Kỷ niệm 118 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2008): Làng 19 tháng 5

Anh hùng từ ngày đầu lập làng
Kỷ niệm 118 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2008): Làng 19 tháng 5

Mảnh làng đó nằm trên triền cát chạy theo bờ bãi của vịnh Hòn La, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Thế hệ đầu tiên định cư đặt tên làng là “19 tháng 5” không chỉ để kỷ niệm ngày thành lập làng (19-5-1960), mà nó còn có ý nghĩa to lớn hơn là mỗi một người dân của làng phải sống xứng đáng với tên làng, với ngày sinh của Bác Hồ kính yêu.

Anh hùng từ ngày đầu lập làng

Năm 1960, thực hiện chủ trương của trên, hơn 50 hộ dân của các xã Cảnh Dương, Quảng Tùng (Quảng Trạch) tình nguyện ra vùng đất dưới chân núi Đèo Ngang, xã Quảng Đông lập làng mới mang tên “19 tháng 5”. Một trong những người khai khẩn làng, cụ Phạm Đình Kế (92 tuổi) kể: “Ngày đó tui là Đảng ủy viên xã Cảnh Dương, được phân công dẫn dắt dân làng khai hoang vùng cát ven vịnh Hòn La. Vùng đất này ngày đó hoang vu, hùm beo trên núi ngày mô cũng ra dọa người. Ai cũng sợ nhưng người mô cũng tự hào vì tên làng duy nhất ở nước Nam mang ngày sinh Bác Hồ. Thế nên các hộ dân ở lại, siêng năng chăm chút cuộc sống.

Kỷ niệm 118 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2008): Làng 19 tháng 5 ảnh 1

Những chàng trai làng “19 tháng 5” đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ.

Người làng “19 tháng 5” đã bám làng, chiến đấu hiển hách trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Trong vòng 3 tháng giữa năm 1968, dân làng anh dũng bắn rơi 3 máy bay của giặc Mỹ, trong đó có 1 chiếc được ghi công đầu cho Đội thiếu sinh quân của làng.

Ông Đậu Văn Kế, Đội trưởng đội thiếu sinh quân kể lại: “Bây chừ ai cũng gần 60 tuổi, hồi đó bọn tui có 17 người, trẻ măng, mới mười lăm, mười sáu tuổi đã ôm súng bắn rơi máy bay Mỹ. Tự hào lắm. Trong chiến tranh, người làng “19 tháng 5” còn chứng kiến một mình xã đội phó Mai Văn Quyến với khẩu AK đánh lui toán biệt kích xâm nhập. Tự hào lắm”.

Trong chiến dịch quân sự Hòn La năm 1972, tiếp nhận hàng viện trợ từ tàu Hồng Kỳ (Trung Quốc), người làng “19 tháng 5” cùng với bộ đội vượt qua muôn vàn sự dày đặc của bom từ trường, thủy lôi, bom từ máy bay, đạn từ tàu chiến của giặc để vận chuyển hàng trăm tấn gạo từ tàu Hồng Kỳ vào bờ an toàn nhằm tiếp viện cho chiến trường. Không những thế, người làng còn đưa tiễn hàng chục con em của mình lên đường ra chiến trận. Dù chiến đấu ở chiến trường nào, con dân của làng vẫn gan dạ với tinh thần của quê hương “19 tháng 5”.

Đi lên từ mái chèo trên tay

Nước nhà thống nhất, người làng “19 tháng 5” hăm hở bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, ai cũng hăng say sản xuất, cần mẫn lao động trên những trảng cát trắng ngút mắt. Cả làng thành lập một hợp tác xã, phó thôn Tạ Duy Phong kể: “Dân làng 19 tháng 5 xây dựng cuộc sống sau hòa bình khí thế lắm. Lập hợp tác xã, làm đủ nghề từ lò vôi, lò gạch, cày ruộng, cuốc khoai, vào khơi ra lộng nhưng làng làm mãi vẫn không đủ ăn do cơ chế buộc chặt. Bước vào thời kỳ đổi mới mở cửa, dân làng thi đua vay vốn để làm ăn. Từ chỗ chỉ có 2 chiếc thuyền chèo tay, nay có hơn 100 thuyền máy, dân làng không bỏ xứ đi xa, ai cũng ở lại quê hương “19 tháng 5” cùng phấn đấu, cùng cật lực vun đắp cuộc sống.”

Hiện tại, làng “19 tháng 5” xem đánh bắt thủy hải sản ở vịnh Hòn La là thu nhập chính. Trước mặt làng là biển, những rạn san hô như tồn tại vô tận theo năm tháng đã sản sinh cho dân làng nhiều món lợi to lớn. Hiện tại, nghề thủy sản ở làng “19 tháng 5” mỗi năm thu về cho dân làng gần 10 tỷ đồng. Phó thôn Tạ Duy Phong đã nói rất hình ảnh như thế này để mô tả cuộc sống người làng hiện tại: “Dân làng đã miệt mài xây dựng quê hương đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Rứa là đúng như lời căn dặn của Bác Hồ”.

Làng “19 tháng 5” hiện có gần 200 hộ dân với gần 700 nhân khẩu nhưng nhà nào cũng có ti vi, hơn 200 xe gắn máy được mua về nhằm tiện bề đi lại và làm ăn buôn bán. Mọi người nói rằng, tất thảy dân làng đều đi lên từ mái chèo trên tay và đòn gánh trên vai. Họ bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất để cuộc sống hôm nay khấm khá hơn.

