Học thuyết Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội: Trào lưu hay quy luật tất yếu? - Bài 1: Những nạn nhân của cuộc khủng hoảng hay của nền kinh tế tư bản?

LTS:
Học thuyết Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội: Trào lưu hay quy luật tất yếu? - Bài 1: Những nạn nhân của cuộc khủng hoảng hay của nền kinh tế tư bản?

LTS: Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, sau khi Liên Xô tan rã và hệ thống các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch chống chủ nghĩa xã hội hoan hỉ cho rằng chủ nghĩa xã hội (CNXH) đã “tới hồi cáo chung”, các chính thể cộng sản sắp bị “xóa sổ vĩnh viễn”. Từ đó, người ta đặt vấn đề hoài nghi - thậm chí phủ nhận - cơ sở khoa học và thực tiễn của học thuyết Mác – Lênin và CNXH.

Thế nhưng, trong những năm cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, với sự trở lại cầm quyền của các phong trào cánh tả và quyết tâm xây dựng đất nước theo đường lối xã hội chủ nghĩa, với cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính quy mô toàn cầu khiến hàng chục triệu người lao động trong các nước vốn là thành trì của chủ nghĩa tư bản (CNTB) bị thất nghiệp, bị đẩy ra đường, lại có luồng ý kiến trái ngược: CNXH đang hồi phục!

Vậy học thuyết Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội là trào lưu nhất thời hay quy luật phát triển tất yếu của xã hội loài người? Báo SGGP từ hôm nay sẽ đăng các bài viết của các học giả, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội như là những ý kiến trao đổi nhằm góp phần làm sáng tỏ vấn đề trên. Mời bạn đọc đón đọc.

Trong khi giới đầu tư hoan nghênh nhiệt liệt động thái của các chính phủ như Mỹ, Nhật Bản… đã bơm thêm tiền vào nền kinh tế để cứu vãn các tập đoàn lớn, các ngân hàng hàng đầu, thì người lao động ở các nước này lại đang băn khoăn: Liệu có thể đồng ý để chính phủ lấy tiền thuế của dân cứu trợ các tập đoàn lớn, trong khi ông chủ các tập đoàn này đã được hưởng hàng triệu đô la tiền thưởng và đẩy nền kinh tế thế giới đi đến đổ nát? Trong khi hàng triệu người lao động bình thường đang phải vật lộn với lạm phát, đói kém, thất nghiệp, nguy cơ mất nhà cửa bị đẩy ra đường… thì không ai cứu trợ họ.

Trên trang web Labourhome.org, một diễn đàn chính trị của người lao động (thông qua hình thức blog) tại Anh, nhiều người liên tưởng việc này như là hình ảnh người hàng xóm có bữa tiệc rượu no say rồi sau đó gửi hóa đơn đến nhà mình yêu cầu trả nợ giúp họ.

Người tìm việc xếp hàng chờ xe buýt đến hội chợ việc làm ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP

Người tìm việc xếp hàng chờ xe buýt đến hội chợ việc làm ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP

Có một thực tế rõ ràng là trong cơn khủng hoảng hiện nay, giới tư bản chỉ giảm lợi nhuận chứ không hề bị mất tài sản và để cứu vãn lợi nhuận của mình, họ cắt giảm việc làm, thu nhỏ sản xuất và đầu tư. Còn người lao động mới là người thiệt hại nhiều nhất: mất việc làm, mất nhà cửa, thậm chí là không có cái ăn, bị đẩy ra đường. Đó là câu chuyện đang diễn ra hàng ngày tại Mỹ.

Bức ảnh đoạt giải “Ảnh báo chí thế giới 2008” của Anthony Suau, phóng viên Tạp chí Time chụp một cảnh sát thuế lăm lăm súng trong tay đi vào ngôi nhà vừa bị tịch biên ở Cleveland, bang Ohio, được báo chí Mỹ nhận định là đã lột trần hết tính khốc liệt của cuộc khủng hoảng tín dụng và nhà ở này.

Nhưng đâu chỉ thế! Bức ảnh không chỉ thể hiện tính khốc liệt của cuộc khủng hoảng. Nếu xét từ nguyên nhân sâu xa thì đó chính là tính khốc liệt và đúng với bản chất vô nhân đạo của xã hội tư bản.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng xảy ra đến nay, ở Mỹ chưa có một ông chủ tư bản nào tự tử, mà ngược lại, họ còn được chia những khoản thưởng khổng lồ từ tiền thuế của dân như tập đoàn AIG hay các nhà tài chính phố Wall vẫn hái ra tiền trong thời khủng hoảng. Chỉ có những câu chuyện người lao động ở Mỹ thất nghiệp quá bức bối vì hoàn cảnh đã xả súng giết người hàng loạt rồi kết liễu đời mình, hay những người mất nhà cửa phải sống trong những chiếc lều tại TP Sacramento, bang California, Mỹ.

Những câu chuyện người lao động thất nghiệp tại Nhật Bản, đất nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ còn cách vào ăn quỵt tại nhà hàng và chịu để cảnh sát bắt giữ, cũng đang làm thế giới phải suy nghĩ.

