Chiến lược lâu dài cho giáo dục đại học Việt Nam

Chiến lược lâu dài cho giáo dục đại học Việt Nam

Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay xem ra có nhiều cái mới. Cái mới dễ nhận thấy nhất đó là kỷ luật phòng thi được siết chặt, quy chế tuyển sinh cũng có nhiều điểm mới. Tuy nhiên, phương thức xét tuyển thì vẫn... cũ. Những cái mới của năm nay phần lớn chỉ mang tính kỹ thuật chứ chưa có sự đột phá nào.

Chiến lược lâu dài cho giáo dục đại học Việt Nam ảnh 1

Thí sinh thi vào ĐH Y Dược TPHCM trong giờ thi môn Sinh tại Hội đồng thi trường PTTH BC Lương Thế Vinh, Q1. Ảnh: MAI HẢI.

Năm nay đã là năm thứ tư Bộ GD-ĐT thực hiện cải tiến tuyển sinh ĐH, CĐ nhưng các quy định về tuyển sinh vẫn liên tục được sửa chữa, bổ sung. Điều này cho thấy cách làm lâu nay của Bộ chủ yếu mang tính tạm thời, sai đâu sửa đó chứ chưa có một chiến lược ổn định lâu dài. Với những sửa chữa vụn vặt này, Bộ đã gây cho thí sinh và xã hội không ít hoang mang.

Thật ra, đã có rất nhiều ý kiến đóng góp về phương thức tổ chức thi ĐH, CĐ, kể cả hình thức thi nhưng dường như Bộ GD-ĐT không quan tâm lắm. Có lẽ không đâu có kỳ thi rầm rộ và tốn kém như ở nước ta. Tính ưu việt của hình thức thi trắc nghiệm được cả thế giới chứng minh vậy mà cho đến nay, Bộ vẫn còn chần chừ chưa cho áp dụng. Dự kiến của Bộ, trong kỳ thi tuyển sinh năm 2005 này sẽ áp dụng phương thức thi trắc nghiệm khách quan môn ngoại ngữ song vẫn chưa thực hiện được, phải dời lại năm sau.

Mỗi mùa thi lại có những điểm cần sửa chữa, bổ sung. Vậy đến bao giờ mới có được sự ổn định lâu dài cho kỳ thi quan trọng này? Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long đã “cam kết”: năm 2008.

Tuyển sinh ĐH, CĐ là kỳ thi vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển con người cho quốc gia nên nó phải được hoạch định cẩn thận và phải mang tính ổn định lâu dài. Những người làm công tác quản lý giáo dục cần phải có tầm nhìn chiến lược cỡ 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa, chứ không phải mỗi năm mỗi thay đổi như hiện nay. Mong thay!

TRẦN KIỀU QUANG

Tin cùng chuyên mục