Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội:

Một số lãnh đạo Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước tiêu cực, lãng phí, vi phạm pháp luật

Sáng nay, 15-6, ngày làm việc cuối cùng của phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề về điều hành kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2012 và trực tiếp trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội.
Một số lãnh đạo Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước tiêu cực, lãng phí, vi phạm pháp luật

(SGGPO). – Sáng nay, 15-6, ngày làm việc cuối cùng của phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề về điều hành kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2012 và trực tiếp trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội.

Phó Thủ tướng cho biết, tại kỳ họp này, các thành viên Chính phủ đã lắng nghe ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội tại tổ và tại hội trường. Đã có 128 đại biểu Quốc hội gửi 158 phiếu chất vấn với 227 câu hỏi đến Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Trong hai ngày qua, đã có 4 bộ trưởng, 10 lượt thành viên Chính phủ trực tiếp và tham gia trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.

Trước khi đi vào trả lời chất vấn trực tiếp, Phó Thủ tướng đã có bài phát biểu toàn diện về các vấn đề kinh tế-xã hội.

Từ nay đến cuối năm, vốn Nhà nước đưa vào nền kinh tế bình quân khoảng 21.000 tỷ đồng/tháng

Về giải quyết mối quan hệ giữa ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát với việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và bảo đảm tăng trưởng hợp lý, Phó Thủ tướng cho biết nền kinh tế nước ta từng bước vượt qua giai đoạn rất khó khăn, mặc dù trước mắt còn nhiều trở ngại, thách thức. Chính phủ quyết tâm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát mà Đảng, Quốc hội đã đề ra, đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, phấn đấu mức tăng trưởng GDP năm 2012 đạt khoảng 6%, lạm phát 7 - 8% và đạt mức cao nhất các chỉ tiêu đã đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội.

May xuất khẩu tại Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến. Ảnh: Cao Thăng
May xuất khẩu tại Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến. Ảnh: Cao Thăng

Trước tình hình doanh nghiệp gặp khó khăn, Chính phủ đã triển khai các giải pháp tháo gỡ. Trong 5 tháng đầu năm, có khoảng 21,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, tăng 9,5%, so với cùng kỳ 2011, nhưng trong tháng 5, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể giảm khoảng 10% so với bình quân 4 tháng. Trong khi đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cao hơn số ngừng hoạt động, giải thể. Hàng tồn kho đã có xu hướng giảm dần, từ 34,9% của tháng 3 xuống 32,1% của tháng 4 và 29,4% của tháng 5 năm 2012.

Chính phủ đã triển khai tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, giải quyết nợ xấu. Nâng cao mức tăng dư nợ tín dụng, phấn đấu tăng bình quân khoảng 2%/tháng trong 6 tháng cuối năm để dư nợ tín dụng cả năm 2012 đạt khoảng 12 - 13%. Như vậy, theo kế hoạch vốn nhà nước đưa vào nền kinh tế từ nay đến cuối năm bình quân mỗi tháng khoảng 21 nghìn tỷ đồng, cùng với tăng dư nợ tín dụng từ các ngân hàng thương mại sẽ góp phần tăng sức mua của nền kinh tế, giải quyết hàng tồn kho của các doanh nghiệp và thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.

Về doanh nghiệp Nhà nước, Phó Thủ tướng cho rằng, doanh nghiệp Nhà nước là một công cụ quan trọng để điều tiết kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, một số tập đoàn, tổng công ty chưa làm tốt vai trò là đầu tàu trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; một số tập đoàn, tổng công ty thua lỗ, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, đất đai còn thấp; một số lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty tiêu cực, lãng phí, vi phạm pháp luật.

Sau khi có các kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực gây thất thoát, lãng phí tại các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, kể cả điều tra để truy tố theo quy định của pháp luật.

Trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng cao, thắt chặt tiền tệ và đầu tư để chống lạm phát, thị trường bị thu hẹp, nhiều tập đoàn và tổng công ty đang đứng trước rất nhiều khó khăn. Hiện Chính phủ đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu qủa họat động của hệ thống này.

Vụ Vinalines: Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật

Về Tổng công ty Hàng hải Việt Nam-Vinalines, Phó Thủ tướng cho biết đây là một doanh nghiệp Nhà nước có quy mô lớn, đã có giai đoạn phát triển tốt, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, trước hết là do những yếu kém, hạn chế của lãnh đạo Tổng công ty, trong mấy năm gần đây, Tổng công ty liên tục gặp nhiều khó khăn. Những hạn chế, yếu kém trong tổ chức, hoạt động sản xuất kinh doanh cùng những sai phạm của lãnh đạo Tổng công ty không thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng và quy định của pháp luật, gây lãng phí, thất thoát lớn vốn, tài sản của nhà nước mới được phát hiện gần đây đang là vấn đề gây bức xúc, được Quốc hội và nhân dân quan tâm. Chính phủ đã và đang chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ, nhất là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Trong thời gian tới đây, Chính phủ sẽ chỉ đạo tái cơ cấu mạnh mẽ Tổng công ty, tập trung vào ba lĩnh vực chính là vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải, đẩy mạnh cổ phần hoá, củng cố về tổ chức, nhân sự, nâng cao năng lực quản trị, điều hành; thoái vốn tại những đơn vị không cần nắm giữ để tập trung vốn vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính; rà soát tổng thể các dự án đang và sẽ đầu tư để cơ cấu lại cho phù hợp điều kiện thị trường, khả năng tài chính, đầu tư có hiệu quả hơn cả trong ngắn hạn và dài hạn. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để Tổng công ty ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước thực hiện tốt vai trò trong phát triển kinh tế biển.

Ngoài các vấn đề này, báo cáo của Phó Thủ tướng cũng đề cập đến vấn đề đầu tư cho nông nghiệp nông thôn, các vấn đề xã hội nổi bật, công tác phòng chống thiên tai, tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo. Tiếp tục chấn chỉnh công tác bồi thường, thu hồi đất, nhất là trong thực hiện cưỡng chế của các địa phương. Yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp nghiêm túc rút kinh nghiệm và khắc phục các hạn chế, yếu kém trong thực hiện công tác này thời gian qua, cần phải làm tốt từ khâu quy hoạch sử dụng đất đến việc lập và triển khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bảo đảm dân chủ, công khai, đúng pháp luật, sát thực tế, nhất là đối với các dự án đầu tư khu đô thị, khu công nghiệp, bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận và tự giác chấp hành, trong trường hợp buộc phải cưỡng chế thì cần có phương án chặt chẽ, đúng pháp luật.

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục