Kỷ niệm về chú Hai Tân

Kỷ niệm về chú Hai Tân

1. Tôi biết danh chú Trần Trọng Tân (thường gọi là chú Hai Tân) đã lâu, nhưng thực sự đến dịp gặp chú cùng trò chuyện với đại tá Lê Kích, một lão thành cách mạng từ thời du kích Ba Tơ trên đất Quảng Ngãi anh hùng, tình cảm chú cháu mới gần gũi và thân thiết. Đó là những năm cuối thế kỷ trước, khi sức khỏe đại tá Lê Kích đã yếu, Tỉnh ủy Lâm Đồng (nơi đại tá Lê Kích đang sinh sống) và Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức làm phim giới thiệu về cuộc đời của vị lão thành cách mạng này. Tác giả kịch bản cuốn phim Một người lính làm nên huyền thoại ấy là nhà văn Trần Ngọc Trác, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Lâm Đồng.

Tôi là cháu gọi ông Lê Kích bằng cậu, lại đang làm Báo QĐND nên nhà văn Trần Ngọc Trác mời tôi cùng tham dự buổi trò chuyện giữa đại tá Lê Kích và chú Hai Tân, một trong những người bạn chiến đấu của ông trong những ngày đầu mở đường Tây Trường Sơn vào đầu năm 1961.

Đồng chí Trần Trọng Tân (bìa trái) cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo TPHCM tại lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Công an Nhân dân. Ảnh: Giản Thanh Sơn

Đồng chí Trần Trọng Tân (bìa trái) cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo TPHCM tại lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Công an Nhân dân. Ảnh: Giản Thanh Sơn

Hai vị lão thành cách mạng cao niên, tóc bạc trắng như cước, lâu ngày gặp lại, ôm nhau cười nói như một thời trai trẻ. Tôi ngộ ra, các ông cười mà khóe mắt rưng rưng, ngấn lệ.

- Anh Hai còn nhớ ngày chúng mình gặp nhau ở Mường Phìn? - ông Lê Kích hỏi.

- Làm sao có thể quên được, anh Tám - Chú Hai Tân một lần nữa đứng dậy ôm ông Tám Kích.

Rồi hai người bạn chiến đấu kể cho chúng tôi nghe cuộc gặp gỡ bất ngờ trên con đường huyền thoại mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ đầu đánh Mỹ. Đại tá Lê Kích kể, đầu tháng 3-1961, ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ tổ chức một phân đội tinh nhuệ sang làm nhiệm vụ đặc biệt ở chiến  trường C (Lào). Nhiệm vụ cụ thể sẽ được đồng chí Hoàng Văn Thái và đồng chí Trần Quý Hai nói rõ. Ngày 28-3-1961, tại Vinh, ông Lê Kích được Tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Đôn thông báo bổ sung nhiệm vụ, giao ông Lê Kích tổ chức đánh địch, khai thông đường Tây Trường Sơn.

18 giờ ngày 22-4-1961, ông Lê Kích gặp đoàn cán bộ tăng cường cho Nam bộ do chú Hai Tân, làm trưởng đoàn. Đã biết tiếng nhau từ thời kháng chiến chống Pháp, hai ông vui mừng khôn xiết. Bấy giờ địch trên hành lang dày đặc. Lực lượng ta rất mỏng, muốn đánh thắng phải tổ chức thật chặt chẽ, trong đó công tác chính trị tư tưởng đặc biệt quan trọng. Ông Lê Kích làm chỉ huy trưởng và chú Hai Tân trực tiếp làm chính ủy mặt trận. Hai ông sát cánh, tổ chức nhiều trận đánh từ Sê Pôn - Huội Sản đến Bản Đông, khai thông hành lang Tây Trường Sơn từ Đông Pha Lan đến biên giới Quảng Trị, với độ dài gần 100km. Tháng 7-1961, ông Võ Bẩm, Tư lệnh Đoàn 559 vào trực tiếp chỉ huy, ông Lê Kích nhận nhiệm vụ sang giúp bạn giải phóng Cánh đồng Chum, còn chú Hai Tân cùng đoàn tiếp tục hành quân vào Nam bộ…

Từ buổi gặp đó, chú Hai Tân dành cho tôi tình cảm đặc biệt. Khi tôi được giao phụ trách cơ quan đại diện phía Nam Báo QĐND tại TPHCM, chú thường xuyên quan tâm; kịp thời chỉ bảo, góp ý cho chúng tôi những kinh nghiệm làm báo và đôi khi trực tiếp viết bài cho báo.

