Ý kiến bạn đọc

Xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm hay trung tâm thiết bị phục vụ nghiên cứu?

Xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm hay trung tâm thiết bị phục vụ nghiên cứu?

Vừa qua, nhân đọc bài viết trên Báo SGGP về vấn đề nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, trong đó có đề cập đến “Phòng thí nghiệm trọng điểm”, tôi có vài ý kiến như sau: Việc thành lập các phòng thí nghiệm trọng điểm (PTNTĐ) là một chủ trương đúng đắn, giúp nhà nước tập trung vào những nghiên cứu mũi nhọn có tính chiến lược - điều khó có thể thực hiện nếu dàn trải trong các phòng thí nghiệm nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, PTNTĐ ở nước ta dù mới được thành lập vài năm đã bắt đầu có những bất cập như thiếu sự đồng bộ về thiết bị, thiếu đề tài dự án thực hiện… Đây là hệ quả của một nguyên nhân sâu xa.

Xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm hay trung tâm thiết bị phục vụ nghiên cứu? ảnh 1

Sinh viên Khoa Sinh học ĐH KHTN thực hành trong phòng thí nghiệm phân tử. Ảnh: MAI HẢI

Trước tiên, cần phân biệt PTNTĐ (National Key Laboratory) và Trung tâm thiết bị phục vụ nghiên cứu (TTTBPVNC - Research Core Facility). Để đảm bảo hoạt động hiệu quả, một PTNTĐ cần phải có 3 yếu tố: nhân lực mạnh (bao gồm người đưa ra ý tưởng và người nghiên cứu trực tiếp), thiết bị nghiên cứu và kinh phí nghiên cứu; trong đó quan trọng nhất là nhân lực - vì đây là những người đưa ra ý tưởng và trực tiếp nghiên cứu, nên chính họ quyết định cần thiết bị gì và kinh phí bao nhiêu.

Như vậy có thể thấy ngay nếu nhân lực có chất lượng thì tình trạng thiết bị thiếu đồng bộ sẽ không xảy ra. Và nếu nhân lực mạnh thì sẽ có nhiều ý tưởng nghiên cứu hay, đồng thời có nhiều lợi thế trong việc đấu thầu đề tài nghiên cứu, tức là sẽ không thiếu đề tài dự án thực hiện. (Tất nhiên là kết quả này sẽ giảm thiểu rất nhiều nếu như nhà nước không có bộ máy lành mạnh và cơ chế giám sát chặt chẽ).

Trong khi đó TTTBPVNC chỉ cần một yếu tố: thiết bị. Người cung cấp dịch vụ chỉ cần biết sử dụng thiết bị (trong nhiều trường hợp thậm chí không cần biết cụ thể vì người sử dụng dịch vụ sẽ tự vận hành thiết bị). Ở các nước tiên tiến như Nhật Bản, Mỹ…, các TTTBPVNC như thế này có thể tìm thấy ở hầu hết các trường đại học, viện nghiên cứu.

Việc hình thành những TTTBPVNC giúp thúc đẩy việc nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm riêng lẻ, giúp người nghiên cứu có thể sử dụng thiết bị mà không nhất thiết phải đầu tư kinh phí mua sắm những thiết bị đắt tiền đó. Việc làm này đồng thời còn nâng cao hiệu quả đầu tư do thiết bị được sử dụng thường xuyên hơn so với ở các phòng thí nghiệm riêng lẻ.

Có thể nói, yếu tố chính của TTTBPVNC là thiết bị, trong khi đó yếu tố cơ bản của PTNTĐ lại là nhân sự. Nhưng lâu nay việc xây dựng PTNTĐ của chúng ta chỉ mới dừng ở việc mua sắm thiết bị, còn về nhân sự thì chưa được chuẩn bị đúng với tầm quan trọng của nó. Tình trạng này nếu không sớm được cải thiện thì các PTNTĐ của chúng ta sẽ chỉ có tác dụng như những TTTBPVNC.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư các PTNTĐ, theo tôi, chúng ta cần quan tâm hơn vào yếu tố nhân sự; đồng thời nhà nước phải tăng thêm nguồn kinh phí đầu tư cho việc nghiên cứu nói chung, bởi lẽ dù có nhân lực mạnh nhưng phải chia nhau một khoản kinh phí nghiên cứu nhỏ thì vẫn xảy ra tình trạng thiếu kinh phí nghiên cứu.

Ngoài ra, việc thành lập các PTNTĐ trực thuộc các trường đại học cũng cần được ưu tiên xem xét vì sẽ tận dụng được trang thiết bị đầu tư: các nhà khoa học đầu ngành của PTNTĐ tham gia giảng dạy, sinh viên sau ĐH trực tiếp nghiên cứu tại PTNTĐ. Chúng ta có thể tham khảo, học tập kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc xây dựng mô hình PTNTĐ, bởi vì thời gian qua phần lớn các PTNTĐ của họ đều có các công trình đi tiên phong trong lãnh vực nghiên cứu và được công bố trên các tạp chí uy tín trên thế giới.

LÊ TIẾN DŨNG
(Trường ĐH Nebraska - Lincoln, Mỹ)

Tin cùng chuyên mục