Biến đổi khí hậu và dòng chảy hàng tỷ USD

Bài 2: Tổng công trình sư và chuyện của nhà khoa học

PGS-TS Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, Tổ trưởng tổ soạn thảo kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng cho Việt Nam khẳng định rằng BĐKH bây giờ không còn là vấn đề khoa học nữa. Đó là vấn đề ảnh hưởng đến hàng triệu người dân, là câu chuyện của đàm phán song phương, đa phương, cần sự vận động của toàn dân và toàn bộ hệ thống chính trị.

PGS-TS Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, Tổ trưởng tổ soạn thảo kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng cho Việt Nam khẳng định rằng BĐKH bây giờ không còn là vấn đề khoa học nữa. Đó là vấn đề ảnh hưởng đến hàng triệu người dân, là câu chuyện của đàm phán song phương, đa phương, cần sự vận động của toàn dân và toàn bộ hệ thống chính trị.

Xếp hàng rồi... chạy?

Như đã nói ở bài trước, mặc dù các nguồn vốn cho BĐKH hiện nay rất nhiều nhưng để có thể thu hút được các nguồn tài trợ này, Việt Nam phải chuẩn bị những chương trình hành động, các dự án, cơ chế tài chính… phù hợp. Thực tế, những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều vận động tích cực. Theo TS Nguyễn Văn Thắng, Phó chánh văn phòng Văn phòng Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH, ngày 2-12-2008, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH. Khác với các chương trình khác thường được giao cho cấp bộ quản lý, ở chương trình này, đích thân Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban chỉ đạo.

Từ đó đến nay, có thể thấy đã có một sự vận động đồng bộ từ phía quản lý nhà nước ở cấp cao nhất. Sự chuyển động từ trên xuống này đã kéo theo một sự chuyển động của các bộ ngành, địa phương. Tuy nhiên, sự vận động đó là chưa đủ. Mặc dù BĐKH là vấn đề liên quan đến toàn cầu nhưng ảnh hưởng của nó với mỗi vùng đất, mỗi ngành, mỗi địa phương lại là những ảnh hưởng riêng biệt.

Vì vậy, tại Quyết định số 158 của Thủ tướng đã nêu: Đến năm 2010, các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH. Nhưng theo Văn phòng Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH, đến giữa năm 2010, vẫn còn một số tỉnh thành chưa hoàn thành việc xây dựng kế hoạch hành động này. Việc phân bổ kinh phí cũng chưa đầy đủ: hiện còn 2/14 bộ, 55/63 tỉnh thành chưa được bố trí kinh phí để khởi động xây dựng kế hoạch hành động.

Một thực tế là, hiện nay chúng ta thiếu những nhà khoa học am hiểu trong lĩnh vực này để đồng thời thực hiện kế hoạch hành động cho 63 tỉnh thành, 14 bộ ngành. PGS-TS Trần Thục khẳng định: “Khi xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể, chúng tôi, những nhà khoa học ở Hà Nội, có thể đóng góp, hỗ trợ về mặt quan điểm, lý luận, nghiên cứu chung. Tuy vậy, một cách làm phù hợp ở Hà Nội chắc chắn không thể bê nguyên xi vào áp dụng ở các tỉnh thành phía Bắc khác”.

Chính vì vậy, trong khi yêu cầu về việc có kế hoạch, có dự án để kịp thời thu hút các nguồn tài trợ quốc tế vẫn đang ngày càng thúc ép, mối lo ngại về việc “xếp hàng chạy” của các bộ ngành, các tỉnh thành đang là một mối lo rất đáng để tổng chỉ huy của chương trình Quốc gia thích ứng với BĐKH và các đơn vị tham gia điều phối đặc biệt quan tâm.

Một số nhà khoa học tiết lộ, có quá nhiều nơi mời họ làm kế hoạch hành động, đến nỗi họ phải từ chối bớt vì cảm thấy chưa an tâm về sự hiểu biết vùng đất, con người ở nơi đó. Để loại trừ những kế hoạch hành động “làm cho có”, tổng công trình sư cần xem xét lại mối tương quan của các dự án đơn lẻ trong một chương trình tổng thể.

Điều phối

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Văn Thắng, bày tỏ mối lo ngại khác: “Trong thời gian gần đây, nhiều nhà tài trợ quốc tế đã và đang tiếp tục cam kết viện trợ cho lĩnh vực BĐKH ở Việt Nam. Tuy nhiên việc tài trợ ở nhiều quy mô khác nhau, trên thực tế đã xảy ra hiện tượng không đúng mục tiêu đề ra hay chồng chéo, lãng phí”.

Để giải quyết mối lo đó, theo ông Thắng, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, thẩm định nội dung và sắp xếp thứ tự ưu tiên các nhiệm vụ, dự án về BĐKH kêu gọi quốc tế tài trợ. Tuy nhiên, đó có vẻ như chỉ mới là yêu cầu điều phối về mặt quản lý nhà nước. Thế nhưng, như PGS-TS Trần Thục khẳng định, rõ ràng việc xây dựng kế hoạch thích ứng với BĐKH là vấn đề gần với khoa học hơn là gần với quản lý nhà nước.

Vì vậy, bên cạnh Tổng công trình sư là Thủ tướng để quản lý, đốc thúc các bộ ngành, Việt Nam liệu có cần Tổng công trình sư là các nhà khoa học hàng đầu? “Bên cạnh sự điều phối của việc quản lý nhà nước, việc tham gia của các nhà khoa học vào việc thẩm định, kiểm tra, chống chồng lấn và giảm thiểu lãng phí của các dự án này là cần thiết. Hiện chúng tôi đang đề xuất thành lập một tổ chức tương tự Ủy ban liên Chính phủ về BĐKH (IPCC) tại Việt Nam, dự kiến lấy tên là VPCC. Đây là tổ chức tập hợp các nhà khoa học hàng đầu cả nước về BĐKH”, PGS-TS Trần Thục tiết lộ.

Tiền cho BĐKH không thiếu, thậm chí càng ngày càng nhiều. Vấn đề là giữa hàng loạt đề tài, dự án thích ứng BĐKH đang được triển khai hiện nay, làm thế nào để triển khai hiệu quả, tránh trùng lắp… Câu hỏi đó, có lẽ cần sự trả lời từ bây giờ, khi các dự án chưa được triển khai

MINH TÚ

Thông tin liên quan:

>> Biến đổi khí hậu và dòng chảy hàng tỷ USD - Bài 1: Những nguồn tiền... không bao giờ hết 

Tin cùng chuyên mục