Không nể nang trong xử lý vi phạm an toàn thực phẩm

Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TPHCM vừa khởi động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, cho biết, năm nay công tác kiểm tra an toàn thực phẩm sẽ được thực hiện liên tục, sớm phát hiện cái sai để xử lý nghiêm; thực hiện có trọng tâm trọng điểm, nhất là ở những nơi có nguy cơ cao, không nể nang và không có ngoại lệ.

V2b.jpg
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM

Chú trọng bếp ăn trường học, thức ăn đường phố

* PHÓNG VIÊN: Thưa bà, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, công tác quản lý, bảo đảm ATTP sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm gì?

* PGS-TS PHẠM KHÁNH PHONG LAN: Không phải đợi đến tháng hành động về ATTP thì chúng tôi mới lo hành động mà thực tế công tác bảo đảm ATTP luôn được sở tiến hành thường xuyên, liên tục. Hàng năm, chúng tôi lựa chọn, phát động Tháng hành động vì ATTP giữa tháng 4 vì đây là thời điểm nóng nhất, tiềm ẩn nhiều mối nguy về ATTP.

Tháng hành động được tập trung vào 2 công tác chính: Thứ nhất là kiểm tra, thanh tra đột xuất và định kỳ các khâu sản xuất và phân phối thực phẩm. Thứ hai là hoạt động tuyên truyền, khẩu hiệu, xe loa để nhắc nhở cho cộng đồng về ATTP, qua đó nâng cao nhận thức người hành nghề và người tiêu thụ thực phẩm có những biện pháp phòng ngừa không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Nếu lỡ xảy ra ngộ độc thực phẩm thì phải giải quyết tốt nhất để không có tái diễn…

* Trong tháng hành động năm nay, đơn vị sẽ triển khai công tác thanh tra, kiểm tra như thế nào để mang lại hiệu quả, tránh xảy ra tình trạng “cưỡi ngựa, xem hoa”?

* Năm nay, chúng tôi tập trung làm nhiều hơn và cố gắng làm hiệu quả hơn, có điểm nhấn công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP. Tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất những nơi mà có nguy cơ cao như: bếp ăn tập thể, trường học, suất ăn công nhân ở các khu chế xuất - khu công nghiệp, khu vực bán hàng rong, thức ăn đường phố… Phối hợp liên ngành với các đội ATTP của các quận huyện, phường xã thị trấn kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại địa phương; phối hợp với các lực lượng công an, kinh tế, cảnh sát môi trường, quản lý thị trường… có kế hoạch ra quân đồng loạt trong tháng hành động nhằm ngăn chặn những vi phạm trước khi xảy ra.

Nói dễ, làm khó

* Nhiều ý kiến cho rằng, công tác xử lý vi phạm các vấn đề về ATTP hiện còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, bà nghĩ sao về vấn đề này?

* Theo tôi, mức xử phạt hiện nay không nhẹ nếu tính theo mức thu nhập bình quân của người Việt Nam. Nếu vi phạm vấn đề ATTP liên quan tới yếu tố môi trường, tác nhân gây ngộ độc mức độ lớn thì con số xử phạt có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Còn những hành vi như: không đeo găng tay, sử dụng tay trần bốc thức ăn ở những quầy thức ăn đường phố mức xử phạt là 3 triệu đồng... Cho nên, tôi xin khẳng định mức xử phạt không hề nhẹ, vấn đề là áp dụng được đúng mức xử phạt đó hay không và có phát hiện ra được để xử phạt không.

V2a.jpg
Lực lượng chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối Hóc Môn

Trong nhiều trường hợp khi kiểm tra xử phạt, đa số sẽ xử lý theo hướng không có giấy tờ (hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đủ điều kiện về ATTP). Mỗi hành vi như vậy mức phạt hơn 10 triệu đồng và nếu là tổ chức thì sẽ phạt gấp đôi so với cá nhân. Tuy nhiên, nếu muốn xử phạt về ATTP thì cũng phải có kết quả kiểm nghiệm để khẳng định thực phẩm mất an toàn, chứa chất độc hại gì... Đối với việc kiểm nghiệm, chúng tôi lại cũng bị vướng rất nhiều về mốc thời gian chờ kết quả, nên nhiều khi không thể xử phạt nóng được.

* Lực lượng chức năng có phải đang quá mỏng so với yêu cầu của công tác quản lý chất lượng ATTP?

* Với thị trường đông dân như ở TPHCM gồm nhiều hoạt động về sản xuất và kinh doanh thực phẩm phức tạp, lực lượng thanh tra của chúng tôi hiện chưa đáp ứng được hết và còn vướng nhiều vấn đề về tính pháp lý, về quy trình. Chúng tôi có đề xuất lên UBND TPHCM tìm cách tháo gỡ. Dĩ nhiên với cơ sở hiện có, chúng tôi vẫn quyết tâm tiến hành giữ vững trận địa để làm công tác chống thực phẩm bẩn một cách hiệu quả nhất. Và để đạt được kết quả cao nhất, chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ của cộng đồng. Bởi, không có một lực lượng thanh tra ở bất kỳ quốc gia nào đủ sức bao sân tất cả công việc về quản lý, xử lý ATTP.

Hơn hết rất cần ý thức của người dân, ý thức tự bảo vệ sức khỏe của người dân, nhất là trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn thì mới quyết định thành công của cả một chính sách đảm bảo ATTP cho toàn thành phố.

Tin cùng chuyên mục