Cần thiết quy định trang phục nơi công sở

UBND TP Cần Thơ vừa ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp khối nhà nước của thành phố. Đáng chú ý là quy định không được mặt quần jean, áo thun khi làm việc tại công sở.  
Nhân viên UBND phường Hiệp Bình Chánh (mặc áo dài) giải quyết hồ sơ cho người dân. Ảnh: KIM NGÂN
Nhân viên UBND phường Hiệp Bình Chánh (mặc áo dài) giải quyết hồ sơ cho người dân. Ảnh: KIM NGÂN
Theo đó, quy định về trang phục làm việc nơi công sở (đối với trường hợp không có quy định đồng phục riêng của ngành) như nam cán bộ, công chức mặc áo sơ mi, quần tây (cho áo vào quần), sử dụng giày hoặc dép có quai hậu; nữ cán bộ, công chức mặc áo sơ mi, quần tây, áo dài, váy, đầm công sở… Đặc biệt, cả nam và nữ không mặc quần jean, áo thun các loại. Quy tắc này vừa được ban hành đã vấp phải nhiều tranh cãi của dư luận cả nước, người ủng hộ có, người phản đối có.
Thực tế, trên thế giới, việc cấm mặc quần jean đi làm không phải là mới. Ở các nước như Mỹ, Nhật, Anh, Singapore… từ lâu đã không cho phép dân công sở, giáo viên hay nhân viên văn phòng ở các doanh nghiệp mặc quần jean đi làm. Theo quan niệm của họ, quần jean từ xa xưa vốn là trang phục dành cho tầng lớp nông dân, người chăn bò, sống du canh du cư, vì vậy khi mặc quần jean đi làm là không mang tính chất công sở, chưa thể hiện tính chuyên nghiệp, hiện đại ở nơi làm việc. Từ quan niệm này, nhiều nơi mặc định rằng quần jean là trang phục của người lao động làm việc trong các trang trại hoặc chỉ mặc đi chơi. Ngay cả các công ty nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam cũng không cho phép nhân viên của mình mặc quần jean, áo thun đi làm.
Tại Việt Nam, vào tháng 10-2014, Trường Đại học Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long) cũng đã ban hành quy chế cấm giảng viên và sinh viên mặc quần jean, áo thun tới trường. Ngay lập tức, quy chế này vấp phải sự phản đối của sinh viên và đến nay dường như rơi vào quên lãng. Chính vì được thoải mái mặc trang phục khi đi làm đã hình thành thói quen qua loa, đại khái trong việc ăn mặc. Nhiều người vô tư mặc trang phục đi chơi để đến nơi làm việc, trường học, gây phản cảm cho người đối diện. Đặc biệt là cán bộ, công chức trẻ, vẫn còn tình trạng mặc trang phục hở hang như váy ngắn, quần bó sát, quần jean rách, quần lưng trễ, áo thun khoét cổ sâu, áo sát nách, tóc nhiều màu, trang điểm quá đậm, sơn móng loè loẹt, đi dép xỏ ngón, dép lê… đi làm. 
Với thực tế trên, quy định quần áo công sở, nhất là đối với cán bộ, công chức của UBND TP Cần Thơ là điều cần thiết. Quy tắc này nhằm giúp cán bộ, công chức chú ý hơn về trang phục khi tiếp xúc với dân, thể hiện thái độ tôn trọng người đối diện, tăng tính nghiêm túc khi làm việc và cũng là cách để phân biệt người đi làm và người đi chơi. Mặt khác, khi cán bộ, công chức ăn mặc lịch sự, trang trọng thì người dân đến liên hệ làm việc cũng bớt xuề xòa, đại khái, góp phần tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, văn minh công sở.
Anh Nguyễn Song Toàn (nhân viên một công ty cổ phần tại quận Phú Nhuận) cho rằng không nhất thiết phải áp dụng cứng nhắc quy định cấm mặc quần jean, áo thun, nhưng có thể quy định màu sắc quần như màu đen hoặc xanh đậm, áo thun có cổ, kín đáo, lịch sự. Bởi cái cần thay đổi sớm nhất, ráo riết nhất là thái độ phục vụ và hiệu quả công việc của cán bộ, công chức.

Tin cùng chuyên mục