Chữa bệnh không dùng thuốc

Tại bệnh viện quận 2, thầy thuốc và bệnh nhân có thể ngồi trò chuyện với nhau hàng giờ và khi ra về, bệnh nhân cảm thấy hoàn toàn thoải mái mà không phải dùng bất kỳ loại thuốc nào. 
Mới đây, tại khu khám ngoại trú Bệnh viện (BV) Quận 2 xuất hiện một phòng khám khá mới lạ. Ở đây, thầy thuốc và bệnh nhân có thể ngồi trò chuyện với nhau hàng giờ và khi ra về, bệnh nhân cảm thấy hoàn toàn thoải mái mà không phải dùng bất kỳ loại thuốc nào. Đây là BV đa khoa đầu tiên trên cả nước thực hiện điều trị bệnh bằng tâm lý và chữa khỏi bệnh cho nhiều bệnh nhân.

Chữa bệnh bằng… tâm lý

Dẫn con gái 7 tuổi đến Phòng khám Tâm lý lâm sàng của BV Quận 2, vợ chồng chị L.T.C. (ngụ quận 4, TPHCM) không giấu được nỗi buồn trên nét mặt khi con gái luôn ôm bụng, cau mày, tỏ vẻ khó chịu, xa lánh và yêu cầu đuổi những người khác ra khỏi phòng khám. Sau hơn 1 giờ ngồi trong phòng kín trò chuyện với các chuyên gia tâm lý, khi ra ngoài, cháu đã cười vui vẻ hơn và chào hỏi mọi người. Chị C. cho biết, trước đây bé thường xuyên bị đau bụng quằn quại mỗi khi bắt đầu đi học. Chị đã đưa đi khám một số nơi, không có vấn đề gì về đường ruột, tiêu hóa. Bé cũng không thích chơi với bạn bè, thường xuyên sợ hãi và cáu gắt, xa lánh những người xung quanh. Chị chia sẻ: “Mình nhìn thấy con như vậy, đôi lúc bản thân cảm thấy áp lực còn nhiều hơn cả con nữa. Không biết làm sao để giải tỏa cho con, giúp con hòa nhập với mọi người”.
Chữa bệnh không dùng thuốc ảnh 1 Tiến sĩ Lê Minh Thuận đang tư vấn cho bệnh nhân và người nhà
Là người trực tiếp điều trị cho bé, Thạc sĩ Phan Thị Hoài Yến, chuyên gia tâm lý, Khoa Tâm lý lâm sàng BV Quận 2, cho biết bệnh nhân bị bệnh thực thể và kèm theo các vấn đề về tâm lý. Vì thế, để điều trị toàn diện cho cháu, bác sĩ chuyên khoa phải hội chẩn với chuyên gia tâm lý tìm liệu pháp giúp bệnh nhân lấy được thăng bằng để ổn định tinh thần. Cũng theo chuyên gia Hoài Yến, phần lớn người dân nghĩ rằng bệnh tâm thể là không có thật nên không quan tâm. Trên thực tế, bệnh này không phải do di truyền, không bẩm sinh, chỉ phát sinh trong hoàn cảnh nhất định nào đó nên ít người nghĩ đến. Thông thường, khi tiếp xúc người bệnh này, các bác sĩ không mặc áo blouse trắng mà mặc thường phục để giảm áp lực cho người bệnh, lắng nghe và trò chuyện cùng người bệnh khoảng 1 giờ. Tuy nhiên, có những bệnh nhân phải ngồi suốt 2 - 4 giờ và các chuyên gia phải tranh thủ hỗ trợ bệnh nhân một cách tốt nhất, vì có thể họ sẽ không quay lại nữa. 

Còn theo TS Lê Minh Thuận, giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, Trưởng khoa Tâm lý học lâm sàng, BV Quận 2, thực tế hiện nay các BV chú trọng điều trị bệnh thực thể hơn và thường bỏ qua các vấn đề tâm lý. Điều này khiến việc điều trị càng kéo dài và khi tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ khó có thể phân biệt được đâu là bệnh thực thể, đâu là bệnh tâm lý để gửi bệnh nhân cho các khoa, phòng can thiệp sớm và điều trị. Nếu như phương pháp chữa bệnh thực thể là dùng thuốc và chẩn đoán bệnh qua các thiết bị chuyên dụng thì việc trị bệnh bằng trị liệu tâm lý hoàn toàn không dùng thuốc. Thông qua trò chuyện, chuyên gia tâm lý lâm sàng khơi gợi bệnh nhân bộc lộ vấn đề cá nhân và đồng hành cùng họ để giải quyết tận gốc vấn đề. 

Còn gặp nhiều khó khăn

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, việc điều trị tâm lý cho người bệnh là rất khó, vì không có một phác đồ chung nào dành cho những bệnh nhân này. Trong khi đó, tâm lý chiếm trọn cuộc sống con người, nếu bỏ qua khía cạnh này, việc điều trị có thể không thành công. Tại TPHCM, BV Quận 2 là BV đa khoa đầu tiên tiên phong thực hiện thành công mô hình này. Với người mắc bệnh tâm lý, khi đến đây họ sẽ được giải quyết bằng cách “trò chuyện” cùng với các chuyên gia. TS Lê Minh Thuận cho biết, thông thường mỗi cuộc “trò chuyện” thường kéo dài hàng giờ và tất nhiên không phải bệnh nhân nào bác sĩ cũng có thể “trò chuyện” thành công, bởi còn phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác của bệnh nhân và gia đình người bệnh. 

Cùng với đó, bệnh nhân đến khám tâm lý chưa được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả cho nên người dân vẫn chưa mặn mà, bởi giá mỗi lần khám tâm lý tương đương với giá khám dịch vụ các bệnh lý khác. Đây không phải là số tiền lớn, thế nhưng, với những bệnh nhân khó khăn, phải trị liệu lâu dài thì việc chi trả cho cả một quá trình điều trị là vấn đề lớn. Vì vậy, nhiều bệnh nhân đã bỏ ngang quá trình điều trị. Để có thể giúp bệnh nhân điều trị thành công, hiện nay, BV Quận 2 phải tự gồng mình khám và hỗ trợ miễn phí cho những đối tượng khó khăn. Trăn trở về vấn đề này, TS Lê Minh Thuận cho rằng: Làm sao để chúng ta có những gói hỗ trợ giúp đỡ cho bệnh nhân, lần lượt được bảo hiểm y tế chi trả, để bệnh nhân giảm được những vấn đề về tài chính. Bên cạnh đó, việc khám tâm lý lâm sàng vẫn đang là mô hình mới, chưa được cấp mã số hoạt động. Trong khi, có nhiều bác sĩ tâm lý đi học chuyên khoa rất nghiêm túc, nhưng không có nơi điều trị tâm lý lâm sàng nên phải đi làm việc khác.

Theo bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Quận 2, mặc dù gặp nhiều khó khăn ở những bước đi đầu, nhưng BV sẽ luôn nỗ lực cải thiện nhằm mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm. Việc điều trị cho người bệnh không chỉ dừng lại ở điều trị bệnh mà cần quan tâm đến yếu tố tâm lý, xã hội để chữa trị một cách toàn diện. “Chúng tôi đã và đang mở rộng phòng khám này, xem đây như một trung tâm để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân nội trú và khám ngoại trú. Đây sẽ là mô hình cần được nhân rộng nhằm điều trị toàn diện cho bệnh nhân và phát huy được hết nguồn lực của bác sĩ”, bác sĩ Khanh chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục