Nhớ chú Hai Tân!

Gần đây chú Hai nằm bệnh viện, nhưng lại quá bất ngờ khi nghe tin chú ra đi. Sự ra đi của chú đã để lại bao niềm thương tiếc. Và, những người làm công tác tuyên giáo, cảm thấy nhớ chú rất nhiều, chú Hai ơi!

Gần đây chú Hai nằm bệnh viện, nhưng lại quá bất ngờ khi nghe tin chú ra đi. Sự ra đi của chú đã để lại bao niềm thương tiếc. Và, những người làm công tác tuyên giáo, cảm thấy nhớ chú rất nhiều, chú Hai ơi!

Dù kinh qua nhiều chức vụ nhưng chú Hai đã cho rằng mình đã không rời công tác tuyên huấn của Đảng. Công tác tuyên huấn đối với chú Hai là chuyên nghiệp - chuyên nghiệp cho đến cuối đời.

Chú Hai sinh ngày 15-10-1926 ở làng Tân Mỹ, Cam Lộ, Quảng Trị trong một gia đình gắn bó với cách mạng, nuôi chứa cán bộ cách mạng, có cha tham gia phong trào cách mạng từ năm 1930, có chú họ là đồng chí Trần Quốc Thảo. Lúc nhỏ, khi học ở Cam Lộ, chú Hai là nòng cốt trong phong trào học sinh, tham gia các cuộc bãi khóa và trở thành đảng viên năm 1946. Tháng 4-1950 là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, lúc mới 24 tuổi. Có lúc được phân công làm Tỉnh đội trưởng, đã đi hết các xã của Quảng Trị để xây dựng lực lượng ở vùng địch hậu.

Khi được rút về công tác ở Vụ Huấn học, Ban Tuyên huấn Trung ương, chú Hai được gặp Bác Hồ, được học lớp chỉnh Đảng do Bác Hồ trực tiếp giảng bài. Chú Hai cho rằng bài giảng của Bác về “Tu dưỡng đạo đức người đảng viên cộng sản”, chú đã không thể nào quên. Làm công tác huấn học lúc ấy - năm 25 tuổi, chú đã xác định, điều đầu tiên là học Bác Hồ. Từ lớp chỉnh Đảng, sau này chú Hai học lý luận chính trị ở trường Nguyễn Ái Quốc 24 tháng.

Giữa năm 1960, chú được điều động vào Nam, trước khi đi cũng được Bác gặp và dặn dò là khéo giữ bí mật, chớ chủ quan, đừng để bị giặc bắt. Vượt Trường Sơn về đến Trung ương Cục, được phân công là Ủy viên Ban Tuyên huấn do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Trưởng ban và được giao nhiệm vụ chuẩn bị giáo trình, tài liệu mở trường Nguyễn Ái Quốc ở miền Nam; làm Tổng biên tập Tạp chí lý luận Tiền phong của Trung ương Cục và có thời gian được đi thực tế vùng Đồng Tháp Mười, miền Tây Nam bộ.

Năm 1967, chú Hai Tân được điều động vào Sài Gòn chuẩn bị cho đợt Mậu Thân, làm Trưởng ban chỉ đạo phối hợp các lực lượng đấu tranh chính trị ở nội thành, Ủy viên Ban chỉ đạo tiền phương ở Sài Gòn trong các đợt tấn công Mậu Thân. Sau đó, chú đã tổ chức đưa một số nhân sĩ ra Trung ương Cục chuẩn bị lập Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam… Tháng 11-1969, do bị lộ từ đầu mối giao liên, chú bị địch vây bắt giam cầm ở Chí Hòa và Côn Đảo cho đến ngày giải phóng 1975.

Sau ngày giải phóng, chú Hai đảm trách những công việc quan trọng ở thành phố, rồi tham gia 2 khóa BCH Trung ương Đảng, giữ nhiệm vụ Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, rồi về làm Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy. Dù công việc nào, chú Hai cũng luôn cố gắng hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mình.

Cả một cuộc đời, sinh ra và trưởng thành từ quê hương Quảng Trị anh hùng; vùng đất của khói lửa, đạn bom, của hy sinh và chứng tích, ra Bắc, vào Nam; bị giam cầm trong ngục tù đế quốc, rồi đảm nhận những công việc ở thành phố, ở trung ương, chú Hai Tân đã không ngừng học tập, rèn luyện để có những đóng góp hữu ích. Khi về hưu, chú còn tiếp tục đảm trách công việc quan trọng, tham gia Hội đồng lý luận Trung ương, là phó ban chỉ đạo và là chủ biên Lịch sử Đảng bộ TPHCM giai đoạn 1930-1975, dày hàng ngàn trang.

