Học thuyết Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội - Trào lưu hay quy luật tất yếu? - Bài 6: Việt Nam đầu thế kỷ 21 - Tính trường tồn của phương pháp biện chứng duy vật

Cho đến hôm nay, Việt Nam vẫn là nơi diễn ra cuộc đấu tranh giai cấp theo đúng tinh thần và nội dung mà Mác và Ăngghen đã nêu ra ngay trong chương đầu Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (Tuyên ngôn). Ngót 80 năm qua, những người cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo tinh thần của Tuyên ngôn vào đất nước mình, tạo ra cho mình sức mạnh phi thường để đập lại, để xóa đi cái “câu chuyện hoang đường về bóng ma cộng sản” - cái “bóng ma” không chỉ “ám ảnh châu Âu” hồi giữa thế kỷ 19 mà ám ảnh luôn cả các lực lượng chống đối cộng sản trên toàn thế giới thời đương đại.

Những người cộng sản Việt Nam tiếp nhận nội dung và tinh thần của Tuyên ngôn trong mối liên quan đồng đại với cả một hệ thống vấn đề mang tính toàn vẹn và biện chứng về kinh tế - chính trị; về tư tưởng - triết học của Mác và Ăngghen. Và liên quan theo chiều lịch đại, những người cộng sản Việt Nam tiếp nhận những quan điểm thuộc hệ thống vấn đề về kinh tế, chính trị, tư tưởng, triết học của Mác và Ăngghen gắn với sự phát triển thiên tài cũng về các mặt căn bản đó của Lênin.

Qua hơn 160 năm, cách mạng thế giới diễn biến theo luận thuyết của chủ nghĩa Mác - Lênin với nhiều thử thách dữ dội; ngót 80 năm cách mạng Việt Nam diễn tiến theo tư tưởng Hồ Chí Minh với chiếc kim chỉ nam tinh nhạy của chủ nghĩa Mác - Lênin, đã kinh qua muôn vàn thử thách ác liệt và mang lại thắng lợi vĩ đại không chỉ trong các lĩnh vực tư tưởng, triết học; không chỉ trong các lĩnh vực chính trị, quân sự mà còn cả trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa. Nói tới thành tựu vĩ đại đó, những người cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam phải nhớ tới Tuyên ngôn, nhớ tới những người sáng lập ra chủ nghĩa Mác.

Cùng với Tuyên ngôn, Mác và Ăngghen đã để lại cho nhân loại một kho tàng lý luận to lớn mà tài sản lý luận quý giá nhất là lý luận về phương pháp biện chứng duy vật. Lý luận về phương pháp biện chứng duy vật đã được tiếp nhận, được phát triển và vận dụng đặc biệt sáng tạo vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam gần 80 năm qua, giúp cho các nhà lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, của nhân dân Việt Nam nhận thức đúng đắn hàng loạt vấn đề của tự nhiên và của xã hội không chỉ thuộc về quá khứ mà còn thuộc về hiện tại và tương lai; vũ trang cho giai cấp vô sản Việt Nam những nhận thức đúng đắn về những quy luật khách quan của sự phát triển.

Được soi sáng từ phương pháp biện chứng duy vật, Việt Nam đã phát huy sáng tạo để tự vũ trang cho mình một hệ thống lý luận làm nền tảng cho sự thắng lợi vĩ đại của những cuộc đấu tranh ác liệt: Cách mạng Tháng Tám năm 1945, kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 - 1954 và kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975.

Đặc biệt, phương pháp biện chứng duy vật đang là chiếc kim chỉ nam dẫn đường cho người cộng sản Việt Nam, cho nhân dân Việt Nam nhận thức tất yếu một cách tỉnh táo, nhận thức các hiện tượng của hiện thực trong phát triển và trong sự tự vận động của chúng để bước đi trên những chặng đường cách mạng mới một cách vững vàng, tự tin và thích nghi nhanh với những biến đổi dữ dội của thế giới trong mấy thập kỷ gần đây, khi mà hầu hết các nước vốn thuộc phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ - sụp đổ tới cả những nơi vốn được xem là chiếc nôi của chủ nghĩa cộng sản: Liên Xô.

