Giá cả và chính sách

Như vậy là lời hứa của Chính phủ về chính sách hỗ trợ dân nghèo sau đợt tăng giá xăng dầu giữa lúc lạm phát tăng ngoài dự đoán bước đầu đã thành hiện thực.

Thông qua Quyết định số 289 ngày 18-3, từ nay đến 2010 ngư dân sẽ được giúp vốn thay máy hoặc mua mới, đóng mới tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản với mức từ 10 đến 70 triệu đồng/máy(tàu)/năm, được hỗ trợ 30% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên. Ngoài ra, chủ tàu còn được hỗ trợ về dầu mỗi năm từ 3 đến 5 lần, mỗi lần từ 3 đến 8 triệu đồng, phục vụ cho việc đánh bắt hoặc cung ứng dịch vụ khai thác hải sản.

Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách và hộ nghèo ở những nơi chưa có điện lưới được hỗ trợ số tiền tương đương 5 lít dầu hỏa/năm; người nghèo được tăng mức hỗ trợ mua bảo hiểm y tế từ 80.000 đồng/người/năm lên 130.000 đồng/người/năm; các thành viên thuộc hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện cũng được hỗ trợ 50% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế.

Quyết định kịp thời trên rõ ràng là một tin vui, làm ấm lòng người nghèo trong bối cảnh “cơm sôi lửa bỏng” của vật giá hiện nay. Với ngư dân, hành trình ra biển của họ giờ đây sẽ bớt chòng chành. Với đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo vùng sâu vùng xa, những đêm sắp tới sẽ bớt tối hơn…

Trước những biến động trong nước và tác động từ quốc tế, mặc dù Chính phủ đã có nhiều cố gắng, song những giải pháp quản lý giá như vừa qua còn mang tính “hớt ngọn”, thiếu chủ động và đồng bộ. Không ai phản đối việc tăng giá xăng dầu khi giá dầu thế giới liên tục tăng. Nhưng không thể cứ bị động “chạy” theo một cách thiếu tính toán, để rồi hậu quả là đến nay, mặt bằng giá cả tiếp tục bước lên nấc thang mới, hoạt động sản xuất kinh doanh rơi vào đình đốn, nhiều nguy cơ khó lường cho nền kinh tế và cả xã hội đang chực chờ phía trước.

Với tình hình hiện nay, việc đảm bảo tốc độ tăng trưởng trên 8,5% và kiềm chế lạm phát dưới mức này mà Quốc hội đề ra rõ ràng là quá sức đối với Chính phủ. Song, không vì thế mà chúng ta bi quan rồi tiếp tục rơi vào lúng túng.

Theo các chuyên gia, việc Chính phủ tập trung thắt chặt chi tiêu công, chỉnh đốn các dự án để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư là vô cùng đúng đắn. Tuy nhiên, để chống lạm phát hiệu quả, nói như Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong trên một tờ báo, chúng ta phải tuân thủ đúng yêu cầu, quy trình của kinh tế thị trường.

Đó là phải tạo ra sự cạnh tranh đầy đủ và lành mạnh trong việc cung cấp các sản phẩm và nguyên, nhiên liệu đầu vào thiết yếu của nền kinh tế, trước khi bãi bỏ sự kiểm soát hành chính về giá cả, vì nếu không sẽ rất dễ tạo ra sự lạm dụng và độc quyền. Ngoài ra, phải coi trọng đúng mức và phân biệt rạch ròi giữa yêu cầu dự báo giá cả (khách quan) với mục tiêu của chính sách (chủ quan).

Phạm Phương Đông

Tin cùng chuyên mục