Biện pháp tự vệ thương mại không chỉ “đỡ” mà phải biết “ra đòn”

Luật sư Thái Bảo Anh (Công ty Bao & Partner) đã nói ví von tại buổi hội thảo “Các biện pháp thương mại trong khuôn khổ WTO và pháp luật Việt Nam” do Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban châu Âu tổ chức tại TPHCM ngày 26-3 rằng, để tự vệ tốt trong thương mại, các doanh nghiệp (DN) không chỉ biết “đỡ” mà phải biết “ra đòn”.

Việc sử dụng các công cụ chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đang có xu hướng tăng lên rất nhiều trong thương mại quốc tế nhằm bảo vệ ngành hàng nào đó trước việc hàng hóa nước ngoài tràn vào, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

Từ năm 2000 đến nay, có khá nhiều trường hợp các DN xuất khẩu Việt Nam (VN) bị kiện chống bán phá giá ở nước ngoài, trong đó có 2 vụ nổi đình nổi đám là vụ cá tra, cá ba sa và vụ tôm sú VN bị kiện tại Mỹ. Kết quả, DN thủy sản VN xuất khẩu các mặt hàng này bị đánh thuế chống bán phá giá, gặp nhiều khó khăn (thời gian đầu) trong việc tìm đầu ra, ảnh hưởng đến đời sống của bà con nông dân.

Khi bị kiện, DN chỉ có cách duy nhất là “phòng thủ”, tìm mọi cách chống đỡ và phải hợp tác với các đoàn kiểm tra để hạn chế phần nào thua thiệt. Hiện nay, nhiều DN xuất khẩu gỗ chế biến sang Mỹ đang lo ngại về nguy cơ sẽ bị kiện chống bán phá giá do lượng hàng gỗ chế biến vào Mỹ tăng mạnh qua từng năm…

Nhưng trong trường hợp ngược lại, cho đến nay chưa có trường hợp DN trong nước kiện DN nước ngoài bán phá giá tại VN làm thiệt hại sản xuất của DN và ngành đó, mặc dù thời gian qua có không ít DN đã kêu ca, phàn nàn vì hàng ngoại nhập vào ồ ạt với giá rẻ làm sản xuất trong nước bị đình trệ mà ngành thép là một điển hình…

Luật sư Thái Bảo Anh nhận định, DNVN chỉ ta thán với chính phủ, nhưng khi yêu cầu bắt tay vào việc kiện tụng một mặt hàng nào đó lại lắc đầu vì nghĩ là “khó quá”. Trong khi DN Mỹ lại sử dụng mọi công cụ, mọi biện pháp và phương tiện, kể cả báo chí để la toáng lên rằng DN và ngành hàng nào đó sẽ bị phá sản, sẽ “chết đến nơi” vì hành động bán phá giá của DN nước ngoài (dù thực tế chưa hẳn là vậy) để gây sức ép cơ quan thụ lý và đạt được mục đích.

Giải thích điều này, ông Trương Quang Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), cho rằng, DNVN còn “hiền quá”, ngại kiện tụng và nhất là chưa hiểu hết các quy định trong việc bảo vệ thương mại.

Hiện nay các quy định của pháp luật VN về vấn đề trên đã được sửa đổi khá hoàn chỉnh và phù hợp với tinh thần của WTO. DN không phải tốn chi phí trong quá trình kiện tụng, nếu bị thua kiện cũng không phải đóng phí. Một con số thống kê cho thấy, khi tiến hành các vụ kiện chống bán phá giá, đa số các DN đi kiện đều nắm phần thắng, tỷ lệ này lên đến 95%.

Trong khuôn khổ của WTO và luật pháp VN có khá nhiều biện pháp để bảo vệ việc sản xuất của DN trong nước như kiện chống bán phá giá, kiện chống trợ cấp hoặc dùng biện pháp tự vệ thương mại.

Vì vậy, ông Gordon La Fortune, chuyên viên quốc tế của Grey, Clark, Shih and Associates Limited (Canada), khuyến cáo, các DNVN cần tìm hiểu các quy định, quy trình trong nước và cách sử dụng chúng; cũng như nắm được các quy tắc của WTO để làm công cụ tự phòng thủ ở các nước, phản đối những quyết định không đúng đắn và biết cách sử dụng các biện pháp tự vệ trên như là một công cụ kinh doanh. Khi đã vào WTO, các DNVN không chỉ biết “đỡ” một cách chuyên nghiệp, mà còn phải biết “ra đòn”, kiện lại những DN nước ngoài làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. 

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục