Học thuyết Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội-Trào lưu hay quy luật tất yếu? Bài 7. Chủ nghĩa cộng sản sau hơn 160 năm tồn tại và phát triển

Chủ nghĩa cộng sản đã trải  qua một chặng đường lịch  sử dài sau 160 năm kể từ khi Mác và Ăngghen viết “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (tháng 12-1847 – 1-1848) và công bố ở Luân Đôn vào tháng 2-1848. Đây cũng là một chặng đường phức tạp, đầy mâu thuẫn biện chứng, có nhiều thành tựu và cả những thiếu sót, sai lầm. Nhưng xét ở những khâu chủ yếu và quyết định, đây là chặng đường đi lên trên thế tiến công của chủ nghĩa cộng sản.

Để chỉ rõ những điều cơ bản trong phát triển của chủ nghĩa cộng sản trong 160 năm qua (từ giữa thế kỷ 19 đến nay) và triển vọng của nó trong thế kỷ 21, chúng tôi tạm tách biệt ra các giai đoạn (thang bậc) phát triển như sau: Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn Mác và Ăngghen hình thành lý luận khoa học về chủ nghĩa cộng sản, tổ chức phong trào cộng sản quốc tế (Quốc tế I) và bước chuyển sang việc thành lập các đảng công nhân ở các nước châu Âu. Đây là giai đoạn từ giữa thế kỷ 19 đến năm 1917.

Một khối lượng công việc lý luận khổng lồ của Mác và Ăngghen cho phép thực hiện bước nhảy vọt cách mạng từ chủ nghĩa cộng sản không tưởng lên chủ nghĩa cộng sản khoa học, đặt các cơ sở khoa học và các nguyên lý phương pháp luận cho nhận thức về chủ nghĩa cộng sản và biện chứng vận động lên chủ nghĩa cộng sản. Đó chính là những cơ sở khoa học và những nguyên lý, chứ không phải là những giáo điều.

Mác là một nhà duy vật biện chứng và do vậy bao giờ ông cũng nhấn mạnh rằng, lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa cộng sản thường xuyên phát triển, không giậm chân tại chỗ. Những luận điểm mới thay thế cho những luận điểm lỗi thời. Và cũng chính vì vậy mà không phải tất cả những gì Mác nói và viết ra đều là chân lý tối hậu. Ông đã đúng ở những điểm cơ bản và mang tính nguyên tắc, đồng thời có những luận điểm của ông đã lỗi thời, được thực tiễn cuộc sống vượt qua, các nghiên cứu lý luận của hậu bối cần đổi mới, chỉnh sửa và làm cho phong phú thêm.

Khoa học về chủ nghĩa cộng sản là học thuyết khoa học thường xuyên phát triển và không ngừng được làm phong phú thêm bằng tri thức khoa học và thực tiễn, nó không chấp nhận những bộ phận cụ thể bị giáo điều hóa và những luận điểm, nguyên lý cơ bản bị xét lại. Đây là một học thuyết sống động, kết hợp trong mình cái chung và cái riêng, cái chủ yếu và cái thứ yếu, cái bất biến và cái thường biến.

Nó phát triển được là nhờ sự phát triển của khoa học – công nghệ, thực tiễn cách mạng của các nước, các đảng cộng sản và các phong trào tiến bộ, các cá nhân kiệt xuất, các nhà khoa học, các tập thể sáng tạo, những cuộc tranh luận, những thảo luận tập thể, những đồng thuận và những bất đồng. Do vậy, học thuyết cộng sản chủ nghĩa luôn cần mang tính mới mẻ, sống động và hiện đại.

Giai đoạn thứ hai là bước chuyển từ lý luận khoa học sang thực tiễn của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, là việc thực hiện cách mạng chính trị, xã hội vĩ đại nhất thế kỷ 20 – Cách mạng Tháng Mười Nga. Đây là giai đoạn của chủ nghĩa xã hội thực tiễn ở một nước từ năm 1917 đến giữa thập niên 40 của thế kỷ 20.

Đây là thời kỳ tốt nhất trong phát triển của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô – thời kỳ Lênin (1917 - 1924), thời kỳ thống nhất giữa lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa xã hội, thời kỳ nặng nề nhưng cũng đầy sáng tạo.

Đây cũng là thời kỳ giải quyết nhanh chóng những mâu thuẫn gay gắt, nâng cao tối đa hoạt động sáng tạo của quần chúng nhân dân và của đảng cầm quyền. Mối liên hệ mật thiết và thường xuyên giữa đảng với quần chúng đã góp phần phát huy sức mạnh của nguồn năng lượng khổng lồ của nhân dân. Đảng và quần chúng trở thành một khối thống nhất. Lời nói và việc làm của Lênin thực sự trở thành tấm gương về trí tuệ và đạo đức cách mạng đối với toàn đảng và toàn dân. Chính thực tế này đã nâng cao uy tín và ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội ở nhiều nước trên thế giới.

Sau đó là thời kỳ đen tối – thời kỳ làm biến dạng chủ nghĩa xã hội. Đây thực chất là chế độ độc quyền quyền uy, nó nuôi dưỡng tệ sùng bái cá nhân, thủ tiêu dân chủ, tự do tư tưởng và tinh thần sáng tạo của quần chúng.

Chính nhân tố chủ quan của người độc quyền lãnh đạo đã đóng vai trò bi đát trong phát triển của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, nó dẫn đến những xuyên tạc, biến chất của chủ nghĩa xã hội. Một trong những hệ quả tai hại nhất là nó làm tha hóa người lao động ra khỏi những đặc điểm quan trọng nhất của chủ nghĩa xã hội đích thực. Chính thực tế này sau đó đã được mở rộng và ảnh hưởng ra hàng loạt nước xã hội chủ nghĩa khác. Rốt cuộc, chủ nghĩa xã hội hiện thực đã đánh mất sức cuốn hút và tiềm năng sáng tạo của mình.

Giai đoạn thứ ba là giai đoạn hàng loạt nước đi theo con đường chủ nghĩa xã hội sau Thế chiến thứ 2. Đây là một bước nhảy vọt cách mạng, lớn về chất trong phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới. Thế giới được phân chia ra thành 2 hệ thống xã hội đối lập nhau – chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa xã hội đã mang tính toàn cầu. Việc tạo dựng thế giới xã hội chủ nghĩa đã kích thích phong trào giải phóng dân tộc phát triển ở các nước thuộc địa, làm cho hệ thống thuộc địa bị sụp đổ và làm xuất hiện hệ thống thế giới thứ ba – các nước đang phát triển. Lập trường và uy tín của chủ nghĩa xã hội trên thế giới được củng cố và tăng cường.

Thế nhưng, những sai lầm trong việc tuyệt đối hóa “mô hình Xô Viết” và đề cao “chủ nghĩa Xô Viết là trung tâm” của một số nhà lãnh đạo Xô Viết đã đem lại một tổn thất lớn cho phong trào xã hội chủ nghĩa quốc tế.

Chính nó đã cản trở lối thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng của Liên Xô và hàng loạt nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và loại bỏ triển vọng đổi mới chủ nghĩa xã hội theo con đường làm cho “chủ nghĩa xã hội nhiều hơn”. Song, với tất cả những sai lầm mang tính chủ quan (có thể sửa chữa được) và những hiện tượng khủng hoảng kinh tế - xã hội (có thể khắc phục được), chủ nghĩa xã hội thế giới vẫn giữ lại một sức mạnh vật chất và tinh thần lớn lao, những tiềm lực to lớn cho cải cách, đổi mới và phát triển.

Giai đoạn thứ tư là giai đoạn bắt đầu từ năm 1985 đến cuối những năm 90 – bi kịch lớn nhất của thế kỷ 20 và có thể là toàn bộ lịch sử loài người. Đây là thời kỳ đảo chính phản cách mạng ở bên trên - một hiện tượng độc đáo trong lịch sử. Nó tuyệt đối hóa hết mức vai trò của nhân tố chủ quan (người lãnh đạo) khi vắng mặt yếu tố dân chủ trong đảng và dân chủ trong nhân dân, khi mà không có chế độ giám sát và báo cáo trung thực. Đây là khâu yếu nhất của hệ thống Xô Viết hậu Lênin - tập trung quyền lực vào một cá nhân, chứ không phải vào đảng, vào nhân dân. Đó là hệ quả của việc ban lãnh đạo đảng bỏ qua dân chủ, mặc dù Mác đã thường xuyên nhấn mạnh rằng chủ nghĩa xã hội không tách rời dân chủ.

Mặc dù chủ nghĩa xã hội bị phá hoại nghiêm trọng, phải lùi bước tạm thời trước sự tấn công của chủ nghĩa đế quốc, nhưng nó không bị diệt vong.

