Tiễn đồng chí Trần Trọng Tân về nơi an nghỉ cuối cùng

Tiễn đồng chí Trần Trọng Tân về nơi an nghỉ cuối cùng

(SGGPO).- Sáng nay, 7-8, tại Nhà tang lễ TPHCM, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương; Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Tỉnh ủy- HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị; các đồng chí, đồng đội, gia đình đã trang trọng tổ chức Lễ truy điệu và tiễn đưa đồng chí Trần Trọng Tân về nơi an nghỉ giữa lòng đất mẹ.

Đồng chí Trần Trọng Tân tên thật là Trần Trọng Hoãn, sinh tại xã Tân Mỹ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Được thừa hưởng truyền thống yêu nước của quê hương và gia đình, đồng chí đã giác ngộ cách mạng từ rất sớm, đồng chí tham gia phong trào học sinh và được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam khi vừa tròn 20 tuổi. Ba năm sau, đồng chí đã là Tỉnh đội trưởng tỉnh Quảng Trị; năm 24 tuổi, đồng chí được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị.

Từ năm 1955 đến năm 1959, đồng chí làm công tác tuyên huấn, với nhiệm vụ Vụ phó Vụ Huấn học thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương, Bí thư - Hiệu ủy trường Bồi dưỡng lý luận cho cán bộ trung, cao cấp của Đảng.

Tháng 9-1960, đồng chí vinh dự được là Đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng. Trong thời gian này, trước đòi hỏi mới của cách mạng, đồng chí được Đảng điều động vào chiến trường miền Nam. Từ năm 1961 đến năm 1967, đồng chí giữ chức vụ Ủy viên Thường trực Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam và được điều động hoạt động trực tiếp, bí mật tại Sài Gòn với nhiệm vụ Phó Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Bí thư Đảng ủy cơ sở cánh tuyên huấn nội thành, Bí thư Ban cán sự văn nghệ sĩ, Bí thư Ban cán sự báo chí ký giả nội thành. Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đồng chí được phân công là Ủy viên Ban Chỉ đạo tiền phương ở nội thành Sài Gòn; đồng chí đã tổ chức đưa một số nhân sĩ ra căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Tháng 11-1969, đồng chí bị giặc bắt giam cầm, tra tấn dã man, đày qua nhiều nhà tù của chế độ cũ: Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn, khám Chí Hòa, chuồng cọp Côn Đảo cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ tháng 6-1975 đến tháng 3-1981, đồng chí được phân công là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên huấn Thành ủy TPHCM. Từ năm 1981 đến năm 1986 đồng chí là Phó Ban Tuyên huấn Trung ương, sau đó được cử vào Ban lãnh đạo, Bí thư Đảng ủy Đoàn chuyên gia Việt Nam giúp bạn Campuchia. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VI và VII, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, là đại biểu Quốc hội khóa VIII.

Từ năm 1991, đồng chí được Đảng điều động về TPHCM giữ trọng trách Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy.

Đến tháng 5 năm 1997, đồng chí được thực hiện chính sách nghỉ hưu. Ngay sau khi nghỉ hưu, đồng chí tiếp tục tham gia Hội đồng Lý luận Trung ương, là Phó Ban Chỉ đạo và là Chủ biên Bộ sách “Lịch sử Đảng bộ TPHCM giai đoạn 1930 - 1975”, tham gia công tác Mặt trận, là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM nhiệm kỳ VII, nhiệm kỳ VIII.

Tiễn đồng chí Trần Trọng Tân về nơi an nghỉ cuối cùng ảnh 1

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải đọc điếu văn tại lễ tang đồng chí Trần Trọng Tân. Ảnh: Long Hồ

Đọc điếu văn đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải xúc động nhấn mạnh: 88 tuổi đời, hơn 70 năm hoạt động cách mạng, 68 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, đồng chí Trần Trọng Tân gắn trọn đời mình với con đường đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Trong lúc hoạt động trực tiếp ở Sài Gòn, đồng chí bị địch bắt, tra tấn rất dã man bằng mọi nhục hình, nhưng đồng chí vẫn luôn kiên trung, giữ vững khí tiết cách mạng của người cộng sản, bảo đảm an toàn các cơ sở cách mạng. Những năm tháng bị đày ải ở địa ngục trần gian - nhà tù Côn Đảo, đồng chí luôn kiên cường, mưu trí, động viên đồng chí, đồng đội đoàn kết chiến đấu, quyết không khuất phục kẻ thù. Bài thơ “Bài ca lâm trận” do đồng chí sáng tác trong lao tù, là tâm niệm gửi đến người bạn chiến đấu Tư Ánh - đồng chí Trần Bạch Đằng, đã thể hiện cốt cách, khí phách của một người cộng sản:

“Mình đang lâm trận ông Tư ơi!
Chết bỏ! Lời ông nhớ lại rồi
Ông cứ vững lòng tin ở bạn
Thiệt vàng thử lửa sáng ngời thôi!” 

Đồng chí Lê Thanh Hải nhấn mạnh: Trong vai trò Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương rồi Phó Bí thư Thành ủy phụ trách tư tưởng - văn hóa, đồng chí đã có những đóng góp nổi bật cho công tác tư tưởng - văn hóa trong giai đoạn đầu khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, đồng chí đã kiên định con đường “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, “đổi mới nhưng không đổi màu”, “hội nhập nhưng không hòa tan”. Kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tư tưởng Hồ Chí Minh, không khoan nhượng đối với những quan điểm núp bóng dân chủ, nhân quyền, gây mất ổn định chính trị. Với sự nhạy cảm và bản lĩnh của một người từng trải trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, đồng chí độc lập trong tư duy, rất cởi mở với tư duy phản biện, những ý kiến trái chiều, có trách nhiệm, xây dựng, sẵn sàng đối thoại, tranh luận để đi đến thống nhất, vì sự phát triển. Là người hoạt động cách mạng ngay tại Sài Gòn - sào huyệt của kẻ thù, đồng chí tin dân, dựa vào dân, được nhân dân đùm bọc, đã phát hiện, tuyên truyền, vận động, tập hợp được đông đảo trí thức, trong đó có văn nghệ sĩ và báo chí Sài Gòn lúc ấy vào mặt trận đoàn kết dân tộc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Luôn kiên định con đường dân tộc đã chọn, đồng chí dùng ngòi bút lý luận sắc sảo của mình đấu tranh chống những biểu hiện chệch hướng, diễn biến hòa bình, nguy cơ tụt hậu, suy thoái.

 Trong những năm qua, đồng chí luôn trăn trở, suy nghĩ, đóng góp vào việc chung sao cho có lợi nhất cho dân, cho nước; đề xuất giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, phai nhạt lý tưởng, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, như Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí luôn trung thành tuyệt đối với mục tiêu và lý tưởng cách mạng, sống giản dị, liêm khiết, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, luôn làm hết sức mình để giữ gìn sự đoàn kết, sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Những năm gần đây, dù tuổi cao sức yếu, đồng chí vẫn tham gia tích cực vào các sinh hoạt của thành phố, đặc biệt là những hoạt động văn hóa, lịch sử và tư tưởng lý luận. Là cán bộ ở cương vị cao nhưng đồng chí luôn sống chan hòa, thân ái, gần gũi, cởi mở với bạn bè, đồng chí, hết lòng với cán bộ cấp dưới, với cán bộ các thế hệ sau, được đồng bào, giới trí thức, văn nghệ sĩ và đồng chí coi trọng, tin cậy và quý mến.

Với những cống hiến nổi bật, không mệt mỏi, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì, Huân chương Quyết thắng hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác; được Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Lao động hạng nhất.

Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn: Trong giờ phút đau thương tiễn biệt này, càng thương tiếc đồng chí Trần Trọng Tân, anh Hai Tân, chú Hai Tân, chúng ta càng thấy nỗi đau, càng cảm nhận sự mất mát là quá lớn, không gì bù đắp được. Nhớ về đồng chí Trần Trọng Tân, chúng ta nhớ về một chiến sĩ cách mạng kiên trung suốt đời phấn đấu hy sinh vì lý tưởng cộng sản cao đẹp, vì hạnh phúc của nhân dân. Nhớ về đồng chí Trần Trọng Tân, chúng ta nhớ về một nhà lý luận xuất sắc với hoạt động thực tiễn cách mạng phong phú. Nhớ về đồng chí Trần Trọng Tân, chúng ta nhớ về một người đồng chí luôn nêu cao đạo đức cách mạng trong sáng, một tấm gương tự học, tự rèn luyện không ngừng. Nhớ về anh Hai Tân, chú Hai Tân, chúng ta nhớ về một người anh, người chú nhân hậu với nụ cười tươi trẻ, rạng rỡ, luôn bừng sáng. “Đồng chí là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên Đảng bộ TPHCM nói chung, cán bộ tuyên giáo các thế hệ nói riêng trân trọng, biết ơn và noi theo”- trong điếu văn, Bí thư Thành ủy TP Lê Thanh Hải khẳng định.

Tiễn đồng chí Trần Trọng Tân về nơi an nghỉ cuối cùng ảnh 2

Gia đình, đồng chí và đồng đội tiễn đưa đồng chí Trần Trọng Tân về nơi an nghỉ cuối cùng. Ảnh: Long Hồ

Trong niềm tiếc thương vô hạn, trong những ngày qua, đến viếng và tiễn đưa đồng chí Trần Trọng Tân có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng; hơn 650 đoàn và nhiều cá nhân đến viếng đồng chí Trần Trọng Tân và chia buồn cùng gia đình. Tất cả đều bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn đối với người đảng viên đã dành cả cuộc đời cách mạng thật trọn vẹn với Đảng, với dân.

Hồng Hiệp

>> Hơn 400 đoàn đến viếng đồng chí Trần Trọng Tân

>> Tiễn biệt một nhân cách lớn

- Kỷ niệm về chú Hai Tân

Tin cùng chuyên mục