Xây mới hơn 30km đường và 12 cây cầu

Năm Bính Thân đang vào những ngày cuối cùng trước khi năm mới Đinh Dậu bước sang. Có thể điểm lại một số điểm sáng, thành quả của ngành giao thông vận tải TPHCM trong năm qua.
Xây mới hơn 30km đường và 12 cây cầu

Năm Bính Thân đang vào những ngày cuối cùng trước khi năm mới Đinh Dậu bước sang. Có thể điểm lại một số điểm sáng, thành quả của ngành giao thông vận tải TPHCM trong năm qua.

Làm cầu vượt…

Có thể nói, ngày 19-1-2017 nhằm ngày 22 tháng Chạp năm Bính Thân là một ngày bận rộn với nhiều niềm vui của ngành giao thông vận tải thành phố. Sáng sớm 19-1, Khu Quản lý giao thông đô thị (KQLGTĐT) số 3 - đơn vị thay mặt Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM quản lý địa bàn, đã chính thức tổ chức thông xe cho cầu vượt thép tại Ngã sáu Gò Vấp nhánh Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm. Đây cũng là cầu vượt bằng thép đầu tiên trên địa bàn quận Gò Vấp. Giám đốc của KQLGTĐT số 3 Võ Khánh Hưng cho biết, tính ra thời gian thi công cầu vượt bằng thép này đã được rút ngắn 40 ngày so với kế hoạch đề ra. Công trình được khởi công ngày 4-9 và theo kế hoạch lẽ ra đến tháng 2-2017 mới hoàn thành.

Cầu vượt Ngã 6 Gò Vấp. Ảnh: THÀNH TRÍ

Cũng trong buổi sáng 19-1, KQLGTĐT số 4 đã khởi công công trình nâng cấp sửa chữa cầu Nhị Thiên Đường 1 nằm trên địa bàn quận 8. Ngoài phần thân cầu, công trình còn bao gồm xây dựng đường đầu cầu vuốt nối với đường Tùng Thiện Vương, quốc lộ 50 hiện hữu. Công trình với tổng vốn đầu tư hơn 163 tỷ đồng này theo kế hoạch sẽ hoàn tất sau 360 ngày thi công.

Một công trình tầm cỡ khác là hầm chui tại nút giao thông An Sương cũng đã được chủ đầu tư là KQLGTĐT số 3 phát lệnh khởi công trong ngày 19-1. Dự án này nhằm xây dựng hầm chui đôi theo hướng Trường Chinh - Quốc lộ 22, mỗi hướng một hầm. Trước mắt tập trung thi công nhánh hầm chui theo hướng từ trung tâm thành phố đi về phía huyện Củ Chi. Nhánh còn lại, hướng từ huyện Củ Chỉ vào trung tâm thành phố sẽ được thi công sau khi hoàn tất nhánh hầm đầu tiên. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 514 tỷ đồng và thời gian hoàn tất thi công cả hai nhánh hầm là 600 ngày.

Buổi chiều 19-1 bắt đầu bằng việc Sở GTVT trang trọng tổ chức công bố chính thức đưa vào sử dụng Cổng thông tin giao thông TPHCM. Cổng thông tin này hoạt động trên nền bản đồ số trực tuyến thông qua website tại địa chỉ: giaothong.hochiminhcity.gov.vn và ứng dụng trên thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Android OS và IOS. Đây được xem là kênh cung cấp thông tin về tình trạng giao thông theo thời gian thực, các thông tin tiện ích, công cụ tìm đường, chức năng tiếp nhận và phản hồi trực tuyến các phản ánh của người dân, tổ chức, doanh nghiệp về các sự cố hạ tầng giao thông, tình trạng giao thông.

Có thể nói, tất cả các động thái diễn ra chỉ trong một ngày 19-1 đã phần nào cho thấy nỗ lực phấn đấu, chuẩn bị và quyết tâm thực hiện của ngành GTVT thành phố để phục vụ tốt nhất cho người dân.

Khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng hiện hữu

Như chúng ta đã biết, năm 2016 được chính quyền thành phố xác định tiếp tục thực hiện 7 chương trình đột phá, trong đó đặc biệt là chương trình giảm ùn tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông. Trong vấn đề kéo giảm ùn tắc giao thông, Sở GTVT đã tập trung chỉ đạo và đôn đốc các đơn vị tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Đó là: Nâng cao hiệu quả công tác thực hiện quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm đã phê duyệt và đang triển khai; nâng cao hiệu quả khai thác cơ sở hạ tầng giao thông hiện hữu; tiếp tục đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng, điều tiết nhu cầu giao thông, hạn chế lưu thông đối với phương tiện giao thông cá nhân; đẩy mạnh thực hiện quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025 và quy hoạch Vùng TPHCM gắn với quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, quy hoạch phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng có sức chở lớn; tập trung huy động các nguồn lực đáp ứng chương trình phát triển hệ thống giao thông đô thị; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ và nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giao thông vận tải đô thị... Trong đó, Sở GTVT đã tập trung thực hiện một số giải pháp mang tính đột phá, như: nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu; tập trung rà soát, hoàn thiện đơn giá định mức, triển khai áp dụng công tác đấu thầu và ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ trong công tác duy tu bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông; ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong công tác tổ chức phân luồng, quản lý giao thông.

Hiện Sở GTVT đã phát triển 300 camera quan sát trong trung tâm thành phố để theo dõi, giám sát, phục vụ công tác quản lý giao thông; đẩy mạnh tái cấu trúc, sắp xếp lại các đơn vị quản lý Nhà nước, doanh nghiệp vận tải; triển khai thực hiện thí điểm quảng cáo trên xe buýt; đầu tư mới phương tiện buýt, bến bãi, cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; tổ chức phân luồng giao thông theo định hướng ưu tiên làn dành riêng cho xe buýt; cải thiện và nâng cao chất lượng phục vụ trong hoạt động xe buýt với định hướng lấy hành khách làm trọng tâm; tập trung huy động, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án giao thông, chủ yếu tập trung theo hướng Đông Bắc như đường song hành cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, hướng Tây Nam như cầu đường Bình Tiên, khép kín đường Vành đai 2, nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ… Đó còn là việc tăng cường công tác kiểm tra tải trọng phương tiện, phối hợp với cảnh sát giao thông trong xử lý xe quá tải trọng cầu, đường bộ; kiện toàn, phát huy vai trò của Ban An toàn giao thông thành phố; đẩy mạnh công tác phối hợp với UBND các quận, huyện trong công tác quản lý trật tự lòng lề đường, vỉa hè; xác định và tập trung xử lý các khu vực điểm nóng ùn tắc giao thông…

Một vài số liệu đạt được trong năm 2016

- Tăng thêm 34,1km chiều dài đường sá, tính ra tăng được 9,4km so với kế hoạch đề ra và tăng 1,5km so với năm 2015.

- Diện tích mặt đường đã tăng thêm 545.522m2 tức là tăng 3.924m2 so với kế hoạch.

- Xây dựng mới 12 cây cầu, đạt kế hoạch đề ra và bằng năm 2015.

- Khối lượng vận tải hành khách liên tỉnh trên các tuyến cố định đạt 21,6 triệu lượt hành khách, tăng 9,6% so với năm 2015.

- Vận tải hành khách công cộng đạt 567 triệu lượt hành khách, đạt 95% kế hoạch, trong đó xe buýt đạt 326 triệu lượt, tương đương 86% kế hoạch.

- Tỷ lệ hộ dân thành phố được cung cấp nước sạch đạt 100%, còn tỷ lệ thất thoát nước sạch giảm xuống còn 28,15%.

 THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục