Chính sách tự do tôn giáo của Việt Nam ngày càng được mở rộng

Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Công giáo dưới 5%

Bên lề hội nghị toàn thể Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, linh mục Phan Khắc Từ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã nhấn mạnh với PV Báo SGGP về chính sách tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta cũng như biểu thị thái độ kiên quyết đối với những hành vi lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch.

- Phóng viên: Thưa linh mục, là một chức sắc tôn giáo, hơn ai hết linh mục hiểu rất rõ về chính sách tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta?

Linh mục PHAN KHẮC TỪ: Tôi thấy chính sách tự do tôn giáo của Việt Nam ngày càng được mở rộng. Sự tôn trọng các hoạt động tôn giáo ngày càng rộng rãi hơn. Những sinh hoạt bình thường trong giáo hội như phong chức, tổ chức các hoạt động trong giáo xứ cũng như giáo phận rất thoải mái. Điều khiến chúng tôi hết sức cảm động là năm 2007, Thủ tướng nước ta đã sang Roma gặp Đức Giáo hoàng. Những vị nguyên thủ đã gặp gỡ, trao đổi, xác định mối quan hệ ngoại giao với Tòa thánh, tức là sẵn sàng tạo điều kiện cho Công giáo cũng như các tôn giáo khác được sống với niềm tin của mình một cách thoải mái, đúng đắn trong đòi hỏi về quyền tự do tôn giáo. Cuối năm 2009 vừa qua, Chủ tịch nước cũng đã gặp Đức Thánh cha. Những vị lãnh đạo cao nhất của đất nước cũng như của Vatican đã đàm đạo, trao đổi với nhau. Chính trong bối cảnh đó Đức Thánh cha Benedict XVI đã có những phát biểu động viên người Công giáo với nội dung người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt đồng thời nhắc lại trách nhiệm của người Công giáo hãy dấn thân phục vụ cho xã hội, cho đồng bào và cho dân tộc của mình. Tôi nghĩ, chính bản thân Đức Thánh cha đã cảm thấy ở đất nước Việt Nam tôn trọng quyền tự do tôn giáo, nên đã có những lời động viên mạnh mẽ như vậy.

Chúng tôi rất tin ở quyền tự do tôn giáo ngày càng được xác định một cách mạnh mẽ, từ đó cũng trở thành một động lực giúp cho đồng bào Công giáo Việt Nam ngày càng dấn thân, góp phần phục vụ cho Tổ quốc, cho dân tộc, đồng bào của mình.

- Linh mục có suy nghĩ gì về việc các thế lực thù địch đã có nhiều hành vi lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc?

Tôi cho rằng các thế lực thù địch ở bên ngoài không muốn chúng ta được yên, muốn tạo nên sự chia rẽ trong dân tộc, nên đã lợi dụng mọi cơ hội để kích động những người dân, nhất là những người dân có đạo ở đất nước Việt Nam. Họ lợi dụng những cơ hội nào đó, những kẽ hở nào đó để dựng lên chuyện đất nước này không có tự do tôn giáo. Đó là điều hoàn toàn không đúng sự thật.

Tôi nghĩ, một mặt Nhà nước cũng như các tổ chức xã hội tiếp tục giúp đỡ để cho mọi người hiểu về chính sách tôn giáo và mọi người dân phải sống, làm việc theo pháp luật. Khi ai đó làm trái pháp luật và bị pháp luật can thiệp thì lại nhân danh tôn giáo để phản đối, điều đó là hoàn toàn sai và cần được xử lý nghiêm.

- Hoạt động năm 2010 của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam sẽ tập trung vào các trọng tâm nào để thúc đẩy phong trào yêu nước của đồng bào Công giáo?

Năm 2010 là năm hết sức quan trọng của đất nước cũng như đối với Giáo hội Việt Nam với những mốc son của dân tộc như 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, 80 năm thành lập Đảng CSVN... Phía Công giáo sẽ kỷ niệm 50 năm thành lập Hội đồng Giám mục Việt Nam, 30 năm thực hiện Thư chung năm 1980... Thư chung năm 1980 quan trọng vì đã xác định người Công giáo gắn bó với dân tộc. Vì vậy, trong năm đặc biệt quan trọng này, chúng tôi sẽ có 2 hoạt động quan trọng: Hội thảo về tinh thần của Thư chung năm 1980 để tiếp tục đào sâu và phát huy ý nghĩa của Thư chung để người Công giáo Việt Nam ngày càng gắn bó khăng khít với dân tộc, với Tổ quốc. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức hội nghị tiên tiến xuất sắc toàn quốc để thấy rõ hơn thành quả của Thư chung, thấy rõ những người Công giáo đã dấn thân phục vụ trong các lĩnh vực của xã hội và đã đạt những thành tích cao.

- Xin cảm ơn linh mục!

Lâm Nguyên

Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Công giáo dưới 5%

Ngày 13-1, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị toàn thể Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam lần thứ 2, nhiệm kỳ V (2003 - 2008).

Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo và hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam năm 2009 cho biết, trên lĩnh vực lao động sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp - một lĩnh vực có đông đồng bào Công giáo tham gia, bà con đã khắc phục khó khăn để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đem lại mùa màng bội thu.

Trong lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp, đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ của người Công giáo cũng đã hoạt động tốt, nhờ đó ở nhiều địa phương, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Công giáo chỉ còn dưới 5%, có nơi chỉ 2,5%. Đặc biệt phong trào từ thiện xã hội được người Công giáo tiếp tục phát huy, chỉ tính riêng tiền đóng góp của giới Công giáo vào quỹ vì người nghèo đã lên tới hơn 200 tỷ đồng.

Về phương hướng nhiệm vụ hoạt động năm 2010, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; sống tốt đời đẹp đạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước; đẩy mạnh các hoạt động xã hội từ thiện...

Tại hội nghị, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã công bố quyết định thành lập Ban tư vấn pháp luật và Ban từ thiện xã hội của ủy ban. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cũng đã có tờ trình về tặng kỷ niệm chương “Đồng hành cùng dân tộc” nhằm ghi công các linh mục, tu sĩ, giáo dân tiêu biểu và những người đã có cống hiến cho phong trào yêu nước của người Công giáo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nh.Hà

Tin cùng chuyên mục