Chất lượng đội ngũ cán bộ - Yếu tố quyết định năng lực lãnh đạo của Đảng (*)

Chất lượng đội ngũ cán bộ - Yếu tố quyết định năng lực lãnh đạo của Đảng (*)

(Trích Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX  tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng)

LTS: Tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, đồng chí Phan Diễn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã đọc Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX.

Báo cáo đã kiểm điểm nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; kiểm điểm về đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách và lề lối làm việc... Báo SGGP xin trích đăng báo cáo này.

Chất lượng đội ngũ cán bộ - Yếu tố quyết định năng lực lãnh đạo của Đảng (*) ảnh 1

Đồng chí Phan Diễn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư

Nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước diễn biến phức tạp, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới; sớm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội IX của Đảng; vừa bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, vừa tập trung hơn cho những ngành, lĩnh vực và địa bàn trọng tâm, trọng điểm; coi trọng hơn công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội IX và các nghị quyết của Trung ương; đã xử lý đúng đắn, kịp thời nhiều vấn đề nhạy cảm, phức tạp; đẩy mạnh được đà phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, củng cố được quốc phòng, an ninh, tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao được vị thế và uy tín quốc tế của đất nước; chăm lo công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, nhất là cơ sở; tiếp tục phát huy dân chủ trong Đảng và trong nhân dân, giữ gìn kỷ cương trong Đảng và trong xã hội. Nhìn chung, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa IX đã lãnh đạo hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ do Nghị quyết Đại hội IX đề ra.

Tuy nhiên, trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư còn một số khuyết điểm, hạn chế: việc quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng vẫn là khâu yếu; chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để khắc phục một số khuyết điểm, yếu kém kéo dài trong kinh tế - xã hội; lãnh đạo cải cách tổ chức và hoạt động của Nhà nước, cải cách hành chính còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra; lãnh đạo, chỉ đạo quốc phòng, an ninh, đối ngoại có lúc, có việc còn bị động, lúng túng; chưa tập trung đúng mức để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét trong xây dựng, đổi mới, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là trong đấu tranh phòng, chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; còn ít đổi mới, cải tiến phương thức lãnh đạo và lề lối làm việc, v.v…

Những khuyết điểm, thiếu sót nói trên đã hạn chế hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo chung của Đảng, ảnh hưởng nhất định tới tình hình chung của đất nước.

Ban Chấp hành Trung ương, trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin nghiêm túc tự phê bình trước toàn Đảng, toàn dân về những khuyết điểm, thiếu sót nói trên.

Từ thực tiễn lãnh đạo chỉ đạo nhiệm kỳ vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương thấy rằng, để lãnh đạo thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong thời gian tới cần phải coi trọng và tập trung giải quyết tốt những vấn đề hết sức quan trọng sau đây:

Một là, trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh, kinh tế khu vực và thế giới luôn biến động hết sức nhanh chóng, phức tạp, tình hình trong nước đang đặt ra nhiều vấn đề mới, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng; tăng cường cảnh giác và nâng cao ý thức đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng; tăng cường đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh, Điều lệ, đường lối, nguyên tắc hoạt động của Đảng; thật sự coi trọng hơn nữa công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, có kế hoạch tự học tập, nâng cao năng lực nhận thức để tiếp tục tìm tòi, xuất phát từ thực tiễn, nhạy bén với cái mới, đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới, tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện đồng bộ để giành được những thành tựu mới to lớn, vững chắc hơn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, việc đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị trong điều kiện một Đảng lãnh đạo, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, có vị trí đặc biệt quan trọng đòi hỏi Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải dành thời gian và tâm sức nhiều hơn nữa, thỏa đáng hơn nữa cho những nhiệm vụ này; phải rất coi trọng việc xây dựng và thực hiện đúng quy chế làm việc, đề cao và phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng và trong đời sống xã hội đi đôi với tăng cường trách nhiệm, thực hiện nghiêm kỷ luật của Đảng và kỷ cương phép nước.

Không ngừng đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo, từng bước quy chế hóa sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; đồng thời tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, đổi mới và kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước và cả hệ thống chính trị.
 
Ba là, để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, vấn đề có tính chất quyết định là xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, tiêu biểu về trí tuệ, năng động, sáng tạo, có phẩm chất đạo đức cách mạng, có trách nhiệm, luôn gắn bó với nhân dân, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của nhân dân.

Muốn vậy, phải tiếp tục đổi mới công tác cán bộ cả về tư duy, nội dung và phương pháp; đổi mới đồng bộ hệ thống các quy chế cụ thể về đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm để bố trí đúng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn tài năng ở tất cả các ngành, các cấp, các lĩnh vực.

Phải giao nhiệm vụ rõ ràng và quyền hạn tương ứng cho từng chức danh; xây dựng cho được cơ chế cụ thể về trách nhiệm của cán bộ đối với công việc được giao, xử lý kịp thời việc biểu dương, khen thưởng, cũng như việc phê bình, kỷ luật, thay thế những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, để công việc trì trệ hoặc có sai phạm, khuyết điểm.

Trong điều kiện Đảng cầm quyền, công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác cán bộ nói riêng, phải tiến hành thường xuyên và kiên trì cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi bằng được các tệ nạn này.
 
Bốn là, sau khi có đường lối đúng, sự nghiệp đổi mới có thành công hay không phụ thuộc một phần lớn vào năng lực tổ chức thực hiện của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, của các cấp, các ngành.

Thời gian qua, tuy vấn đề này đã được coi trọng hơn trước, nhưng vẫn là khâu yếu, có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết đúng đắn của Đảng.

Trong đó, đáng lưu ý nhất là tình trạng thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh; kỷ luật không nghiêm; chưa phát huy đúng mức quyền hạn và trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Vì vậy, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa X và cấp ủy các cấp cần đặc biệt coi trọng và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng và phát triển đường lối của Đảng thông qua tổng kết thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

* Đầu đề do Báo SGGP đặt.

Thông tin liên quan:

Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng

Diễn văn khai mạc Đại hội X

Tin cùng chuyên mục