Tuyên Trung Hầu là nhân vật sống ở thời nào và có công gì với đất nước?

Hỏi:

Hỏi: Tuyên Trung Hầu mà phần mộ và nhà thờ hiện nay ở xã Mỹ An Hưng, huyện Lấp Vò là nhân vật sống ở thời nào và có công gì với đất nước?
Hoàng Thị Mỹ Duyên (Thốt Nốt, Cần Thơ)

KHÁNH TƯỜNG: Tuyên Trung Hầu là nhân vật lịch sử nhà Nguyễn dưới hai triều Gia Long và Minh Mạng. Nguyên quán huyện Phú Vang, Thừa Thiên. Gia đình ông thiên cư vào Gia Định, rồi Sa Đéc và cuối cùng định cư ở thôn Mỹ An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang (nay là xã Mỹ An Hưng, huyện Thạnh Hưng (Lấp Vò), tỉnh Đồng Tháp). Cha ông là Phan Văn Hậu, mẹ là Võ Thị Đức. Tuyên Trung Hầu tên thực là Phan Văn Tuyên sau được ban quốc tính (họ Nguyễn của nhà vua) nên sách vở ghi là Nguyễn Văn Tuyên (1763-1831).

Ông đã từng trải qua các chức vụ Trấn thủ Biên Hòa, Trấn thủ Định Tường, Trấn thủ Vĩnh Thanh, quyền tổng trấn Gia Định thành (toàn thể Nam bộ hiện nay) khi Lê Văn Duyệt đi công tác về kinh đô Huế và Bảo hộ Cao Miên thay cho Thoại Ngọc Hầu.

Sự nghiệp lớn nhất của ông mãi còn ích quốc lợi dân đến ngày nay là đã cùng Thoại Ngọc Hầu chỉ huy quân dân đào kinh Vĩnh Tế trong 5 năm từ cuối năm Kỷ Mão (1819) đến năm Giáp Thân (1824). Ông mất tại Châu Đốc lúc 68 tuổi (1831). Sự nghiệp của ông được chép trong Đại Nam liệt truyện và Đại Nam nhất thống chí (tỉnh An Giang). Ông xứng đáng được đặt tên đường và tên trường học,
ít ra là ở quê hương Đồng Tháp.

Tin cùng chuyên mục