Bất thường dịch sởi

Bất thường dịch sởi

Hàng ngàn trẻ bị mắc sởi từ đầu năm tới nay, đáng lo ngại hơn đã có 25 trường hợp tử vong và biến chứng do sởi. Đáng lo hơn, phần lớn trẻ bị tử vong do sởi và mắc sởi đều chưa được tiêm vaccine sởi, trong đó có nhiều trẻ dưới 1 tuổi... Đây là những vấn đề đáng quan tâm được đặt ra tại cuộc họp trực tuyến diễn ra cuối giờ chiều 8-4 giữa Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và các đơn vị chức năng trong cả nước.

        Nhiều trẻ tử vong vì sởi

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 6.611 trường hợp sốt phát ban, trong đó có 2.492 trường hợp được chẩn đoán xác định mắc bệnh sởi. Tích lũy từ tháng 11-2013 đến hết tháng 3-2014, cả nước ghi nhận 3.380 trường hợp mắc sởi. Đến cuối tháng 3-2014, đã có 25 trường hợp tử vong và biến chứng do sởi đều ở miền Bắc. Qua điều tra, các trường hợp tử vong là do viêm phổi liên quan đến sởi hoặc biến chứng viêm phổi sau mắc sởi. Hơn nữa, trong số này có khoảng 28% là trẻ dưới 9 tháng tuổi, tức là chưa đủ tuổi tiêm vaccine sởi theo quy định của Bộ Y tế.

Khám cho trẻ mắc bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Quốc Khánh

Khám cho trẻ mắc bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Quốc Khánh


Theo Bộ Y tế, dự kiến sớm nhất vào tháng 8-9-2014, một chiến dịch tiêm vaccine phối hợp sởi - rubella quy mô lớn sẽ được triển khai trên toàn quốc. Có khoảng 23 triệu trẻ em 1 - 14 tuổi sẽ được tiêm loại vaccine phối hợp này.
Đại diện Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, đa số bệnh nhân mắc sởi đều không được tiêm chủng hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng chiếm trên 87% và chỉ khoảng 4,2% trẻ đã tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi bị mắc bệnh. PGS-TS Trần Đắc Phu cũng cho biết các trường hợp tử vong ở trẻ nhỏ mắc sởi phần lớn là do đồng nhiễm các virus khác hoặc có bệnh lý khác nhưng mắc thêm sởi. Trong đó, nguyên nhân tử vong chủ yếu là viêm phổi sau sởi liên quan đến giai đoạn chuyển mùa đông - xuân, khí hậu ở miền Bắc lạnh và ẩm, các bệnh đường hô hấp phát triển mạnh, trong khi đó nhiều bệnh viêm đường hô hấp cấp tính hoặc viêm phổi do virus, vi khuẩn hiện nay cũng không xác định được nguyên nhân.

Lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ đầu năm tới nay đã có trên 900 ca sởi biến chứng đến từ hơn 20 tỉnh, thành phía Bắc phải nhập viện điều trị. Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, lo ngại khi bệnh sởi năm nay đang có nhiều bất thường với nhiều trẻ dưới 1 tuổi đã mắc sởi. Hơn nữa, bình thường bệnh nhân mắc sởi chỉ gặp biến chứng viêm phổi sau khi ban sởi đã hết nhưng năm nay, virus sởi tấn công trực tiếp vào phổi, gây biến chứng viêm phổi rất nhanh và nặng, tử vong cao.

        Không quá bất thường?

Mặc dù phía cơ sở điều trị bày tỏ sự lo ngại về những diễn biến phức tạp và bất thường của dịch sởi từ đầu năm tới nay, song PGS-TS Trần Đắc Phu khẳng định, diễn biến của sởi từ đầu năm tới nay không quá bất thường. Bởi lẽ dịch sởi năm nay có số ca mắc thấp hơn vụ dịch sởi năm 2009-2010, thậm chí số ca mắc/tuần vào lúc đỉnh dịch thấp bằng 1/3 so với vụ dịch sởi năm 2009-2010. Tuy xuất hiện trên diện rộng nhưng chỉ một số địa phương ở khu vực miền núi phía Bắc ghi nhận ổ dịch sởi tập trung quy mô nhỏ và trung bình, gồm: Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang. Không có địa phương nào bùng phát dịch lớn. Riêng Hà Nội và TPHCM có số ca mắc sởi khá cao nhưng cũng phân tán rải rác và không có ổ dịch lớn. Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay có 901 ca mắc sởi nhưng phân tán ở gần 300 xã/phường.

Trẻ em cần phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi.

Trẻ em cần phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi.

Nhận định về diễn biến dịch sởi trong thời gian tới, GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nêu rõ, dịch sởi hiện đã đi qua đỉnh dịch và từ giữa tháng 3 tới nay, dịch sởi có xu hướng giảm mạnh ở tất cả các địa phương. GS-TS Nguyễn Trần Hiển cũng cho biết, khi thời tiết nóng lên, dịch sởi sẽ giảm và tự hết, hầu như chưa có tiền lệ dịch sởi bùng phát trong mùa hè. Cùng với nhận định trên, TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho biết, số ca mắc sởi ở TPHCM và các tỉnh phía Nam đã giảm xuống trong 2 tuần qua. Hiện trung bình mỗi tuần còn khoảng 250 ca mắc sởi mới, trong khi trước đó thường xuyên ghi nhận trên 300 ca/tuần.

Liên quan tới việc tiêm vaccine sởi, GS-TS Nguyễn Trần Hiển cũng cho biết, sau khi các địa phương tổ chức tiêm vaccine sởi cho những đối tượng nguy cơ cao và tiêm vét vaccine sởi cho trẻ chưa tiêm đủ mũi, dịch sởi cũng đang có xu hướng giảm. Tính chung cả nước có khoảng 710.000 trẻ được tiêm phòng chống dịch và tiêm vét vaccine sởi trong tháng 3. Các tỉnh sẽ tiếp tục triển khai và hoàn thành tiêm vét vaccine sởi trong tháng 4-2014. GS-TS Nguyễn Trần Hiển cũng nhận định, virus sởi hiện nay vẫn chưa có biến đổi gen, chưa thay đổi động lực nên với diễn biến dịch sởi hiện tại và nếu triển khai tốt công tác tiêm vaccine phòng sởi trong thời gian tới thì mục tiêu mà chúng ta cam kết với quốc tế đến năm 2017 sẽ loại trừ bệnh sởi là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Để kiểm soát tốt dịch bệnh sởi trong thời gian sớm nhất, Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu các viện, bệnh viện, đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương đẩy mạnh những hoạt động phòng, chống dịch sởi trong thời gian tới. Tập trung vào việc triển khai tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi và tiêm vét vaccine sởi. Rà soát, đôn đốc các đối tượng tiêm, tránh bỏ sót đối tượng tiêm chủng, đảm bảo an toàn tiêm chủng theo các quy định.

QUỐC LẬP

>> Xem xét lập khu điều trị dã chiến cho bệnh nhân sởi

Tin cùng chuyên mục