Thương tiếc anh Hai Tân

Thương tiếc anh Hai Tân

Anh Hai Tân là người giới thiệu nhà thơ Chế Lan Viên vào Đảng. Chuyện được chính anh Hai Tân kể lại: “Khoảng cuối năm 1949, đầu năm 1950, khi tiếp đoàn văn nghệ sĩ ở vùng tự do Liên khu IV vào tìm hiểu thực tế kháng chiến ở Bình Trị Thiên, trong số vào Quảng Trị có anh Chế Lan Viên. Buổi đầu gặp anh ở chiến khu Ba Lòng, mới biết anh là người cùng quê. Qua các cuộc trò chuyện, tôi mến phục anh, một  người có kiến thức rộng trên nhiều mặt, kể chuyện dí dỏm, đặc biệt khi kể đến những con người đã gặp ở vùng kháng chiến khói lửa, anh đã có những nhận xét tinh tế với tình cảm sâu đậm.

Tôi thầm nghĩ một ông trí thức như thế này mà không lôi cuốn vào Đảng để tăng sức cho Đảng thì thật đáng tiếc. Nhưng tuyên truyền với anh thế nào, tôi thấy thật khó, vì anh cho biết ở Liên khu ủy IV, có đồng chí tuyên truyền để kết nạp anh vào Đảng nhưng anh đã từ chối. Anh cho rằng đã không may mắn được góp sức với Đảng, khi Đảng còn hoạt động bí mật thì thôi, nay Cách mạng Tháng Tám đã thành công, Đảng đã mạnh, đã có chính quyền mà xin vào Đảng là “xu thời”. Anh không thích. Anh quyết định suốt đời chỉ làm “người cộng sản không đảng”. Biết thế, tôi không hy vọng gì đến việc kết nạp được anh vào Đảng.

Đồng chí Trần Trọng Tân, NSƯT Kim Cương, GS BS Chấn Hùng, nhà doanh nghiệp Giản Tư Trung giao lưu trực tuyến với bạn đọc Báo SGGP ngày 28-4-2007.

Đồng chí Trần Trọng Tân, NSƯT Kim Cương, GS BS Chấn Hùng, nhà doanh nghiệp Giản Tư Trung giao lưu trực tuyến với bạn đọc Báo SGGP ngày 28-4-2007.

Rồi có một lần, khi biết sắp mở chiến dịch, anh ngỏ ý muốn được tham dự các cuộc họp chuẩn bị các trận đánh. Tôi đã đưa anh đến dự cuộc họp chi bộ của đại đội chủ công để nghe chi bộ bàn kế hoạch tiêu diệt đồn Tà Cơn (một đồn địch ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Trong cuộc họp đó, đồng chí bí thư chi bộ gặp phải khó khăn. Khi yêu cầu cần có ba đảng viên ôm bộc phá mở đột phá khẩu, hỏi ai tình nguyện thì cả mười đồng chí trong chi bộ đều giơ tay. Trong tình thế này chỉ có cách bốc thăm. Ba đồng chí bốc trúng thăm, tuyên thệ trước chi bộ sẽ làm tròn nhiệm vụ để xứng đáng với danh hiệu đảng viên. Sau cuộc tiến công thắng lợi, tiêu diệt được đồn Tà Cơn, hai trong ba đồng chí đó đã hy sinh. Anh Chế Lan Viên đã cùng tôi đến dự lễ chôn cất.  Sau đó ít hôm, anh nói với tôi: “Ý nghĩ muốn làm người cộng sản không đảng của mình trước đây là không đúng, nay mình muốn được vào Đảng”. Trong buổi lễ tuyên thệ được tổ chức ở chi bộ cơ quan của Tỉnh ủy Quảng Trị, anh ôm hôn lá cờ Đảng và khóc. Anh cho biết hình ảnh hai đồng chí vừa mới hy sinh cứ hiện lên mãi trong tâm trí anh”.

Anh Hai Tân lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, người đã giới thiệu Chế Lan Viên vào Đảng cùng một đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy khác. Trong bài thơ Kết nạp Đảng trên quê mẹ của Chế Lan Viên có câu: “Tôi đứng trước Đảng kỳ, rưng mắt lệ…/ Ôi tiếng đầu tiên gọi ta “đồng chí”/Là tiếng quê hương ấm lành Quảng Trị/Những đảng viên đầu tiên đứng sát bên tôi /Là bạn thuở nhi đồng áo vá cơm khoai…” là nói chuyện này.