Chú Hai là tấm gương học tập, luôn tích lũy kiến thức và cập nhật thông tin từ cuộc sống nên đầu óc và tâm hồn luôn tươi mới. Chú Hai biết tiếng Pháp - đọc được văn học cổ điển Pháp từ lúc chưa thoát ly, biết một ít tiếng Anh và đọc được khoảng 3.000 chữ Hán. Chú Hai nghiên cứu, viết sách và nhất là viết báo thường xuyên. Đã có nhà báo đã cho rằng, chú Hai là một nhà báo trẻ. Đó là chất trẻ từ suy nghĩ, từ khả năng nắm bắt, nhìn nhận, kiến giải những vấn đề của cuộc sống. Theo cách nghĩ, học hỏi sẽ trẻ mãi, ngừng học hỏi sẽ trở nên già cỗi dù tuổi 20 hay 80.

Chú Hai có cách nói, cách viết, cách diễn đạt mạch lạc, thuyết phục. Đó không đơn thuần là kỹ thuật, kỹ năng. Đó là cả một sự rèn luyện, mà theo chú, muốn giành được lòng người phải có 4 phục: tâm phục, lý phục, khẩu phục, đức phục.

Có lần nói chuyện với Đoàn thanh niên về lý tưởng, lòng tin, chú đã phân tích khá kỹ. Theo chú, là làm sao giáo dục lý tưởng cho thanh niên mê. Lý tưởng có 3 mặt: lý tưởng xã hội, lý tưởng đạo đức, lý tưởng thẩm mỹ. Lòng tin có 4 dạng: lòng tin trực giác, lòng tin tín nhiệm, lòng tin khoa học, lòng tin tín ngưỡng. Dạng lòng tin nào của dân với Đảng cũng đáng được quan tâm xây dựng.

Làm công tác tuyên giáo, bao giờ chú cũng mong muốn tiếp tục đổi mới, tăng cường lắng nghe, đối thoại, tranh luận, khuyến khích tự do diễn đạt, độc lập suy nghĩ. Chú căn dặn làm công tác tuyên huấn của Đảng phải nhằm vào 3 yêu cầu: xây dựng về mặt tư tưởng cho các tổ chức trong hệ thống chính trị; hình thành ý thức hệ mới trong xã hội phù hợp với chế độ xã hội mới; xây dựng con người có tư tưởng mới. Chú luôn khuyên cán bộ trẻ phải học, phải đọc. Chú chỉ cho cách đọc có ghi chép và kết hợp với suy nghĩ để nhớ lâu.

Chú Hai luôn thương yêu, chăm lo, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ phấn đấu, trưởng thành bằng sự tin tưởng, bao dung mà không phải nói nhiều. Đây phải chăng là cách của một nhà lãnh đạo hiểu tâm lý. Chú cũng rất quan tâm đội ngũ những người làm báo và văn nghệ sĩ. Cách chú góp ý cho lực lượng này nhìn chung là tế nhị, đôi khi là những gợi ý làm thấm sâu.

Nhớ chú Hai là nhớ một nhà lãnh đạo luôn đòi hỏi và tự đòi hỏi để đáp ứng nguyện vọng và niềm mong ước của nhân dân. Hình ảnh chú phát biểu ở diễn đàn Đại hội Đảng toàn quốc lần VIII năm 1996 rất thẳng thắn về Điều lệ Đảng như vẫn còn đây. Những nung nấu về phát huy dân chủ trong xây dựng Đảng và phát triển đất nước như vẫn còn đây. Những ngày cuối đời, những gửi gắm của chú về việc cán bộ, đảng viên phải biết nêu gương tốt, luôn tu dưỡng đạo đức làm người… như vẫn còn đây.

Bao nhiêu những trăn trở, lo toan về việc nước từ nay đành phải để lại rồi chú Hai ơi. Chú ra đi thanh thản, bình yên và giữ mãi nụ cười nhân hậu của một người hiền như những ngày ở cõi đời chú nhé. Chú Trần Trọng Tân - một cuộc đời, một sự nghiệp luôn gắn bó đất nước, quê hương, với thành phố này, sẽ được nhiều người nhắc nhớ dài lâu.

Xin kính tiễn chú Hai Tân, một nhà lãnh đạo có tầm tư tưởng, am hiểu lý luận, mà hết sức giản dị, gần gũi, thân thương, một con người có sức làm việc bền bỉ và nghiêm túc. Xin bày tỏ lòng biết ơn cùng chú về sự dìu dắt của một người lãnh đạo. Xin chia buồn sâu sắc cùng thím Hai và gia đình.

PHẠM PHƯƠNG THẢO

- Tin buồn

- Thương tiếc anh Hai Tân

Tin cùng chuyên mục