Phối hợp trên dưới một lòng

Phạm Bình Minh:
Phối hợp trên dưới một lòng

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: Nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra trong nhiệm kỳ tới. Việt Nam kiên định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, hợp tác bình đẳng cùng có lợi với tất cả các nước; đưa quan hệ của chúng ta với các nước lên tầm cao mới...

Vừa qua chúng ta đã xây dựng được quan hệ hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với nhiều nước quan trọng trong khu vực, tới đây cần đưa những nội hàm đã thỏa thuận vào thực tiễn, củng cố những quan hệ tốt đẹp đã có; đồng thời phát triển thêm quan hệ với các nước khác.

Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao đồng nghĩa với việc chúng ta có trách nhiệm hơn trong hợp tác quốc tế, tích cực góp phần giải quyết không chỉ những vấn đề có liên quan đến Việt Nam, mà cả những vấn đề liên quan chung đến cộng đồng quốc tế, hướng tới mục tiêu gìn giữ hòa bình quốc tế. Điều này cũng có ý nghĩa gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho Việt Nam phát triển lâu dài.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: Động viên hợp lý các nguồn lực

Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành khác thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát. Đó sẽ là một trong những công việc ưu tiên của tôi trên cương vị mới.

Trong 5 năm qua, đất nước nói chung, ngành tài chính nói riêng đã có rất nhiều kinh nghiệm vượt qua những khó khăn, thách thức trong thời kỳ lạm phát, suy giảm kinh tế. Tôi nghĩ chính sách tài chính quốc gia trong 5 năm tới vẫn phải luôn hướng vào các trọng điểm là động viên một cách hợp lý tất cả nguồn lực của đất nước cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và phân bổ nguồn lực một cách đúng đắn nhất nhằm nâng cao hiệu quả chi tiêu công. Mặt khác, chính sách tài khóa cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ cùng các bộ, ngành khác để thực hiện đúng theo đường lối kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Khi nền kinh tế rơi vào suy giảm, thông thường biện pháp đầu tiên và quan trọng là áp dụng chính sách tiền tệ nhưng chính sách tài khóa cũng phải được sử dụng một cách linh hoạt và nó được ví như chất dẫn thuốc, hay viên kẹo ngọt để giảm vị đắng của chính sách tiền tệ chặt chẽ. Sự phối hợp tốt sẽ làm cho nền kinh tế không bị suy giảm sâu, vượt qua suy thoái mà chính sách miễn, giảm thuế được Chính phủ trình ra Quốc hội vừa qua là một ví dụ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: Thay đổi quan điểm trong đầu tư

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nỗ lực cải thiện năng lực, chất lượng dự báo, hoạch định chính sách vĩ mô thông qua việc tham gia vào xây dựng các chính sách tài chính tiền tệ, các cân đối lớn của quốc gia, tái cơ cấu kinh tế và hàng loạt cơ chế chính sách phát triển khác.

Tôi cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách có hạn, nhu cầu phát triển thì lớn; tới đây cần thay đổi quan điểm trong đầu tư theo hướng Nhà nước tạo mọi điều kiện, mọi cơ chế chính sách để khuyến khích phát huy nguồn lực trong nhân dân, trong doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, trong nước và nước ngoài cho đầu tư phát triển.

Vốn nhà nước chỉ tập trung cho những hạng mục trọng yếu, then chốt, tạo tiền đề, chất xúc tác để khai thác sử dụng hiệu quả các nguồn lực khác trong dân, trong doanh nghiệp...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam: Tháo gỡ cho được các rào cản hành chính

Chúng ta đều biết rằng, nhiệm kỳ này của Chính phủ có nhiều thuận lợi, nhưng cũng có những khó khăn rất lớn. Văn phòng Chính phủ là cơ quan tham mưu giúp việc cho Chính phủ, nên nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi là tập trung phát huy trí tuệ, không chỉ của Văn phòng Chính phủ, mà của tất cả các bộ ngành và địa phương; phối hợp để trên dưới một lòng theo đúng quy trình, quy định của pháp luật, hướng tới việc thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong thời gian tới.

Trong đó, cải cách hành chính cũng là một nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu. Cải cách hành chính là cả một quá trình, vừa qua chúng ta đã đạt được một số bước tiến rõ rệt nhờ thực hiện Đề án 30.

Nhưng chúng ta đều biết rằng đây mới là giai đoạn đầu, tới đây vẫn phải tiếp tục thực hiện tích cực hơn nữa. Tháo gỡ những rào cản hành chính cản trở phát triển sản xuất, gây phiền hà cho người dân là đòi hỏi rất cao của doanh nghiệp và người dân, nên dù khó vẫn phải nỗ lực thực hiện cho được.

N.QUANG - B.AN ghi

Tin cùng chuyên mục