“Bà đỡ” cho người lầm lỡ

Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự (DN-ANTT) tỉnh Đồng Nai hình thành từ cuối năm 2010 với mục đích vận động sự đóng góp tài chính, vật chất của các doanh nhân (DN) để xã hội hóa công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT), hỗ trợ vốn làm ăn cho những người chấp hành xong án phạt tù, người trở về từ cơ sở giáo dưỡng có vốn làm ăn, nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.
 Và đến nay quỹ đã trở thành “bà đỡ” cho người lầm lỡ và là chương trình có tính nhân văn cao cần được nhân rộng.
“Bà đỡ” cho người lầm lỡ ảnh 1 Lễ ra mắt CLB Người hoàn lương xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu
 Ấm áp tình người
Tính đến hết năm 2017, Quỹ đã vận động được hơn 400 lượt doanh nhân, doanh nghiệp tham gia đóng góp được trên 16,35 tỷ đồng, tổ chức cho hơn 1.000 lượt người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương vay vốn xoay vòng với tổng số tiền gần 22 tỷ đồng để sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó, riêng năm 2017 đã vận động được hơn 3,72 tỷ đồng và đã giải quyết cho 96 lượt người vay vốn với số tiền 2,74 tỷ đồng.
Trong số những người vay vốn, vươn lên từ lầm lỡ đã xuất hiện những trường hợp làm ăn điển hình, những mô hình sản xuất có hiệu quả. Trường hợp vươn lên làm giàu của anh Nguyễn Thanh Phúc (ấp 4, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ) là một ví dụ. Sau khi mãn hạn tù trở về nhà với hai bàn tay trắng, được Quỹ cho vay 20 triệu đồng để mua con giống nuôi dê, từ 4 con dê mẹ và 8 con dê con ban đầu, sau 3 năm chăm sóc anh Phúc đã phát triển đàn dê lên 120 con. Ngoài ra, anh mua được xe tải nhỏ để vận chuyển, mua bán dê, giúp anh có thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng/năm.
Hay như trường hợp anh Nguyễn Hoàng Sơn (xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) mãn hạn tù năm 2013. Từ số vốn ít ỏi 20 triệu đồng của Quỹ DN-ANTT cho vay, anh đầu tư con giống nuôi tôm càng. Sau 2 năm được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp huyện nhà và nỗ lực của bản thân, anh đã trả được vốn, sau đó phát triển dần diện tích nuôi tôm lên 3ha, cho thu nhập bình quân 150 - 200 triệu đồng/năm.
“Nhờ có quỹ, đem lại cho chúng tôi niềm tin vào cuộc sống, tin mình còn có ích cho xã hội, đặc biệt là xã hội, mọi người vẫn có niềm tin về mình, giúp mình nhanh chóng hoàn lương”. 
Ngoài việc làm “bà đỡ” giúp vốn làm ăn cho người phạm tội hoàn lương, quỹ còn hỗ trợ giới thiệu, tiếp nhận những trường hợp khi trở về địa phương sớm có công ăn việc làm, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.
Theo Công an tỉnh Đồng Nai, Quỹ DN-ANTT là một trong những mô hình nhân văn đang hoạt động có hiệu quả. Ngoài ra, Công an tỉnh Đồng Nai còn xây dựng, đưa vào hoạt động 59 câu lạc bộ người hoàn lương với hơn 1.600 người tham gia để giúp họ có chỗ trao đổi tâm tình, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn.  
Mô hình cần nhân rộng
Qua nghiên cứu số liệu hoạt động của quỹ năm 2017 cho thấy: Tỷ lệ nợ quá hạn chưa trả được vốn là 91 trường hợp và chỉ trả được một phần là 68 trường hợp (chiếm tỷ lệ 54%). Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay với Quỹ DN-ANTT tỉnh Đồng Nai chính là cần tăng cường tính hiệu quả như tăng số vốn, tăng thời gian vay, tránh dàn trải để đồng vốn thực sự phát huy hiệu quả, đảm bảo quay vòng nhanh giúp nhiều người hoàn lương thoát nghèo một cách bền vững.
Nhận thấy ý nghĩa nhân văn cao đẹp cùng sự hoạt động hiệu quả nên ngày càng có nhiều doanh nhân đóng góp vật chất cho Quỹ DN-ANTT. Chỉ trong chiều ngày 20-3-2018, qua vận động, đã có hơn 101 đơn vị, cá nhân tham gia đóng góp cho quỹ với số tiền 3,42 tỷ đồng để có thêm nguồn vốn giúp nhiều người lầm lỡ phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, hạn chế tình trạng tái phạm tội và xã hội bớt đi mối nguy về ANTT.
Đánh giá về hoạt động của Quỹ DN-ANTT, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái nói: “Quỹ hoạt động rất tốt, được cộng đồng xã hội và nhân dân khen ngợi, ủng hộ và được lãnh đạo tỉnh quan tâm tạo điều kiện để quỹ phát triển ngày càng rộng hơn”. 
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn (Thứ trưởng Bộ Công an) đánh giá cao chủ trương của địa phương và Công an tỉnh Đồng Nai trong việc hình thành, duy trì hoạt động hiệu quả của quỹ: “Đây là việc làm rất đáng trân trọng, rất nhân văn, vừa thể hiện trách nhiệm, tình cảm vừa thể hiện tình người, giúp cho nhiều người có quá khứ lầm lỡ - những người có số phận không may nhanh chóng hoàn lương xây dựng tổ ấm, xây dựng cuộc sống gia đình, mang lại hiệu quả xã hội rất lớn. Mô hình này rất cần được nhân rộng để góp phần ngăn ngừa, kéo giảm tỷ lệ phạm pháp hình sự”.

Tin cùng chuyên mục