Phát triển kinh tế biển để khẳng định chủ quyền quốc gia

Hôm qua 16-7, tại Hải Phòng, đã diễn ra hội thảo báo Đảng của 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ với chủ đề “Báo Đảng góp phần phát triển đất nước mạnh về biển, làm giàu từ biển”.
Phát triển kinh tế biển để khẳng định chủ quyền quốc gia

Hôm qua 16-7, tại Hải Phòng, đã diễn ra hội thảo báo Đảng của 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ với chủ đề “Báo Đảng góp phần phát triển đất nước mạnh về biển, làm giàu từ biển”.

Tham dự cuộc hội thảo, ngoài lãnh đạo ban biên tập 5 tờ báo Đảng nói trên còn có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy TP Hải Phòng, Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam... Tại đây, một loạt các vấn đề về phát triển kinh tế biển đảo đã được các đại biểu đặt ra.

Kinh tế biển gắn liền với chủ quyền lãnh thổ quốc gia

Tại hội thảo, lãnh đạo 5 cơ quan báo chí cũng như các đại biểu nhất trí rằng, xuất phát từ tình hình thực tế diễn biến phức tạp trên biển Đông thời gian qua, định hướng Chiến lược biển đến năm 2020... cho thấy tất cả phương tiện truyền thông (trong đó có hệ thống báo Đảng nói chung) cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền về biển, đảo trên tất cả các mặt: lợi thế, tiềm năng to lớn của biển Đông trong phát triển kinh tế - du lịch biển đảo; ý nghĩa sống còn của việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc; các cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; các định hướng, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước với biển đảo; các hoạt động bảo vệ quyền chủ quyền quốc gia trên biển; hoạt động cả nước hướng về biên giới, hải đảo... Mục tiêu là huy động sức mạnh toàn dân tộc tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Về vấn đề phát triển kinh tế biển đảo, các tham luận tại hội thảo đều khẳng định rằng, đó là mục tiêu lớn, xuyên suốt bên cạnh việc khẳng định chủ quyền, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc.

Ngư dân Đà Nẵng chuẩn bị ra khơi bám biển. Ảnh: THÁI BẰNG

Ngư dân Đà Nẵng chuẩn bị ra khơi bám biển. Ảnh: THÁI BẰNG

Tổng Biên tập Báo Hải Phòng Lê Trọng Nghĩa khẳng định, hệ thống báo Đảng có vai trò quan trọng trong việc phổ cập tiềm năng kinh tế biển; khơi gợi các cơ quan đầu tư, khai thác các lợi thế từ biển; kiến nghị các chính sách ưu đãi để người dân, các doanh nghiệp có thể làm giàu từ biển. Trong tình hình hiện nay, các báo Đảng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục sâu rộng; cần mở các trang chuyên đề thường kỳ nhằm nâng cao nhận thức của tất cả các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò chiến lược của biển; khơi gợi ý thức về biển thể hiện sâu sắc bằng việc khai thác đi liền với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển.

Lãnh đạo 5 cơ quan báo Đảng tại buổi hội thảo.

Lãnh đạo 5 cơ quan báo Đảng tại buổi hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và Thiếu tướng Phạm Ngọc Chấn, chuẩn Đô đốc, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân đều khẳng định: Việc phát triển kinh tế biển đảo và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải quốc gia là 2 việc không tách rời nhau, có quan hệ mật thiết, tương hỗ lẫn nhau. Vì thế, hệ thống báo chí, nhất là các báo Đảng Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền phát triển kinh tế biển đảo, bên cạnh khẳng định chủ quyền quốc gia đối với các vùng biển và hải đảo quốc gia. Xem đó là một nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt với việc đặt lợi ích dân tộc, đất nước lên hàng đầu trong quá trình hoạt động của mình.

Đánh giá đúng hơn tiềm năng kinh tế biển Việt Nam

Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Đình Bích, Phó Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng cho rằng, trong bối cảnh, cần xác định rõ, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tiềm năng kinh tế biển của Việt Nam. Qua đó có những chiến lược, sự đầu tư mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương cả về vật chất và nguồn nhân lực để phát triển kinh tế biển đảo quốc gia đúng với tiềm năng mà Việt Nam hiện có.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Điền

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Điền

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Lê Tiền Tuyến cho rằng, phải đánh giá đúng tiềm năng, vị thế kinh tế biển để đầu tư hợp lý. Trên sở đánh giá đúng tiềm năng, vị thế của kinh tế biển, cần triển khai hàng loạt vấn đề để hiện thực hóa tiềm năng, vị thế đó, như: khai thác vùng không gian biển; khai thác vùng bờ biển; phát triển các lĩnh vực “hậu cần” cho kinh tế biển và các khu vực kết nối.

“Một vấn đề hết sức quan trọng là phải dành ngân sách tương xứng để triển khai mục tiêu đến năm 2020 kinh tế biển chiếm trên 50% GDP. Những con số chính thức về phân bổ ngân sách trung ương qua 2 năm gần nhất cho thấy, việc đầu tư chưa đầy 1% ngân sách vào khu vực đóng góp khoảng 50% tổng GDP của cả nước là một sự mất cân đối không thể chấp nhận được... Về quản lý nhà nước, hiện nay, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam có nhiệm vụ thống nhất quản lý về biển, đảo. Nhưng trên thực tế, đang có đến 15 bộ, ngành tham gia quản lý biển. Dù được giao nhiệm vụ thống nhất quản lý nhưng Tổng cục Biển và hải đảo rất khó khăn khi yêu cầu các bộ, ngành có liên quan cung cấp thông tin. Chính vì vậy, việc ban hành một bộ luật về biển là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng hơn trong vấn đề quy hoạch, quản lý, khai thác và bảo vệ biển”, đồng chí Lê Tiền Tuyến khẳng định.

Tổng Biên tập Báo Cần Thơ Huỳnh Quốc Hoàng cho rằng, việc phát triển kinh tế biển, nhất là vấn đề quy hoạch, xây dựng hệ thống cảng biển Việt Nam hiện còn chưa thực sự hiệu quả. Địa phương nào gần biển cũng muốn xây dựng cảng biển, nhưng một chiến lược chung của quốc gia về cảng biển để phát huy tối đa lợi thế của đất nước thì chưa có. Đó là vấn đề mà các cơ quan chủ quản Nhà nước cần sớm có những hành động cụ thể, nhất là đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng duyên hải miền Trung.

Kết thúc hội thảo, lãnh đạo 5 tờ báo Đảng thành phố trực thuộc Trung ương đã thống nhất năm 2012, hội thảo 5 báo Đảng thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được tổ chức ở TPHCM do Báo SGGP chủ trì. Tại hội thảo, lãnh đạo Báo Hải Phòng đã chính thức trao cờ luân lưu về tổ chức hội thảo cho lãnh đạo Báo SGGP.

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục