Bão Kaitak hướng vào miền Bắc

Ngày 16-8, cơn bão Kaitak (bão số 5) đã đi sâu vào biển Đông. Tại cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương chiều tối qua ở Hà Nội, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, cho biết, bão đang hướng thẳng vào vịnh Bắc bộ, gây mưa to ở miền Bắc.

(SGGP).- Ngày 16-8, cơn bão Kaitak (bão số 5) đã đi sâu vào biển Đông. Tại cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương chiều tối qua ở Hà Nội, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, cho biết, bão đang hướng thẳng vào vịnh Bắc bộ, gây mưa to ở miền Bắc.

Bão số 5 có dấu hiệu và hướng di chuyển giống bão số 4 trước đó (đi sát khu vực biên giới Việt - Trung) nhưng hiện nay lại có chiều hướng di chuyển thấp hơn một chút và ngả dần về phía Tây, đường đi của bão không đúng như dự báo ban đầu của trung tâm khí tượng. Theo ông Bùi Minh Tăng, khoảng chiều 17-8, bão sẽ đi sâu vào vịnh Bắc bộ. Bão số 5 do di chuyển nhanh nên có khả năng đi vào các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng và gây mưa to với lưu lượng khoảng 100 - 200mm ở khu vực miền núi phía Bắc, ở đồng bằng khoảng 50 - 100mm. Do mưa dồn vào một thời điểm ngắn nên nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Và mưa sẽ kéo dài tới ngày 19-8.

Theo Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, tính tới chiều qua, thống kê của các đơn vị biên phòng hiện ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đang có 91 tàu đánh cá và phương tiện thủy với 1.117 người. Ở khu vực vịnh Bắc bộ có 494 tàu với 23.868 ngư dân và các thuyền viên tàu vận tải, các vùng biển khác cũng có hơn 19.000 phương tiện hoạt động. Đây là khu vực tâm bão có thể đi qua nên nguy hiểm.

Trước tình hình trên, Đại tá Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu), Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết, để chủ động ứng phó với những thiệt hại có thể xảy ra do bão, Bộ Quốc phòng đã cắt cử 20.000 cán bộ chiến sĩ sẵn sàng túc trực xử lý khi có sự cố. Ngoài ra, đã chuẩn bị 8 máy bay trực thăng, 72 tàu cứu hộ của lực lượng hải quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng và hơn 400 ôtô các loại, khoảng 1.000 xuồng để triển khai công tác cứu hộ.

Cũng theo ông Tỵ, chiều qua lực lượng biên phòng đã nhận được tin hiện có 9 tàu đánh cá với 89 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đang đánh bắt ở khu vực đảo Hoàng Sa, vì không thể vào bờ kịp nên có nhu cầu vào trú tránh bão ở đảo Hải Nam (Trung Quốc). Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, chiều qua Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã có công văn gửi đại sứ quán các nước, đặc biệt là Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo điều kiện cho các ngư dân trên vào trú bão ở đảo Hải Nam.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng ban chỉ đạo PCLB Trung ương Cao Đức Phát yêu cầu các tỉnh miền núi phía Bắc rà soát dân cư, sẵn sàng phương án di dân ở các điểm có nguy cơ về lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ suối, đặc biệt nơi có nguy cơ sạt lở đất, đá khi có lệnh. Kiểm tra lại các hồ đập, nhà cửa, kho tàng và các công trình đang thi công, chỉ đạo việc vận hành hồ chứa đúng quy trình. Đặc biệt, khi bão đổ bộ, các tỉnh phải cắt cử người canh gác tại các hầm ngầm, đập tràn để ngăn không cho phương tiện đi qua. Hai tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng phải quản lý chặt hoạt động của các tàu thuyền tại khu du lịch vịnh Hạ Long, Vân Đồn, khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng yêu cầu ngay trong tối qua, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương có công điện thứ 4 gửi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh tới Quảng Ngãi yêu cầu khẩn trương thông tin cho các chủ tàu về vị trí của cơn bão để bà con di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm do bão gây ra.


Mưa bão dồn về cuối năm

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, trong tháng 8-2012, tại các tỉnh Bắc bộ có khả năng xảy ra 3-4 đợt mưa vừa, mưa to kèm theo nguy cơ sạt lở đất đá và lũ quét ở miền núi. Lượng mưa cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 10%-40%. Riêng các tỉnh ven biển Trung bộ lượng mưa sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 20%-40%. Các tỉnh ở Nam bộ và Tây Nguyên thấp hơn khoảng 10%-30%. Tuy nhiên, từ tháng 10 trở đi, mưa lũ sẽ tập trung ở Nam bộ.

Từ khoảng tháng 8 và 9-2012, do hiện tượng La Nina sẽ chuyển sang trạng thái El-Nino nên diễn biến thời tiết, thủy văn trên cả nước diễn biến rất phức tạp, cần đề phòng các cơn bão mạnh có hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn trong thời đoạn ngắn, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực, đặc biệt tại các khu vực miền núi Bắc bộ, Trung bộ và Tây Nguyên.

V.PHÚC

Tin cùng chuyên mục