2. Đầu năm 2008, tôi nhận nhiệm vụ Tổng biên tập Báo SGGP. Biết tin ấy, trong một lần sau hội nghị giao ban báo chí, chú Hai Tân gặp tôi. Chú ân cần dặn dò tôi như người cha nói với con trước ngày ra trận: “Đang làm công tác quản lý nhà nước về trực tiếp quản lý một tờ báo lớn sẽ có nhiều vất vả, khó khăn. Nhưng đó là một vinh dự, cháu phải cố gắng phấn đấu để xứng đáng với sự tin tưởng của Thành ủy và anh em”. Khi tôi chính thức nhận nhiệm vụ, dù tuổi cao sức yếu, chú đã mấy lần đến tòa soạn, chỉ bảo chúng tôi và trực tiếp gửi bài.

Cũng như lúc còn làm Báo QĐND, tôi rất xúc động khi chú Hai nhận lời làm cộng tác viên đặc biệt. Mỗi khi có những vấn đề liên quan đến công tác tư tưởng, tôi trực tiếp đến gặp chú và luôn nhận được sự chỉ dẫn chân tình, hiệu quả. Những bài báo của chú Hai Tân luôn giàu tính tư tưởng, sắc bén lý luận và thấm đậm thực tiễn, có tính thuyết phục cao. Tôi nhớ mãi, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Báo SGGP tổ chức vệt bài Học thuyết Mác - Lênin và CNXH: Trào lưu hay quy luật tất yếu? một đề tài thuộc dạng hóc búa, chú Hai Tân là người không những quyết liệt ủng hộ mà còn trực tiếp viết bài tham gia.

Kiên định, vững vàng về quan điểm chính trị, về con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn, nhưng chú Hai Tân không cứng nhắc trước thực tiễn cuộc sống. Các góp ý của chú trong nội bộ Đảng đôi khi gay gắt, quyết liệt, nhưng thấm đẫm tinh thần trách nhiệm chính trị, ý chí của một đảng viên cộng sản chân chính. Khi Báo SGGP phát động Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, chú Hai Tân theo sát từng bước đi của chúng tôi. Chú nhắc đừng quên công ơn của nhân dân các bộ tộc của hai nước Lào và Campuchia anh em đã giúp chúng ta mở đường Tây Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam trong các cuộc kháng chiến của dân tộc.

Mang theo lời chú Hai dặn, chúng tôi đã đến những bản làng xa xôi trên dãy Trường Sơn như Con Cuông, Sê Pôn, Huội Sản, Bản Đông… xây dựng những công trình tình nghĩa. Biết chúng tôi đã đầu tư xây mới lại toàn bộ bản Di tích lịch sử - văn hóa Làng Ho (Quảng Bình), chú Hai Tân rất vui. Lại thêm một lần nữa tôi bắt gặp khóe mắt rưng rưng, ngấn lệ của vị lão thành cách mạng khi nói về đất và người của một thời chiến tranh gian khổ.

Nghe tin chú Hai Tân quy tiên, dù biết đó là quy luật của tạo hóa, nhưng trái tim tôi vẫn nhói đau như cách đây hơn 10 năm nhận tin cậu tôi - đại tá Lê Kích về cõi vĩnh hằng. Tôi như vẫn thấy bóng dáng chú Hai cùng đại tá Lê Kích và đồng đội của các ông lừng lững trên đỉnh Trường Sơn - con đường huyền thoại mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

TRẦN THẾ TUYỂN

- Thương tiếc anh Hai Tân

Tin cùng chuyên mục