Giai đoạn thứ năm là giai đoạn phát triển hiện tại của chủ nghĩa xã hội. Đây là giai đoạn khó khăn đối với các nước xã hội chủ nghĩa. Nhưng điều quan trọng ở đây chính là giai đoạn rút ra những bài học từ những sai lầm nghiêm trọng của các đảng cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu và từ những sai lầm của bản thân các đảng cộng sản ở các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay. Đó là bài học về “cách mạng văn hóa” và “đại nhảy vọt” ở Trung Quốc, về “bệnh chủ quan duy ý chí” ở Việt Nam. Một trong những kết luận được rút ra từ đó là: Với tư cách một cơ thể sống luôn phát triển, chủ nghĩa xã hội không thể không liên tục cần được cải biến, đổi mới thực hiện kết hợp những bước thay đổi về lượng và nhảy vọt về chất một cách thích ứng.

Trong những năm qua, ĐCS Trung Quốc và ĐCS Việt Nam đã cho thấy những kinh nghiệm “táo bạo” và phong phú trong việc đổi mới hữu hiệu chủ nghĩa xã hội vì lợi ích của nhân dân lao động. Chủ nghĩa xã hội sáng tạo ở Việt Nam cần phải đảm bảo một sự phát triển thịnh vượng và bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, giải quyết kịp thời và có hiệu quả nhiều vấn đề và mâu thuẫn bộc lộ ra trong đời sống xã hội.

Giai đoạn thứ sáu là chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ 21. Xuất phát từ các xu hướng hiện tại, một điều hiển nhiên là chủ nghĩa cộng sản ở thế kỷ 21 sẽ bộc lộ, thứ nhất, sự phục hồi và phát triển, thịnh vượng tiếp theo của nó; thứ hai, mở rộng trên quy mô toàn cầu (các nước Nam Mỹ gần đây là một minh chứng).

Chủ nghĩa tư bản hiện đại cho thấy khả năng tăng trưởng và đổi mới là có hạn, sự khủng hoảng về kinh tế và tinh thần (tha hóa tinh thần, nô dịch tinh thần), sự suy đồi đạo đức đã và đang diễn ra ở các nước tư bản. Chủ nghĩa tư bản không còn khả năng đưa ra điều gì mới mẻ và tích cực, khích lệ và hấp dẫn mọi người trong thế kỷ 21. Những biểu hiện gần đây trong chính sách đối ngoại (can thiệp quân sự, xâm chiếm, chiến tranh…) của các nước phương Tây càng cho thấy sự phản kháng dữ dội của thế giới thứ ba và phần lớn loài người. Xu hướng dân chủ đích thực (xã hội chủ nghĩa) trong phát triển ngày càng có sức hấp dẫn hơn.

Rõ ràng là, thế giới bắt đầu vận động theo hướng đi đến những giá trị của chủ nghĩa cộng sản - tự do, bình đẳng, dân chủ, công bằng, nhân văn…

PGS-TS NGUYỄN THẾ NGHĨA

Cùng bạn đọc

Từ ngày 29-6-2009, sau khi Báo Sài Gòn Giải Phóng khởi đăng bài đầu tiên trong loạt bài trao đổi về chủ đề “Học thuyết Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội – Trào lưu hay quy luật tất yếu?”, đến nay, Ban Biên tập Báo SGGP đã nhận được rất nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu, học giả, nhà báo và đông đảo bạn đọc gần xa bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ quan điểm của các bài viết, cũng như tham gia bằng các bài viết tâm huyết của mình. Ban Biên tập Báo SGGP xin chân thành cảm ơn sự quan tâm và lòng nhiệt tình của bạn đọc, các đồng chí và các bạn.

Do khuôn khổ của tờ báo phải dành đăng chủ đề thông tin thời sự quan trọng khác, Ban Biên tập Báo SGGP xin tạm ngưng những bài viết có tính chất trao đổi xung quanh chủ đề “Học thuyết Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội – Trào lưu hay quy luật tất yếu?”. Tuy vậy, Ban Biên tập Báo SGGP hy vọng vẫn tiếp tục nhận được các ý kiến của bạn đọc và sẽ tiếp tục trở lại chủ đề nói trên trong thời gian thích hợp.
Xin chân thành cảm ơn!

SGGP
 

Thông tin liên quan

- Bài 1: Những nạn nhân của cuộc khủng hoảng hay của nền kinh tế tư bản?

- Bài 2: CNXH hay CNTB tử tế?

- Bài 3: CNXH thế kỷ 21 là cần thiết

- Bài 4: Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21 - Sự trỗi dậy của châu Mỹ Latinh

- Bài 5: Nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin vì sự phát triển quốc gia

- Bài 6: Việt Nam đầu thế kỷ 21 - Tính trường tồn của phương pháp biện chứng duy vật

Tin cùng chuyên mục