Câu chuyện đó làm tôi xiết bao quý mến anh Hai Tân. Hẳn là trên đường cách mạng, trong hai cuộc kháng chiến, trong tù ngục Côn Đảo, trong công tác ở chiến trường Campuchia, anh Hai Tân đã dìu dắt bao người. Nhưng kết nạp Chế Lan Viên, một “nhà thơ lớn” thì lại là cái duyên kỳ ngộ của cách mạng, Đảng và trí thức văn nghệ sĩ. Nay cả hai người đều đã đi vào thế giới Người Hiền để gặp Bác Hồ mà lòng không thẹn với Bác, với nhân gian.

Trong công việc của mình, tôi nhiều lần được gặp anh Hai Tân. Anh rất ngọt ngào, thân tình, bình đẳng, dân chủ… không ỷ mình là tiền bối lão thành mà quan liêu, khó tính. Ông anh tôi, lúc làm Trưởng đoàn công tác Đài Tiếng nói Việt Nam ở Campuchia, cũng thường ca ngợi đức tính đó của anh Hai Tân. “Gặp mình, đầu tiên là ảnh hỏi gia đình, vợ con, sức khỏe, rồi mới nói đến công tác”.

Anh Hai Tân còn là một người làm thơ, một người viết chính luận. Anh có tập thơ Bài ca lâm trận nhiều bài độc đáo, giản dị chân tình mà đầy thi hứng. Thơ anh luôn rạng sáng một nụ cười lạc quan, tin yêu, nghĩa tình… Bài Chiếc áo bà ba, gởi anh Lê Quang Vịnh, anh Hai Tân làm trong hầm đá Lao III ở Côn Đảo sau khi nhận được chiếc áo bà ba của anh Lê Quang Vịnh, do anh Lê Hồng Tư lén đưa vào hầm giam vào tháng 3-1972, có thể kể là một bài thơ hay của tập thơ: Anh tặng tôi áo vải/Tôi gởi anh áo thơ/Cho có đi có lại/Ấm áp những ngày mưa//Áo lọt phòng giam, áo đến đây/Ôm hôn áo mới, nhớ câu này/Yêu nhau cởi áo cho nhau mặc/- Mẹ hỏi: Qua cầu để gió bay//Cởi áo này đem gởi tặng ta/Về đời mẹ hỏi biết sao thưa?/Đây lao biệt lập, cầu không có/Phải mối tình chi lớn đẩy đưa//Mặc áo bà ba bạn mới cho/Ngỡ quà của mẹ tự phương mô/Áo mang hơi ấm: tình đồng chí/Hầm lạnh, nhốt hoài ta chẳng lo.

Thơ chiến đấu mà đầy tình thương mến. Lê Quang Vịnh sau này lấy em gái của anh Hai Tân, không biết tình yêu đó có xuất phát từ chuyện tặng áo này.

Anh cũng là cây bút chính luận. Những bài quan trọng có tính chất đường lối đã được tập hợp in thành tập. Anh cũng có tài viết báo, tranh luận với đồng chí của mình những luận điểm có tính nguyên tắc của cách mạng. Là nhà “huấn học” của Đảng, anh thấm nhuần kinh điển Mác-Lênin, kinh điển Hồ Chí Minh…, anh có trình độ bác học, nên theo tôi, phần thắng trong tranh luận thường thuộc về anh, một cách thuyết phục.

Cũng như bao đồng chí cách mạng lão thành khác, anh luôn ưu tư, lo lắng cho tiền đồ của cách mạng trước nạn tham nhũng tràn lan, trước những tiêu cực trong đời sống xã hội, trước sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Anh đã nhiều lần lên tiếng công khai và kiến nghị Đảng, rất khẩn thiết, để cảnh tỉnh mọi người. Điều đó làm chúng ta cảm kích, ở tuổi gần 90, anh vẫn là một chiến sĩ kiên cường, một con người nhân ái, thủy chung… Tôi có ấn tượng sâu sắc trong lần Đại hội Đảng, trên truyền hình thấy anh ba lần lên diễn đàn Đại hội, kiên trì thảo luận, không đồng ý lập ra Thường vụ trong Bộ Chính trị với những lý lẽ thuyết phục, được cả Đại hội đồng tình.

Giờ đây anh đã ra đi. Tôi nối kết trong lòng mình tình yêu Chế Lan Viên và tình yêu anh. Mãi mãi nhớ thương dáng hình anh cao lớn, nhưng dịu hiền đi qua khói lửa chiến tranh, tù ngục, nghĩ suy và không một phút dừng cuộc đấu tranh cho lý tưởng cao đẹp của mình…

GS MAI QUỐC LIÊN

- Nhớ chú Hai Tân!

- Tin buồn

Tin cùng chuyên mục