Làng “19 tháng 5” làm theo lời Bác

Khi Bộ Chính trị phát động phong trào: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ban lãnh đạo thôn “19 tháng 5” đã nhanh chóng hưởng ứng và trở thành đơn vị phát động cuộc học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ đầu tiên ở miền cát Quảng Bình. Làng chia thành 3 xóm, trưởng thôn và Bí thư chi bộ làm giám khảo cuộc thi kể chuyện Bác Hồ vào những ngày lễ trọng. Hội phụ nữ thôn, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên… của làng cũng nô nức tham gia.

Những đêm làng “19 tháng 5” thi kể chuyện Bác Hồ là dân quanh vùng gần như thức chong để nghe nhiều câu chuyện cảm động về vị cha già kính yêu. Trẻ con, người lớn, phụ nữ, phụ lão ai cũng háo hức lội cát, đến trước sân làng xem 3 xóm kể chuyện Bác Hồ. Ai cũng say sưa, ai cũng phấn khởi xem để cuộc sống cho ngày hôm sau và mãi mãi được học theo tấm gương Bác Hồ kính yêu. Ngư dân Đậu Văn Kế nói: “Làng có tên của ngày sinh Bác Hồ nên nhà mô cũng sống nền nếp, kính trên nhường dưới, đi thưa về trình.

Làng mới 48 năm thành lập, chưa là cái chi so với nhiều làng có truyền thống dặn dày hàng trăm, hàng ngàn năm, nhưng làng tui tự hào được mang tên “19 tháng 5” nên con em ai cũng sống gương mẫu hơn so với làng khác”. Đi một vòng quanh làng, nhà nào cũng trang trọng treo ảnh Bác Hồ ở gian giữa, trẻ em của làng gặp người lạ liền cúi đầu, vòng tay chào lễ phép. Không khí làng “19 tháng 5” hơn hẳn nhiều làng khác với một trầm tích tự hào hiếm có. Vậy nên người làng ai cũng nguyện sống xứng danh với tên làng mang ngày sinh của Bác Hồ.

Minh Phong

Những chiến công tháng 5

Tháng 5, nhân kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, chúng tôi tìm gặp lại một phi công nổi tiếng trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước: Anh hùng LLVT năm 1970 Đại tá Không quân Lê Hải. Năm 12 tuổi, anh theo cha tập kết ra Bắc (năm 1954), noi gương chiến đấu dũng cảm của cha. Vừa tròn 19 tuổi, anh ra nhập ngũ (năm 1961). Những ngày trong quân ngũ, Lê Hải luôn ghi nhớ lời dặn của Bác Hồ: “Tổ tiên ta ngày xưa đã có những chiến công oanh liệt trên sông, trên biển như Bạch Đằng, Hàm Tử; trên bộ như Chi Lăng, Vạn Kiếp, Đống Đa. Ngày nay ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi, trách nhiệm ấy trước hết là của các chú...”. Lời dạy ấy của Bác đã thấm sâu vào tâm trí của mỗi phi công tiêm kích, trong chiến đấu lúc nào các anh cũng nghĩ về Bác, về Đảng, về Tổ quốc và nhân dân thương yêu để mà lập nhiều chiến công, Lê Hải bồi hồi nhớ về những cuộc chiến đấu trên không năm xưa và những mất mát hy sinh của đồng đội. Anh xúc động kể về một trong những trận đánh tháng 5 của đồng đội mình:

“Hôm đó, biên đội MIG 17 do anh Bảy chỉ huy, không chiến với 6 chiếc F4 ở độ cao rất thấp tại vùng trời Sơn Động - Lục Ngạn, anh Bảy đang đuổi chiếc F4 vòng gấp, độ cao chỉ cách mặt đất 100m. Anh bám mục tiêu, nhưng vẫn cảnh giác phía sau đuôi. Một chiếc F4 bám theo phóng tên lửa, anh lật máy bay tránh thoát, tên lửa lao tới trúng vào đuôi chiếc F4 mà anh đang đuổi. Máy bay địch bốc cháy và lao xuống gần sân bay Chữ. Thế là không tốn một viên đạn nào, anh hùng Nguyễn Văn Bảy vẫn hạ ngon lành một chiếc F4. Có được kỹ thuật điêu luyện và tỉnh táo trong chiến đấu trên không và xử lý tình huống như anh Bảy là điều không dễ dàng. Sự mưu trí và dũng cảm của những con đại bàng sắt, của lực lượng không quân ta thật đáng để các thế hệ sau noi theo.

Anh hùng không quân Lê Hải ít nói về mình, anh đôn hậu, tính tình hiền lành, sống giản dị và chân thành. Hỏi anh kể về một trận đánh của mình, anh lại toàn nói về đồng đội, nói về các tướng lĩnh chỉ huy. Anh nói càng về sau ngày giải phóng, anh càng nhớ đồng đội và nhớ các anh hùng đã hy sinh lập chiến công trong tháng 5 - mừng sinh nhật Bác. Anh nhớ về anh Đinh Tôn, Vũ Đình Rạng, Lưu Huy Chao, Hoàng Ích, v.v... và nhớ nhất là Lê Sĩ Diệp đã hy sinh ở Quân khu 4.

Ngồi nghe Lê Hải kể chuyện chiến đấu của đồng đội mà không thấy anh kể trận chiến đấu nào của mình. Anh cười: “Chiến thắng là của tập thể mà”… Một câu nói đáng để mọi người suy ngẫm trong cuộc sống hôm nay.

Vũ Thị Thu

Tin cùng chuyên mục