng của bê tông, việc đổ bê tông và bảo dưỡng có đúng cách không. Thứ ba, đó là sự chủ quan, một công trình lớn như thế mà để cho công nhân chỉ có tay nghề bậc 4 thực hiện thì việc lắp lệch hoàn toàn có thể xảy ra!

Khi phóng viên Báo SGGP đặt vấn đề nguyên nhân có phải do dầm kém chất lượng, ông Đặng Trung Thành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông khẳng định đây là tai nạn lao động, đang xem xét nguyên nhân, không nên quy chụp.

Ông Đỗ Ngọc Dũng cũng nêu lý do tương tự, và nói “bản chất bê tông rất giòn, nếu đi trên xe rơi xuống đất sẽ bị gãy ngay”, nhưng lại không kể được một sự cố tương tự!? Một điểm đáng lưu ý khác, đơn vị trúng thầu tuyến đường này là Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long, hai thành viên đang thi công tại đây đều để xảy ra sự cố - một gãy dầm, một “rút ruột” công trình - liệu có cần thiết kiểm tra lại toàn diện nhà thầu?

Việc gãy dầm cầu chợ Đệm cần phải mổ xẻ thấu đáo nguyên nhân để có giải pháp hữu hiệu, bởi đây là tuyến đường cao tốc trọng điểm số một phía Nam, một sự cẩu thả về chất lượng sẽ phải trả giá đắt sau này!

L.Thiện – Q.Hùng

Bộ GTVT: Sự cố do sơ suất trong thi công

(SGGP).- Ngày 11-3, Bộ GTVT cho biết, tại cuộc họp khẩn giữa lãnh đạo bộ và các đơn vị liên quan nhằm khắc phục nhanh sự cố sập dầm cầu Chợ Đệm thuộc dự án đường cao tốc TPHCM – Trung Lương, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã yêu cầu thành lập ngay đoàn công tác vào làm việc tại hiện trường để tiếp tục làm rõ nguyên nhân và trực tiếp giải quyết các công việc liên quan sau sự cố.

Theo Bộ GTVT, nguyên nhân ban đầu được xác định là do sơ suất của công nhân trong khi thi công. Trong lúc Công ty cổ phần cầu 11 (Tổng Công ty Xây dựng cầu Thăng Long) thi công (lao dầm) thứ 142, khi đang hạ dầm vào gối và đang cân chỉnh cao độ do sơ suất trong thao tác sử dụng thiết bị nâng hạ của công nhân nên đã gây ra rung lắc gây mất ổn định bụng dầm (dầm Y42), do đó dầm bị xoắn và gẫy rơi xuống sông Chợ Đệm.

M.Duy

Công nhân Trần Văn Thảnh đã tử vong

Đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, ngay sau vụ tai nạn xảy ra, đại diện chủ đầu tư đã vào tận bệnh viện nhờ bác sĩ dùng mọi phương tiện, thuốc men tốt nhất để điều trị nhưng công nhân Trần Văn Thảnh, 26 tuổi, quê Nam Định vẫn không qua khỏi, đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 22 giờ 40 ngày 10-3.

Ngày 11-3, đơn vị thi công đã mua vé máy bay cho người nhà anh Thảnh vào TPHCM làm thủ tục để nhận xác, đưa về quê chôn cất. Nạn nhân được đưa về bằng đường hàng không và mọi phí tổn được công ty thanh toán. Còn công nhân Trần Đình Trung, 22 tuổi, quê Nghệ An đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tình hình sức khỏe tiến triển tốt.

Công an huyện Bình Chánh điều tra

Ông Trần Trọng Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho hay, ngay sau khi xảy ra vụ gãy dầm cầu chợ Đệm, Công an TPHCM đã giao cho Công an huyện Bình Chánh thụ lý vụ việc. Công an huyện đang phối hợp cùng Thanh tra Lao động của Sở LĐTB-XH tiến hành thu thập hồ sơ, chứng cứ; khám nghiệm hiện trường; làm việc với đơn vị thi công yêu cầu cung cấp hồ sơ… “Kết quả tới đâu sẽ xử lý tới đó”, ông Tuấn khẳng định.

Thông tin liên quan

- Công trình đường cao tốc TPHCM - Trung Lương: Sập nhịp cầu chợ Đệm

- Vụ “rút ruột” công trình đường cao tốc TPHCM - Trung Lương: Có thể khởi tố về tội tham ô tài sản

Tin cùng chuyên mục