Một điều hết sức thú vị là từ cuối năm 2006 – thời điểm nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam với duy nhất một chính Đảng lãnh đạo là Đảng Cộng sản Việt Nam theo con đường lý luận - triết học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh – đã gia nhập WTO và vừa là chủ tịch vừa là nước chủ nhà tổ chức thành công Hội nghị APEC 2006; cùng hàng loạt những thắng lợi mang tính vĩ mô trong 3 - 4 năm tiếp theo cho đến tận cuối thập kỷ thứ nhất của thế kỷ 21 này.

Từ cách phân tích, lý giải của Mác và Ăngghen trong nội dung của Tuyên ngôn, trong lý luận về phương pháp biện chứng duy vật và trong toàn bộ kho tàng lý luận đồ sộ của hai ông, chúng ta ý thức rất rõ rằng: Những người cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đang trong quá trình thực hiện để hướng tới mục đích mà Tuyên ngôn đã chỉ ra. Quá trình đó còn tiếp diễn hết sức phức tạp, gay go và vô cùng ác liệt. Ngay trước mắt chúng ta còn không biết bao nhiêu khó khăn, thử thách: Làm thế nào để tỏ thái độ thật đúng đắn, thật chính xác trong cách giải quyết các mâu thuẫn lớn của thế giới đương đại thuộc lĩnh vực chiến tranh - hòa bình; thuộc các mối quan hệ tôn giáo, dân tộc...

Làm thế nào để hòa nhập với thế giới đang có vẻ như là đã được đổi mới thích hợp với chúng ta, mà không bị hòa tan. Làm thế nào để tạo được sự thống nhất, dù là tương đối, về mặt quan điểm, quan niệm; về đường lối chiến lược, sách lược, chiến thuật của chúng ta trong các giai đoạn cách mạng mới...

Làm thế nào để tạo được sự nhất trí, đồng tình, đồng thuận trong Đảng Cộng sản và trong nội bộ nhân dân để chống cho bằng được các âm mưu và những hành vi “diễn biến hòa bình” từ phía chống đối Việt Nam một cách cực đoan đang cố sức hoạt động chia rẽ dân tộc, mưu toan hạ bệ các thần tượng cách mạng, xóa bỏ thành tựu kháng chiến, cổ vũ cho mưu đồ thực hiện đa đảng, đa nguyên.

Làm thế nào để chống cho bằng được những mưu đồ kích động các mâu thuẫn vi mô để hòng xóa nhòa hoặc vô hiệu hóa những thành tựu đoàn kết, liên kết giữa Việt Nam và quốc tế mang tính vĩ mô và đã trở thành truyền thống trên các nguyên tắc phù hợp với những nguyên lý cộng sản chủ nghĩa...

Từ Việt Nam hôm nay, chúng ta nói với Mác mà thực ra là tự nói với chúng ta, nói với thế giới đương đại về những thành tựu vĩ đại, đồng thời cũng phải nói lên những khó khăn chất chồng như vậy để khẳng định một điều rất đáng mừng chung là: Chúng ta - những người cộng sản Việt Nam, trước sau như một, nhìn nhận mọi vấn đề của thế giới, của dân tộc theo quan điểm của phương pháp biện chứng duy vật.

Đón xem bài 7: Chủ nghĩa Cộng sản sau hơn 160 năm tồn tại và phát triển

Trần Trọng Đăng Đàn
(Nhà nghiên cứu khoa học xã hội)

Thông tin liên quan

- Bài 1: Những nạn nhân của cuộc khủng hoảng hay của nền kinh tế tư bản?

- Bài 2: CNXH hay CNTB tử tế?

- Bài 3: CNXH thế kỷ 21 là cần thiết

- Bài 4: Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21 - Sự trỗi dậy của châu Mỹ Latinh

- Bài 5: Nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin vì sự phát triển quốc gia

- Bài 7: Chủ nghĩa cộng sản sau hơn 160 năm tồn tại và phát triển

Tin cùng chuyên mục