Giáo sư kinh tế M. Shahid Alam của Đại học Northeastern, Mỹ, viết trên diễn đàn online “Counterpunch” (www.counterpunch.org): “Hàng triệu người Mỹ đang mất việc làm, hàng triệu người Mỹ đang đương đầu với nguy cơ mất nhà cửa, hàng triệu người về hưu đang nhìn thấy quỹ lương hưu tan chảy nhanh chóng trước mắt mình.

Trong khi đó, các ông chủ các ngân hàng bị phá sản lại được thưởng hàng triệu đô la tiền thưởng. Điều đó đang đe dọa sự ủng hộ của người Mỹ đối với những khiếm khuyết của hệ thống chủ nghĩa tư bản”.

“Trong các trường kinh tế của Mỹ chúng ta có một cái nhìn hết sức thiển cận về việc CNTB nên được xem xét như thế nào và chúng ta cũng có sự phản đối quá khắt khe việc phân tích CNTB của Mỹ đã sai lầm ở đâu và như thế nào, dẫn đến sự suy thoái.

Tôi đề nghị một chiến lược tốt hơn là dạy sinh viên làm thế nào đạt được những giá trị của họ, làm thế nào để phân tích các hệ thống, phân biệt lý tưởng với những con số và làm thế nào để thế giới trở thành một nơi tốt hơn”.

(CV Harquail, giảng viên đại học tại New York viết trên trang blog Authentic Organizations)

Ở Canada, những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những người lao động về hưu.

Trong bài viết của mình trên diễn đàn National Union của Canada, tác giả Larry Brown, một lãnh đạo của nghiệp đoàn công nhân lớn nhất Canada –Liên đoàn quốc gia: người về hưu là những nạn nhân bị bỏ quên của cuộc khủng hoảng.

Theo ông, chính phủ chỉ quan tâm chi tiền vực dậy các công ty, tập đoàn lớn mà không để ý đến hàng triệu người về hưu nước này không có lương hoặc mức lương quá thấp, không đủ trang trải cho cuộc sống. Ông khẳng định: “Tiền đến tay người lao động về hưu chính là tiền trực tiếp đầu tư cho kinh tế”.

Cũng tại diễn đàn này, Liên đoàn quốc gia cũng lên tiếng: “Các ngân hàng thì được cứu trợ còn công nhân thì không được gì”. Họ kêu gọi người lao động trong nước đoàn kết đấu tranh để đòi quyền lợi cho mình, đòi được bảo vệ trước cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Tại Anh, tỷ lệ những người trung lưu, có trình đại học, bị thất nghiệp và bị đẩy ra đường cũng tăng đáng báo động. Trang web RTTV.ru miêu tả, nếu như trước đây nói đến người thất nghiệp, vô gia cư người ta thường nghĩ đến những người bẩn thỉu, rách rưới, tay cầm chai whisky thì giờ đây người ta thấy cả những người tốt nghiệp đại học, quần áo sạch sẽ, thắt cravat… sống trên hè phố và xếp hàng chờ phát chẩn.

Tỷ lệ thất nghiệp, vô gia cư gia tăng chóng mặt đến nỗi một bài báo đăng trên trang web Scoop44.com nói về tình trạng này đã kết thúc bằng một lời cảnh báo của người vô gia cư: Đừng quay lưng lại với chúng tôi vì có thể ngày mai các bạn sống bên cạnh chúng tôi đó! 

Theo Tạp chí Time, trước cuộc khủng hoảng nước Mỹ đã có 1,5 triệu trẻ em không nhà cửa, nay con số này dự báo đang tăng đến mức báo động do số người thất nghiệp dẫn đến mất nhà cửa tăng cao.

Theo AFP, tại Mỹ tính đến đầu tháng 5, tỷ lệ người thất nghiệp chiếm 8,9% lực lượng lao động, tỷ lệ cao nhất trong vòng 25 năm qua, một tháng trước tỷ lệ này chỉ mới 8,1%, và hiện được dự báo sẽ tăng lên đến 10% vào cuối năm nay. Kể từ khi có dấu hiệu suy thoái vào tháng 12-2007 đến nay, đã có 5,7 triệu lượt người mất việc, trong số đó 3,9 triệu lượt người mất việc chỉ trong vòng 6 tháng qua.

Theo Blommberg, một bản báo cáo về tỷ lệ thất nghiệp tại châu Âu vừa đưa ra vào đầu tháng 4 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng nhiều hơn dự báo. Cụ thể là trong khu vực đồng euro, con số này là 8,5% cao hơn dự báo hồi tháng giêng 0,2% và đang tăng ở mức độ đáng báo động.

Tất cả những hình ảnh đó, con số đó nói lên điều gì? Hầu hết dư luận thế giới đều cho rằng đó là hậu quả của một nền kinh tế tư bản chạy theo lợi nhuận mà quên mất yếu tố trung tâm của xã hội là con người.

Việt Trung

Tin cùng chuyên mục