Thị trường carbon - Động lực xây dựng một Việt Nam xanh

Ngày 20-4, Báo Tuổi Trẻ phối hợp Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN-MT), Liên minh tái chế bao bì Việt Nam tổ chức Hội thảo "Thị trường carbon - Động lực xây dựng Việt Nam xanh".

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Tại hội thảo, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM cho biết, triển khai Nghị quyết số 98, TPHCM cũng đang triển khai hai dự án tiềm năng tạo tín chỉ carbon, đó là dự án Thay thế đèn đường LED và dự án Lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà công sở.

20240420_083638.jpg
Các chuyên gia, khách mời tham gia hội thảo

Việc thí điểm thị trường tín chỉ cacbon thể hiện cam kết của TPHCM trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của thành phố; giúp chính quyền, doanh nghiệp và người dân tiết kiệm năng lượng, mở rộng sử dụng năng lượng tái tạo.

Đồng thời, giúp thành phố thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án xanh tại TPHCM, tạo ra việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo ông Tô Xuân Phúc, Giám đốc Chương trình Chính sách thương mại và Tài chính lâm nghiệp, với tổng diện tích 14,7 triệu ha, Việt Nam có tiềm năng huy động một nguồn tài chính từ các dự án carbon lâm nghiệp để bảo vệ và phát triển rừng.

Một số tính toán cho thấy, mỗi năm rừng của Việt Nam có thể hấp thụ khoảng gần 70 triệu tấn carbon. Chính phủ Việt Nam đang tham gia thị trường carbon bắt buộc, với cam kết giảm phát thải khu vực Bắc Trung bộ, đổi lại là việc cung cấp 10,3 triệu tấn carbon và khoản chi trả 51,5 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới.

Chính phủ cũng đang đàm phán với Liên minh giảm phát thải (LEAF) và dự kiến trong tương lai sẽ huy động được một nguồn tài chính tương đương từ LEAF, thông qua hoạt động bảo vệ rừng ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ.

Rừng của Việt Nam cũng có tiềm năng huy động được nguồn tài chính thông qua thị trường carbon tự nguyện. Hiện mối quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước với các dự án carbon lâm nghiệp rất lớn. Tuy nhiên, Chính phủ hiện chưa có các chính sách hướng dẫn về loại hình đầu tư này.

Theo ông Phúc, Chính phủ nên cân nhắc ban hành các cơ chế chính sách trong thời gian sớm, để kích hoạt các dự án carbon lâm nghiệp, nhằm đáp ứng cả thị trường bắt buộc và tự nguyện.

Hiệu quả của các cơ chế, chính sách không chỉ phụ thuộc vào việc huy động kinh phí mà còn phụ thuộc vào nguồn kinh phí này được sử dụng ra sao để có thể tối đa hóa hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Xác định quyền carbon, lợi ích và chia sẻ lợi ích từ carbon đóng vai trò quan trọng. Việc tối đa hóa hiệu quả cần đặt người dân và cộng đồng là những người sống gần với rừng nhất vào vị trí trung tâm trong việc hưởng lợi từ carbon trong tương lai.

20240420_082010.jpg
Doanh nghiệp trưng bày sản phẩm tái chế tại hội thảo

Tại hội thảo, ban tổ chức cũng đã công bố dự án Việt Nam Xanh, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; khuyến khích các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp áp dụng các giải pháp sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường. Song song, biểu dương, lan tỏa những cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có mô hình, sản phẩm hướng đến phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục