Bước đột phá đưa nước sạch đến với dân

Đầu năm nay, lãnh đạo Thành ủy TPHCM đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) liên quan việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X. 
Sawaco ứng dụng công nghệ hiện đại kiểm tra chất lượng nước
Sawaco ứng dụng công nghệ hiện đại kiểm tra chất lượng nước
Ghi nhận sự nỗ lực của Sawaco trong việc đưa nước sạch đến với 100% hộ dân TP (hoàn thành sớm 4 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X), nhưng lãnh đạo TP cũng đặt ra nhiều mục tiêu mới cho Sawaco để vừa giải quyết những hạn chế tồn tại của ngành, đồng thời hướng đến mục tiêu nâng chất lượng sống của người dân TP qua việc sử dụng nước sạch. 

Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Khuyên (ảnh), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Sawaco xung quanh nội dung này.
   
* Phóng viên: Là người đứng đầu Đảng bộ Sawaco, ông suy nghĩ gì về những đánh giá của lãnh đạo Thành ủy TPHCM đối với những mặt làm được cũng như chưa được của đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung cấp nước sạch cho người dân TP?Nhận việc khó về mình
Bước đột phá đưa nước sạch đến với dân ảnh 1 Ông TRẦN VĂN KHUYÊN
* Ông TRẦN VĂN KHUYÊN: Trong quá trình hoạt động, Ban thường vụ Đảng ủy, Ban Tổng Giám đốc Sawaco luôn bám sát chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, chỉ đạo của UBND TPHCM. Thời gian qua, Đảng ủy Sawaco được đánh giá là tập thể đoàn kết và đề ra được nhiều giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh như: đầu tư mở rộng mạng lưới cấp nước, nghiên cứu ứng dụng các giải pháp để kéo giảm thất thoát nước, tích cực chủ động phối hợp các sở ngành, quận huyện tuyên truyền để người dân sử dụng nước sạch… Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ, mục tiêu trong tình hình mới, cũng còn một số hạn chế mà Đảng ủy Sawaco cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới. Đó là phải kéo giảm tỷ lệ thất thoát nước hiện còn cao; công suất khai thác, sử dụng nước sạch còn thấp; an ninh nguồn nước chưa vững chắc… * Trong các nhiệm vụ mới mà lãnh đạo Thành ủy đặt ra, theo ông nhiệm vụ nào nặng nề nhất? * An ninh nguồn nước thô, an ninh mạng cấp nước và dự trữ nguồn nước sạch, kéo giảm tỷ lệ thất thoát nước, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nước, đặc biệt là phải luôn đảm bảo lệ 100% hộ dân TP được sử dụng nước sạch, nguồn nước cho công tác phòng cháy chữa cháy… đây là những vấn đề luôn được ngành cấp nước đặt ra để giải quyết. Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao hơn từ phía lãnh đạo thành phố, cũng như người dân trong việc sử dụng nước sạch, đòi hỏi Sawaco cần phải có bước chuyển mạnh và có tính đột phá mới có thể đáp ứng. Mỗi nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra thực hiện đều có những khó khăn riêng. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi không có giải pháp mới, đột phá trong thời gian tới.* Vậy giải pháp cụ thể đối với từng mục tiêu ấy là gì, thưa ông? l Tôi đơn cử như việc hiện nay 100% người dân TP đã được tiếp cận nước sạch. Nếu như đa phần hộ dân được cấp nước bằng giải pháp căn cơ (qua hệ thống mạng kéo đến tận nhà), cũng còn những khu vực quy hoạch “treo”, dân cư thưa thớt… mà điều kiện phát triển mạng chưa thực hiện được nên ngành phải cấp nước cho người dân bằng giải pháp tạm thời như đặt bồn nước tập trung, đồng hồ tổng, cấp nước qua xe bồn… Trước thực tế này, chúng tôi đã tính toán, tìm kiếm vốn để pháp triển mạng. Mục tiêu là mỗi người dân sở hữu một đồng hồ nước. Trong điều kiện vô cùng khó khăn về vốn và theo tính toán thì chi phí đầu tư, lắp đặt mỗi đồng hồ nước cho dân 70 - 100 triệu đồng. Như vậy, việc đầu tư mạng phát triển cấp nước hiện nay là lỗ, tuy nhiên chúng tôi sẽ cố gắng bằng tất cả khả năng của mình vì mục tiêu đưa nước sạch đến với 100% hộ dân.             

Hay như đối với địa bàn huyện Bình Chánh, đây là địa phương mà thời gian qua chúng tôi phải thực hiện rất nhiều giải pháp để đưa nước sạch đến người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân chưa được tiếp cận trực tiếp nguồn nước sạch qua mạng lưới cấp nước của Sawaco vẫn còn nhiều hơn so với các quận huyện khác. Trong khi đó, kế hoạch là đến năm 2020 thì 100% hộ dân trên địa bàn này phải được tiếp cận nguồn nước Sawaco trực tiếp qua hệ thống mạng, với mỗi hộ dân sở hữu 1 đồng hồ nước. Thực tế, qua báo cáo của Công ty CP Cấp nước Chợ Lớn, trong điều kiện hiện nay quá khó khăn về nguồn vốn đầu tư, đơn vị này không thể có khả năng phát triển mạng lưới cấp nước để đáp ứng yêu cầu. Ban lãnh đạo Sawaco cũng nhận định, đối với địa bàn huyện Bình Chánh, trong điều kiện Công ty CP Cấp nước Chợ Lớn có nỗ lực phát triển được mạng lưới thì chưa chắc người dân đã sử dụng (như ở một số địa bàn như Gò Vấp, Hóc Môn, dù đã đưa nước máy đến tận nhà nhưng người dân vẫn sử dụng nước giếng nên công ty khó có thể thu hồi được vốn đầu tư). Để thực hiện nhiệm vụ chính trị, mới đây ban lãnh đạo Sawaco đã họp và đi đến quyết định mang tính đột phá là chuyển vùng phục vụ cấp nước huyện Bình Chánh về cho Sawaco, đồng thời giao nhiệm vụ này về cho Xí nghiệp Cấp nước nông thôn (đơn vị cũng trực thuộc tổng công ty) để thực hiện phát triển mạng lưới cấp nước sạch cho người dân. Trong trường hợp này, công ty “mẹ” phải gánh cái khó về cho mình. 

Thành lập phòng giảm thất thoát nước 

* Theo yêu cầu của lãnh đạo Thành ủy, đến năm 2020, Sawaco phải kéo giảm tỷ lệ thất thoát nước về dưới 10%, trong khi hiện nay trung bình mỗi năm Sawaco chỉ kéo giảm tỷ lệ này được 2%. Với tỷ lệ thất thoát nước hiện nay ở mức 28%, liệu Sawaco có hoàn thành được mục tiêu? 

* Kéo giảm tỷ lệ nước thất thoát là một trong những nhiệm vụ được đặt ra hàng đầu đối với ngành cấp nước. Công việc này được ngành thực hiện thường xuyên. Trong các năm qua, có một số đơn vị đã thực hiện có hiệu quả việc này. Năm 2017, Sawaco đề ra mục tiêu kéo giảm tỷ lệ thất thoát nước 4% - 5%. Như vậy, tỷ lệ này sẽ kéo giảm còn 24% bằng nhiều giải pháp công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, kết quả vừa qua đạt được chưa như mong đợi. Do vậy, sau buổi lãnh việc với lãnh đạo Thành ủy vừa rồi, Đảng ủy, Hội đồng thành viên và ban Tổng Giám đốc Sawaco đã thống nhất quyết định mang tính đột phá trong lãnh đạo về tổ chức, bộ máy; đó là củng cố ban lãnh đạo Xí nghiệp Cấp nước nông thôn bằng cách điều động một đồng chí đảng ủy viên về lãnh đạo đơn vị này để vừa làm nhiệm vụ chống thất thoát nước vừa củng cố phát triển hoạt động cấp nước của Sawaco ở khu vực ngoại thành. Đồng thời, Sawaco lập Phòng Giảm thất thoát nước và điều động một đồng chí lãnh đạo một đơn vị có kinh nghiệm về công tác chống thất thoát nước để trực tiếp lãnh đạo phòng thực hiện công việc này. Chúng tôi nghĩ phải làm quyết liệt như vậy mới có thể mang lại kết quả tốt.                    

* Đối với yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào khâu sản xuất nước, lãnh đạo TPHCM cũng yêu cầu Sawaco phải xây dựng phòng thí nghiệm hiện đại tại các nhà máy sản xuất nước sạch. Công việc này đã được thực hiện đến đâu, thưa ông? 

* Đến thời điểm này, Sawaco đã hoàn tất việc nâng cao chất lượng hoạt động kiểm nghiệm chất lượng nước tại các nhà máy. Có thể nói, hoạt động kiểm nghiệm chất lượng nước tại các nhà máy sản xuất nước của Sawaco rất hiện đại, đạt tầm khu vực. 

* Xin cảm ơn ông!
TPHCM: Không thiếu nước sạch trong mùa khô

Theo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), mùa khô năm 2017 đến trễ và có mưa nên tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn diễn ra không gay gắt như năm 2016 và thuận lợi hơn trong công tác cấp nước sạch cho người dân TPHCM. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho hoạt động cấp nước, Sawaco đã sẵn sàng thực hiện các biện pháp để đảm bảo nguồn nước cấp được ổn định, liên tục cho người dân. Cụ thể, để ứng phó tình trạng gia tăng tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có hiện tượng xâm nhập mặn vào mùa khô hàng năm, Sawaco đã chủ động các giải pháp: phối hợp với cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến của nguồn nước (dự báo mực nước triều, độ mặn nước sông…), phối hợp với các đơn vị quản lý hồ đầu nguồn (hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An) để xả nước đẩy mặn kịp thời.

Về lâu dài, Sawaco xây dựng và báo cáo UBND TPHCM các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu: xây dựng hồ trữ nước thô; lấy nước thô trực tiếp từ hồ đầu nguồn; xây dựng đập ngăn mặn. Các giải pháp nâng cao năng lực dự phòng và cung cấp nước sạch, gồm nâng cao dung tích bể chứa nước sạch tại các nhà máy nước; xây dựng các bể chứa phân phối quy mô lớn trên mạng lưới cấp nước; cải tiến công nghệ xử lý nước; cải tạo chuyển đổi thủy đài hiện hữu thành các bể chứa ngầm; cấp nước bổ sung hoặc trong các tình huống khẩn cấp thông qua các giếng khai thác nước ngầm trên địa bàn TP. 

Bên cạnh đó, Sawaco cũng chuẩn bị sẵn sàng các phương án cấp nước trong điều kiện khẩn cấp khi xảy ra sự cố đối với nguồn nước như cấp nước thông qua hệ thống giếng nước ngầm trên địa bàn TP, cấp nước bằng xe bồn, bồn chứa tập trung, các module xử lý di động để hạn chế gián đoạn cấp nước, đồng thời điều phối chế độ vận hành của các nhà máy nước phù hợp để đảm bảo cấp nước liên tục cho khu vực phục vụ.

Được biết, sản lượng nước sạch do Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn sản xuất hiện nay còn dư khoảng 500.000m³/ngày. 
THẢO VY

Tin cùng chuyên mục